Báu vật Ngọc Linh

13/02/2007 10:31 GMT+7

Trên những ngọn núi cao ngất thuộc dãy Ngọc Linh quanh năm mây phủ có một thứ báu vật là sâm Ngọc Linh. Những củ sâm lâu năm, hình thù kỳ dị, dược tính đặc biệt là thứ hiếm trên trần gian.

Cụ A Riêng, người Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), năm nay gần 80 tuổi kể: "Ngày trước, sâm mọc bạt ngàn như chuối trong rừng. Nhà nào cũng sẵn vài gùi nấu nước uống, khỏe lắm, đi rừng miết miết thôi! Những ngày Cabao (mừng lúa mới), nhà ai cũng có một ấm nước sâm, uống vào chống say... Củ này còn đem đổi cho người Lào lấy chiêng. Có nhà đang giữ những củ sâm nặng đến cả ký như là bùa hộ mạng trong nhà. Họ giấu kỹ lắm, không cho xem đâu! Nay sâm hiếm rồi, vào rừng cả tháng may lắm mới kiếm được vài củ nhỏ".

Truy tìm báu vật

Hẳn nhiên, những củ sâm Ngọc Linh hiếm hoi, tuổi đời hàng trăm năm vẫn lẩn khuất trên những dãy núi mờ sương, có độ cao trên 1.500m. Từ xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi đã có hành trình tìm sâm khó quên. Mọi người lên đường từ sáng sớm. Bập vào là núi, dốc cao trơn nhẫy. Người đi trước chân đụng đầu người đi sau, tiếng thở hổn hển. Thinh, người dẫn đường đưa một cây nứa khá sắc xoi vào các vách đá tìm sâm. Anh nói rằng mùa này cây sâm rụng lá, ngủ đông chừng năm tháng, nằm im lìm dưới đất nên khó tìm. Sang tháng ba sâm lại nhú mầm. Chu kỳ này tiếp tục mỗi năm, hằn trên củ sâm thêm một mắt. Người ta đếm mắt để đọc tuổi sâm.


Kiểm tra những luống sâm mới nhú

Tôi nghe Thinh kể hành trình nguy hiểm, khó khăn của các tay "săn sâm", khi nghỉ chân trên một dốc núi chênh vênh. Đó là chuyện của Mạnh, một thanh niên tìm sâm đã bỏ mạng vì trượt chân, rơi xuống vực sâu. Hay mới đây, một nhóm người ở huyện Đắk Lây kéo nhau lên núi tìm sâm. Họ quyết tâm đi sâu vào rừng, chinh phục các ngọn núi của dãy Ngọc Linh hiếm người đặt chân tới để tìm sản vật. Mới ba ngày, người làng nhận tin dữ: nhóm chưa tìm được sâm nhưng có người bị sốt rét ác tính, phải khiêng gấp xuống núi, đang nằm trong bệnh viện.

Lên cao, không khí càng loãng, cảm giác khó thở. Sương mù bao quanh. Mặt đất dưới những tán cây ken dày tối lại. Mưa rừng nặng hạt. Đành thất thểu ôm gốc cây rừng để tránh trượt chân, lần xuống núi. Chuyến leo núi tìm sâm dẫu không có kết quả nhưng đã giúp tôi nếm trải chút phong vị đường rừng, được nghe những câu chuyện thú vị, huyền bí về loại sâm quý.

Cơn sốt sâm Ngọc Linh như dòng nước lũ ào ào đổ đến những bản làng xa vắng vài năm nay. Luôn có người ngày ngày lặng lẽ tiến vào các khu rừng rậm (sâm Ngọc Linh chỉ mọc dưới tán rừng rậm) tìm sâm. Hiếm hoi, có người kiếm được cả trăm triệu như nhà A Hùng, A Thiêng ở Đắk Tô, Đắk Lây... vì may mắn gặp bãi sâm lâu năm. Nhưng lắm người bỏ mạng vì rắn độc, trượt chân rơi xuống vực sâu hay sốt rét. Đường rừng, suối sâu và dãy Ngọc Linh đại ngàn quanh năm mây phủ làm kiệt sức người trong hành trình "ngậm ngải tìm... sâm".

Mạng lưới môi giới, buôn bán sâm hình thành rất nhanh. Từ bác xe thồ lặng lẽ đến những bà cô mau miệng đều trở thành những tay cò mồi, tiếp thị lành nghề. Chúng tôi đã tiếp xúc được với một chủ sâm có tiếng ở Đắk Tô, tên Hạnh. Bà này hất hàm: "Mua sâm hả? 1 kg sâm tươi giá 15 triệu, 1 kg khô 50 triệu, khỏi trả giá! Ông khách từ Hà Nội mới gọi đặt mua 2 kg sâm khô. Gom mãi mới được 1 kg. Không mua liền mấy hôm nữa hết hàng đó. Phơi 6 kg sâm tươi mới được một ký khô mà!"... Chúng tôi há hốc mồm khi những củ sâm màu vàng, hình thù cong queo có cái giá quá sức tưởng tượng như vậy. Vài chủ buôn sâm khác cũng hét giá như thế.

Hướng đến một thương hiệu

Không tìm được sâm Ngọc Linh trên những ngọn núi cao hoang dã, chúng tôi đành tìm sâm có sẵn bằng hành trình khác: lên "chốt sâm" của dự án "Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng" được triển khai trong giai đoạn 2005 - 2014, số vốn gần 10 tỉ đồng của tỉnh Kon Tum. Mất 6 giờ leo núi mới lên được "chốt", độ cao hơn 1.500m.


Sâm Ngọc Linh khô được chào bán 50 triệu đồng/kg - Ảnh: Thiên Trúc

Một phần của khu rừng, khoảng 75 ha được giăng lưới B40 khá kỹ. Xung quanh khu vực trồng sâm có biển cấm. Nhiều hố chông bao quanh. Hàng loạt giàn bẫy, thò được đặt ở những vị trí nhạy cảm để ngăn bọn xấu muốn thâm nhập, ăn trộm sâm. Tám "chiến sĩ" của "chốt" quần đảo quanh vườn 24/24. Chủ kèm khách như hình với bóng khi đi tham quan "chốt". Thế mới có chuyện vui là có vị lãnh đạo tỉnh Kon Tum lên thăm "chốt" đột xuất, khi lãnh đạo ở đây đi vắng. Những chàng thanh niên Xê Đăng thật thà nhất quyết không cho vào. Hỏi có biết không thì nhận được câu trả lời: "Có, hay thấy trên ti vi nhưng không có lệnh. Chịu thôi!"...

Nhiều khi mưa rừng gây sạt lở đất, không tiếp tế lương thực được. Những chàng trai Xê Đăng lại băng rừng, đội mưa về làng, gùi gạo lên "chốt". Rồi chuyện bón phân cũng lắm kỳ công khi toàn bộ đều được bón bằng mùn lá cây. Đôi lần, có "chiến sĩ" phải ngủ qua đêm giữa rừng già vì lũ đột ngột kéo về khi đi lấy mùn.

Đêm ở "chốt" buồn. Tiếng mưa rừng rơi đều đều. Tiếng côn trùng rả rích và hơi lạnh của rừng, của núi cao. Tiếng con hoẵng, con nai gọi bầy trong đêm. Bỏ ống hút rượu cần đang uống dở, anh Nguyễn Mạy, Giám đốc Trung tâm sâm Ngọc Linh nói: "Từ những củ sâm hiếm hoi sót lại, nơi đây chúng tôi đang gầy lại giống sâm quý này".

Những chiến sĩ "chốt sâm"

Vào khoảng tháng 6, 7 - khi những đóa hoa màu trắng của sâm Ngọc Linh đung đưa trong gió - người trồng sâm ở đây đã có sẵn nhiều cái giỏ con con, trùm lên mỗi hoa để tránh lũ dúi, trĩ vào ăn hạt sâm. Mỗi cây có duy nhất một hoa, được chừng hai mươi hạt. Hạt sâm được gieo dưới tán rừng già. Gần năm tháng sau, kết quả mới được kiểm chứng khi mầm sâm nhú. Tỷ lệ thành công thường đạt khoảng 75%. Hạt thu ít, khó nảy mầm khiến tiến độ dự án bị chậm. Dự kiến trong năm nay, có 8 ha sâm được nhân giống, gieo trồng nhưng hiện chỉ có hơn 2 ha sâm. Ở đây đang giữ hơn 50 kg sâm có tuổi đời vài chục năm để nhân giống.

Người dân ở các huyện Tu Mơ Rông, Đắk Lây đang nuôi giấc mộng đổi đời bằng việc trồng sâm Ngọc Linh như ông A Thung trồng 700 cây, ông Đàm, chủ một doanh nghiệp gỗ ở thị xã Kon Tum trồng 2.000 cây và đang có kế hoạch phát triển lên vài héc-ta sâm. Ông Đàm nói: "Đầu tư một ha sâm khoảng 1 tỉ đồng, bảy năm sau thu chừng 7 tỉ. Chỉ mất công giữ, cái được là siêu lợi nhuận". Còn Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Hà Ban cũng ước mong đẩy cái đói, cái nghèo nơi vùng rừng xa vắng này khi kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất rượu màu với các loại dược liệu có sẵn như Hồng đẳng sâm, Ngũ vị tử và đặc biệt là biệt dược sâm Ngọc Linh.

Dự án này là sự mạnh dạn, cứu sâm Ngọc Linh khỏi nạn tuyệt chủng. Rồi đây, ẩn dưới tán rừng già sẽ có hàng chục héc-ta sâm. Hy vọng sâm Ngọc Linh sẽ trở thành thứ thương phẩm đặc biệt, hướng đến một thương hiệu mang bản sắc, không thua kém các loại sâm như Nhân sâm (Triều Tiên).

Mỗi mùa, báu vật Ngọc Linh lại "đi" tiếp một vòng diệu kỳ, mang theo những khát vọng cháy bỏng.

T.TR

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.