Những vùng đất nhiếp ảnh Việt Nam

22/02/2007 21:26 GMT+7

Nói đến những miền - đất - nhiếp - ảnh Việt Nam, đầu tiên phải nhắc đến đồi cát Phan Thiết. Các nhiếp ảnh gia đã dành cho vùng đất này cái danh xưng không thể tự hào hơn: Thánh địa của nhiếp ảnh.

Bởi lẽ, phàm là người đã đeo đời mình vào sợi dây của chiếc máy ảnh mà chưa một lần "hành hương" về vùng đất này để lăn, lê, bò, toài, đuổi theo từng giờ nắng, giờ gió, cát... để "săn" những bức ảnh đẹp thì chưa thể mở miệng với dân trong nghề. Bạn bè nhiếp ảnh nước ngoài khi vào Việt Nam được mời đến đây cũng không thể không gật gù rằng đây là những đồi cát có một không hai trên thế giới!

Đã rất lâu, từ thời các cụ Ngô Đình Cường, Cao Đàm, Cao Lĩnh... cho đến nay, những đồi cát này đã đem về cho nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam không biết bao nhiêu giải thưởng quốc tế. Những cơn gió luôn tạo cho những đồi cát nơi đây những triền cát, những vân cát, những mảng sáng tối... thực sự là "thiên đàng" cho những thời khắc bấm máy. Hòa khúc giữa gió và cát nơi đây còn đặc biệt hơn khi những cơn gió cũng không bao giờ để đồi cát cố định, chúng luôn tạo nên những đồi cát mới, triền cát mới, vân cát mới... mỗi ngày, mỗi giờ mỗi khác nhau đem lại sự đam mê và khám phá không mệt mỏi cho các nhà nhiếp ảnh.

Sau đồi cát Phan Thiết phải kể đến Sa Pa. Cảnh đồi núi và những biển mây ở Sa Pa luôn tạo nên những bức ảnh đẹp như tranh thủy mặc. Tuy vậy, vẫn Sa Pa đó, những biển mây đó, nhưng để chụp được những bức ảnh đẹp, cho ra hồn Sa Pa của đồi núi, của mây mù nhất thì đâu phải ai cũng làm được. Thiên nhiên kén chọn, vẻ đẹp biến ảo từng khắc từng giờ của những đám mây, những tầng nắng đâu dành cho người hời hợt, qua quít.

Vũ điệu trong nắng mai - ảnh đồi cát của Trương Hữu Hùng

Có những giai thoại kể rằng sở dĩ cụ Võ An Ninh có những bức ảnh Sa Pa hơn người bởi cụ chịu rét, kiên nhẫn chờ thời khắc mây núi chuyển mình ưng ý nhất. Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm cũng kể rằng anh mất cho Sa Pa cả năm trời, có lúc để chụp được một đám mây ưng ý nhất phải dậy từ 4h sáng, co ro chống chọi với cái rét căm căm... Cũng như, hiếm khi Sa Pa tuyết rơi. Nhiếp ảnh gia nào may mắn chụp được cảnh này đều xem đó là điều thật đặc biệt. Cùng Sa Pa là cả vùng Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc, nơi có những nấc ruộng bậc thang, những hoa mận nở vào mùa xuân, chợ tình, chợ ngựa của người vùng cao... tạo nên những bức ảnh thật đặc sắc.

Tây Nguyên cũng là vùng đất được các nhiếp ảnh gia lưu tâm với những cụ già, những lễ hội đua voi, những con người sống gần gũi với thiên nhiên... Tuy nhiên, xu hướng của nhiếp ảnh đang tiến tới chỗ đề cao ý tưởng của người chụp hơn là sự lệ thuộc vào thiên nhiên. Đẳng cấp của nhiếp ảnh gia phải là ý tưởng mà anh ta thể hiện trong bức ảnh hơn là địa điểm anh ta đã chụp bức ảnh đó. Qua rồi thời "cày xới" các vùng - đất - nhiếp - ảnh để tham dự những cuộc thi, các địa danh như đồi cát Mũi Né, Sa Pa, Tây Nguyên... vẫn thu hút các nhiếp ảnh gia "hành hương" để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hơn là thi thố. Và chắc chắn sẽ còn nhiều bức ảnh đẹp sẽ tiếp tục ra đời với những vùng - đất - nhiếp - ảnh kia.

Sa Pa của Hoàng Thế Nhiệm

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.