Võ sư Hai Trung làm trống

13/02/2007 14:18 GMT+7

Nằm heo hút trong con hẻm nhỏ ở ngoại ô TP.HCM là "làng" trống gia đình ông Hai Trung. Người ta chỉ thấy ông cùng con cái chăm chỉ bên tang trống, da trâu như những nghệ nhân làm trống thực thụ để mưu sinh. Ít ai biết gia đình nhỏ bé ấy đã và đang sản sinh ra những võ sĩ lừng danh.

Cực công tìm tiếng “tang”, tiếng “tùng”...

Nhà ông Hai Trung (tên thật là Lê Thành Trung) nằm heo hút tận con hẻm sâu ở Thủ Đức, con cái, cháu chắt của ông sống quần tụ ở cạnh nhau gần như thành "khu phố" gia đình. Khoảng sân trống ở giữa các gia đình được sử dụng làm nơi sản xuất trống. Trống mới, trống cũ, trống to, trống bé, da trâu treo ngổn ngang khắp nơi. Ông Hai Trung xuất hiện trong bộ đồ màu vàng như của các nhà sư. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về nghề làm trống, ông trầm ngâm bắt đầu câu chuyện: "Nghề trống chẳng có chi là vui cả. Cực lắm mà tiền công chẳng là bao...".

Quả thật, để tiếng trống chầu cho được tiếng "bầm", trống khác cho được tiếng "tang", tiếng "tùng"..., người làm trống phải rất cực công. Da trâu phải chọn da tươi tức da trâu sống, lông không bị đen, da không bị thâm bầm, không có mùi hôi và đặc biệt trâu phải có tuổi chứ trâu non thì trống sẽ dễ bị thủng. Sau đó đem da phơi 3 nắng. Phơi da cũng có kỹ thuật riêng. Mùa nắng đừng để da bị ép nắng. Mùa mưa thì xông lửa nhưng không được để lửa già, nếu không, da sẽ bị "chín" (giòn), mặt trống không bền. Tiếp đó, da sẽ được ngâm nước từ 18 đến 24 giờ (tùy da dày hay mỏng), rồi bào da tùy mỗi loại trống, độ dày mỏng khác nhau từ 2 đến 4 ly.

Gỗ sử dụng làm thân trống có thể là gỗ mít, sao, dầu. Tốt nhất vẫn là gỗ mít bởi mít là thứ không bị mối mọt lại kêu to. Gỗ mít mua về xẻ từng miếng, cưa lận dăm, phơi khô ghép lại với nhau bằng keo, niềng chặt thành hình cái trống gọi là tang trống. Để hoàn thành một chiếc trống (trống Chầu, Chầu Sấm, Lịch, Lân, Cơm, Cái...), người thợ làm trống phải qua nhiều công đoạn khác nữa như căng mặt trống, đạp da, trang trí... tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ.

Vang danh nghiệp võ

Trong con người nghệ nhân Hai Trung thấm đẫm chất võ. Tiếng trống, tay võ, cả hai đều làm nên tiếng tăm cho dòng họ "Lê Thành".

Vào thập niên 1950, ông từng làm xôn xao dư luận khi thượng đài hạ knock-out một võ sĩ tại Thái Lan, sau đó phải lặng lẽ rút êm khỏi đất Thái vì mọi đường về của ông đều bị mua đứt. Kế đó, ông để lại dấu ấn khó phai trên đất Campuchia khi hạ võ sĩ Thạch Sil Ronil chỉ trong 2 hiệp đấu...

Khi có ai hỏi tại sao lại chọn nghiệp võ, ông đều nói: "Chẳng biết nữa". Quả thật vậy. Đó là nghiệp ông nội truyền cho cha (võ sư Lê Mó), rồi cha mẹ truyền cho ông là đời thứ ba. 5 tuổi ông đã biết Ngũ quan pháp, Tứ bộ pháp, Tam pháp quy môn, Thủ bộ mã, Di ảnh độn pháp... vừa học vừa sáng tạo các chiêu thức mới. Mười mấy tuổi đầu ông đã làm cho những tay võ lâm nổi tiếng thời ấy kinh ngạc. 

“Nghệ nhân” trẻ Lê Thành Nhật và con gái

Quá mê võ, Hai Trung đi khắp nơi tầm sư học đạo. Cảm nhận được tố chất học võ của ông, danh sư Lê Khánh Dư (tổ sư võ phái "Tây Sơn Bình Định", sư phụ của cha ông) trực tiếp truyền thụ đồ trận pháp mai hoa thung, thiếu lâm công phu và huấn luyện chỉ công, thiết thủ công... Từ đó cho đến lúc thành danh trên đài võ thuật, võ sĩ Hai Trung còn bái nhiều sư phụ khác. Trong đó có chuyện lên rừng ẩn cư học võ của sư phụ Lê Sáng với các bộ như liên hoàn tam cước pháp, nhất bộ tam mã phi tiễn cước và cả chiêu... bắt cọp. Và ông tự nhận, chỉ đến khi gặp hòa thượng Thích Hồng n ở núi Chứa Chan và được hòa thượng thu nhận để truyền tâm pháp của đạo Phật và truyền võ Thiếu Lâm Tâm Khánh thì ông mới thực sự trưởng thành.

Còn chuyện làm trống? Thời trai trẻ, sau những giờ luyện tập võ quay về nhà ông lại xắn tay áo vào phụ giúp người bác làm trống. Ông không thể ngờ rằng sau này đó lại là cái cần câu cơm nuôi sống niềm đam mê nghiệp võ và nuôi sống cả gia đình.

Năm ông 22 tuổi, khắp nơi đều biết tiếng khi ông bắt đầu đứng lớp thay cha truyền võ tại các võ đường "Tây Sơn Bình Định" và dẫn đệ tử đi thi đấu. Khi hỏi về những lần thượng đài thắng các đại lực sĩ lừng danh một thời, ông khoát tay bảo: "Thôi đừng nhắc đến... Đó chỉ là một thời trai trẻ, háo thắng, ai thách là đấu". Tuy nhiên, những người theo nghiệp võ lại rất hào hứng cho biết, ông đã từng làm chấn động giới võ lâm khi hạ các võ sĩ lừng danh tại Đà Lạt, Nha Trang, hay Củ Chi...

Hiện nay, cháu của ông là Trịnh Hữu Đức cũng đang là vận động viên thi đấu cho đội tuyển Võ cổ truyền Quân đội. Ông có 10 đứa con (4 trai, 6 gái), trong đó 4 trai và 1 gái theo nghiệp võ. Cầm chùm huy chương chừng hơn trăm cái trên tay của những đứa con đời thứ 4 theo nghiệp võ, ông bảo "không thể nào nhớ hết chúng đã đem về bao nhiêu cái huy chương, đây chỉ là số còn sót lại".

Đời thứ tư của dòng họ "Lê Thành", ngoài những cái tên như Lê Thành Phát hào hoa trên võ đài, Lê Thành Tài không đối thủ ở hạng dưới 60 kg, nữ võ sĩ Lê Thị Hoa Phượng từng chinh phục lòng người tại các nước Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia... thì có lẽ câu chuyện lý thú nhất vẫn là trận đấu đầy ấn tượng giữa anh Lê Thành Long (6 năm liền vô địch quốc gia) và... em ruột Lê Thành Nhựt (4 năm vô địch quốc gia) trong trận chung kết hạng dưới 54 kg giải Võ cổ truyền quốc gia năm 1997 (10.1997 tại NTĐ Diên Hồng, Quảng Ngãi). Long đấu cho Quân đội, Nhựt đại diện cho TP.HCM. Năm đó, cả hai anh em cùng một hạng cân và đều lọt được vào đến trận chung kết, gặp nhau. Trước khi thượng đài, cả hai đội đều chưa có huy chương nên Long và Nhựt đều được 2 đội đặt hết hy vọng. Người dự khán biết chuyện hai võ sĩ là anh em cũng có chút hồ nghi "biết đâu họ dàn xếp tỷ số?". Nhưng đó thật sự là một trận đấu đẹp, đầy kịch tính, hai anh em đấu với nhau quyết liệt vì màu cờ sắc áo của đội tuyển cho đến tiếng kẻng cuối cùng của hiệp đấu thứ ba. Đến nỗi ông Hai Trung ở dưới đài phải mấy lần “lên ruột” vì anh em nó đấu căng quá, không ai nhường ai.

Người giàu nhất xóm

Về võ sĩ hào hoa Lê Thành Long, mọi người còn nhớ đến chuyện anh đã sống hết mình cho nghiệp võ. Năm 2001, Long bị mắc chứng viêm gan siêu vi. Mặc dù bác sĩ không cho hoạt động nặng, nhưng Long vẫn "nổi máu nghề" thượng đài tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 4 năm 2002. Đáng tiếc thay, lần đó cũng là giải đấu cuối cùng trong sự nghiệp của anh, và cũng là những trận đấu cuối cùng mà giới mộ điệu còn được xem những chuỗi quyền cước liên tục, hoa mỹ nhưng đầy uy lực. Hơn 1 năm sau, anh về với cõi vĩnh hằng, để lại bao tiếc nuối cho những người mê võ.

Nhắc về nghiệp võ, ông bảo phải cám ơn người bác đã truyền dạy cho ông nghề làm trống và sau đó đã để xưởng sản xuất trống lại cho ông kế thừa. Bởi nếu không có nghề này thì ông và gia đình cũng chẳng biết phải mưu sinh thế nào khi chỉ biết múa may với võ thuật. Qua mấy chục năm làm nghề trống, gia đình ông Hai Trung đã cho ra đời biết bao loại trống mà tuổi đời của chúng cũng thuộc hàng "băm". Ví như cái trống ở chùa Long Nhiểu (Thủ Đức) đến nay đã ba mươi hai tuổi mà chưa một lần phải bịt lại và vẫn dùng tốt. Đến nay, "làng trống" của gia đình ông cũng đã được truyền cho đời thứ ba.

Say sưa và tâm huyết, dù nghề trống khó có thể làm giàu nhưng trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo sâu hút, con cháu của ông vẫn ở quần tụ, sum vầy cạnh ông, vừa mưu sinh vừa phát triển nghiệp võ. Thỉnh thoảng hàng xóm của ông lại được nghe tiếng trẻ thơ cười nói, nghe những tiếng thử trống phát ra từ sân nhà của ông rồi nhìn nhau thì thầm: "Hai Trung là người hạnh phúc và giàu nhất ở cái xóm này".

Lê Nga - Hà Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.