Hương vị Việt nơi xứ người

13/02/2007 10:18 GMT+7

Tôi có anh bạn là nhà văn Trung Trung Đỉnh, được Giám đốc Công ty Hoàng Tuyển cùng phối hợp với Hội Nhà văn Ba Lan mời sang giao lưu với bà con đúng dịp bên đó có cuộc thi hoa hậu của cộng đồng người Việt tổ chức mãi hồi cuối năm 2004, vậy mà cho đến nay cái dư vị Ba Lan vẫn chưa nguôi trong mỗi câu chuyện lúc trà dư tửu hậu với bạn bè khắp trong Nam ngoài Bắc.

Chàng lãng tử gặp may ấy đã cùng ăn, cùng ở, cùng đi chơi với các bạn người Việt khắp chốn cùng nơi trên đất nước Ba Lan cả tháng trời, từ thành thị đến nông thôn, huyên náo sau các cuộc chén chú chén anh là các bài ca mang dư vị quê nhà. Những Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê của Nguyễn Trọng Tạo cùng "Theo em anh... thì về..." của Phó Đức Phương khiến tâm hồn các con dân xa xứ cứ mềm... như ngó cần. Anh kể, hôm sang Ba Lan anh mang theo một va-li rau cần và một ít rau mùi, rau thì là, khế xanh, chuối xanh, ớt xanh, có kèm theo mấy cân gạo tám xoan Hải Hậu.

Hải quan nước bạn mở va-li ra kiểm tra, không ngờ, họ giữ anh lại để xác minh rõ những thứ rau xanh này có gì hại cho đất nước họ không. Với cái giấy mời do ông Mirek Wirzkiewicz - Chủ tịch Hội Nhà văn Ba Lan, một nhà thơ tên tuổi quen thuộc và khả kính đối với họ đã ký trang trọng, không lẽ anh chàng nhỏ thó không nói được tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Pháp với cái va-li rau xanh cùng những trái ớt, trái khế, trái chuối cũng xanh và bé tí teo kia lại đích thị là khách mời? Nhìn cái va-li rau và dáng dấp anh ta chẳng có vẻ gì văn sĩ, thật khó có thể tin.


Trước cung văn hóa tại Warsaw Ảnh: Nguyễn Trọng Tín

Có cái gì đấy rất đáng khả nghi nên không thể cho qua. Họ đưa anh vào một căn phòng chờ có người phiên dịch để kiểm tra tốt hơn. Anh đưa cho họ số điện thoại di động của tiến sĩ vật lý nguyên tử người Ba Lan gốc Việt, nhà thơ Lâm Quang Mỹ, cũng là bạn anh. Như chết đuối vớ được phao bơi, lập tức sau cú điện thoại ấy mấy anh hải quan Ba Lan liền "xuống giọng" trịnh trọng và mời anh ra cửa VIP, va-li "hàng hóa" của anh được một cô hải quan xinh đẹp đưa lên xe đẩy, đẩy ra cửa, nơi có tiến sĩ và ngài chủ tịch hội đang chờ khách quý...

Bữa tiệc đầu tiên tại Ba Lan, Trung Trung Đỉnh được Hoàng Tuyển cùng các bạn hữu của anh thết vài ba "món Tây", nhưng ngược lại, dưới tay dao tay thớt điệu nghệ của cô Tâm, vợ Hoàng Tuyển, cái va -li rau cần kia nhanh chóng trở nên tâm điểm mang đậm bản sắc Việt quê nhà, vừa rôm rả xoong chảo vừa nở ran câu chuyện. Này mớ cần này dành cho anh A; này mớ cần này dành để phần chị B. Này mớ cần này dành để muối xổi cho ngày mai, đãi mấy ông bạn từ Karakov lên Vác (Warsaw)...

Bạn hãy hình dung, một bữa cơm thuần Việt nơi xứ người của những người con xa xứ với nồi cơm gạo tám xoan vừa mở nắp ra, hơi cơm bốc phủ mặt người, thơm "điếc mũi", theo cách nói của Hoàng Tuyển, lại có cá chép rán vàng ruộm, thịt bò Tây xào với cần ta, đĩa thịt lợn luộc chấm mắm tép cùng với chuối xanh, khế xanh, ớt xanh, hành củ chẻ, rau mùi, rau thì là, xà lách chấm nước sốt cà chua, câu chuyện xen giữa giọng Bắc cùng giọng Nghệ. "Hôm nay không ngồi bàn mà trải chiếu ngồi xếp bằng" chủ nhà gợi ý, khách khứa biểu quyết liền.

Một chai "quốc lủi" nút lá chuối hẳn hoi được Tuyển trịnh trọng đem ra. "Chuyến về quê vừa rồi em đem sang đấy", Tuyển nói. Mấy cháu nhỏ con Tuyển - Tâm líu lo giọng Nghệ rất sành điệu với bát đũa trên tay, xin mời các chú các bác "xơi cơm". "Thế hệ công dân Việt thứ hai trên đất nước Ba Lan nhiều nhà mải làm ăn để con lớn lên quên tiếng Việt, riêng vợ chồng em không bao giờ. Tý nữa ăn xong các cháu hát dân ca Nghệ Tĩnh cho bác nghe. Em nói với nhà em, muốn gì thì gì, nhưng nhất quyết không để con mình nghe tiếng mình mà như câm như điếc, tội lắm!".

Mùa thu mới rồi tôi và nhà văn Nguyễn Trọng Tín cũng làm một cuộc "Ba Lan du ngoạn ký" nhờ sự gợi ý của nhà văn Phạm Ngọc Tiến. Chúng tôi đến thăm đại bản doanh của tập đoàn TSQ và gặp giám đốc trẻ thư sinh Đỗ Quân. Ngay lập tức khách được mời đến nhà hàng Quê Hương, "thưởng thức hương vị quê nhà". Có thể nói ở đây không thiếu món gì, kể cả hành muối, dưa chua (tất nhiên không có tiết canh lòng lợn và thịt chó!). Ở thủ đô Warsaw có hàng chục nhà hàng Việt Nam. Nào nhà hàng Vân Bỉnh, nhà hàng Sinh Sinh, Rồng Vàng, Rồng Đỏ...

Tôi và nhà văn Nguyễn Trọng Tín được tiến sĩ Hoàng Trần Đồng dẫn vào giữa khu phố cổ, dạo quanh thành cổ rồi rong ruổi hai bên bờ sông Vi-Soa, thăm Hoàng Cung, thăm các nhà thờ cổ để rồi khi quay ra bụng ngót chân run vì đi bộ và vì đói, chúng tôi được ngài tiến sĩ dẫn ra chợ "Sân vận động” nơi có hàng chục ngàn người Việt làm ăn buôn bán và "Bây giờ mình tới "Ngõ Cấm Chỉ" ăn phở hay ăn món gì đó theo sở thích khẩu vị từng người", tiến sĩ Hoàng Trần Đồng nói.

Quả tình, ở nơi đây đích thị là "ngõ ẩm thực Việt" một trăm phần trăm. Ngõ Cấm Chỉ ở Hà Nội có món gì thì ở đây có món đó. Tôi mê món bún ốc Hà Nội bao nhiêu thì đến đây tôi bị bất ngờ với bát riêu cua, bún ốc chuối đậu (có cả chút mắm tôm) dậy mùi quê nhà bấy nhiêu! Tôi chợt nhớ bài hát Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh. Bạn thân mến, nếu bạn tới "Ngõ Cấm Chỉ" trong chợ "Sân vận động" thì bạn sẽ ngỡ ngàng vì chất văn hóa Việt thấm đẫm trong cách mời chào, ứng xử, nghe "nhạc Trịnh" trong quán cà phê hay nghe hát quan họ đều "có ngay tắp lự".


Cùng những người bạn Việt Nam bên bức tượng nhạc sĩ Chopin

Chúng tôi được thưởng thức bữa cơm gia đình do vợ chồng Tuyển - Tâm thết tại gia, với món tôm rang, rau muống luộc, nước rau vắt chanh tươi, uống vài ly "quốc lủi" nhắm với lạc rang. Rồi tiến sĩ vật lý, nhà thơ Lâm Quang Mỹ, nhà báo Thủy Tiên, "tay lái lụa" Trần Thăng đưa chúng tôi đến thăm nhà nhạc sĩ thiên tài Chopin, đến bữa, mở gói mới biết nhà thơ Lâm Quang Mỹ và Thăng đã "thủ" theo một lô bánh cuốn! Tôi đã được xem "vườn rau ta" của một vài gia đình Việt. Họ đem giống từ quê nhà sang, trồng trong chậu hoa kiểng, nào cải, nào hành, nào hẹ, nào rau muống, mồng tơi... Rau ta tới xứ người lạ nắng, lạ nước, tươi tốt được vụ đầu, một hai vụ sau còi cọc và thoái hóa ! Thoái hóa thì ta lại trồng đợt khác vậy.

Đến Ba Lan, có một món đặc sản quê nhà có lẽ hiếm nơi nào rôm rả hồn nhiên tươi vui đến vậy, đó là thơ ca. Nhiều lần câu lạc bộ thơ ở nơi đây đã tổ chức những đêm thơ hoành tráng đến mức, các nhà thơ nước sở tại cũng phải "ghen", cũng phải "nhìn thèm" vì sự sôi nổi, sang trọng và nhiệt huyết của các thi nhân. Những đêm thơ: "Một đời thương" của tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Thái. "Nước lã cũng say" của Nguyễn Minh Ngọc. "Tiếng đàn đêm" của Nhị Hồng. "Lời ru người xa xứ" của Trực Chấp.

"Một trời thương nhớ" của Thanh Hiền. "Mẹ ơi" của Nguyễn Trung Thành và đặc biệt đêm thơ Lâm Quang Mỹ thu hút hàng trăm người yêu thơ của cộng đồng và trên năm chục nhà thơ nhà văn, nhà bình luận văn học nổi tiếng của Ba Lan đã đến dự và góp vui. Nhà thơ Mirek Wirzkiewicz Chủ tịch Hội Nhà văn đã phát biểu trong đêm thơ này như sau: "Tôi đã dự rất nhiều đêm thơ ở Ba Lan và nhiều nước khác, nhưng chưa bao giờ được chứng kiến một đêm thơ có nhiều hoa và nhiều tình người đến như vậy!". Thơ ở đây thực sự là một đặc sản thuần Việt song hành cùng với các món ăn khác, tạo nên vẻ đẹp sang trọng và ấm áp tình người.

N.H.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.