Sinh viên chơi chứng khoán

23/02/2007 22:21 GMT+7

Trong khi phong trào chơi chứng khoán tại Hà Nội, TP.HCM… đang lên cao chưa từng thấy và thường là dành cho những người "dày vốn" thì cánh sinh viên, thậm chí cả những cô cậu bị liệt vào loại "túi thủng" cũng bắt đầu tập tành gia nhập thị trường với hy vọng đổi đời và trải nghiệm thực tế… Sinh viên chơi cổ phiếu cho thấy một xu hướng mới, tích cực trong giới trẻ năng động ngày nay.

Sách một bên, và... chứng khoán một bên

Khác với nhiều nhà đầu tư lâu nay bị báo chí gán cho danh hiệu "nông dân" khi hầu như không một chút kiến thức về chứng khoán cũng có thể tham gia thị trường, cánh sinh viên vốn năng động, táo bạo, chịu khó tìm tòi lại chọn cách khởi đầu đầy chắc chắn.

Ở café New Window trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), Dần - SV ĐH Xây dựng chúi mặt vào màn hình laptop theo dõi diễn tiến giá cả của cổ phiếu trên gần chục trang web chứng khoán. Gặp người quen, Dần kể: "Chơi cổ phiếu gần 3 năm rồi. Vay "ông bà già" tiền, đến bây giờ trả xong nợ nần, "ăn" được một cái "xách tay", một "con" Vespa LX coi như cũng có chút lãi".

Cậu bạn cùng quê Dần tên Quang, một "hai lúa" chính hiệu theo chân Dần học hỏi được dăm tháng, tỏ ra sành sỏi: "Bọn em đánh chắc chứ không liều như mấy thằng con nhà giàu lắm tiền bên Kinh tế (ĐH KTQD Hà Nội). Săn OTC (cổ phiếu chưa lên sàn) sát giá khởi điểm, có lãi là đẩy đi. Ăn non nhưng bù lại an toàn. Bị hụt mấy vố song không buốt ruột". Tính cho đến thời điểm thị trường OTC không còn "nóng", cổ phiếu trong các phiên giao dịch sụt giảm, hai anh chàng này vẫn tỏ ra bình tĩnh và công việc đầu tiên trong một ngày mới ngoài việc học là lên sàn, vào mạng và tìm đối tác.

Đa phần sinh viên khi chơi cổ phiếu đều chọn loại OTC, theo cách giải thích của Thanh Quang (Cao đẳng Du lịch) thì dễ chơi, lãi nhiều và một điều khác nghe ra phổ biến trong giới đầu tư cổ phiếu hiện nay là... ít phải đầu tư trí tuệ. Cách chơi của Thanh Quang thì mua giá hơi cao nhưng dễ bán và có lời. Hồi mới "vào nghề", Quang nhát, nhiều vụ cổ phiếu xuống nên bán vội, bị lỗ nặng nề. Nay cậu ta có vẻ lì hơn rất nhiều dựa theo nguyên tắc "ôm cho đến khi có lãi".

Thắng nhiều vụ lớn, Quang được bạn bè rất tín nhiệm, thường xuyên được mời tư vấn. Quang bảo ở lớp cậu phong trào chơi chứng khoán đang lên cao chưa từng thấy, tiền ít chơi ít, tiền nhiều chơi nhiều, thua có nhưng thắng lớn hơn nhiều. Quang từng tham gia sàn chứng khoán ảo của sinh viên trường kinh tế, song thực tế thì khác rất nhiều, phải trải nghiệm mới hiểu. Quang đúc kết: "Quan trọng là phải có máu liều, chịu chơi song không thể thiếu kiến thức cơ bản".

Cũng theo "tổng kết" của Quang, rất nhiều sinh viên hiện nay tham gia theo học các lớp "dạy cách làm giàu", học kiến thức về chứng khoán, học chơi chứng khoán và cũng vì thế các cơ sở dạy chứng khoán mọc ra như nấm. Học phí tùy theo đẳng cấp chuyên gia trong hay ngoài nước, thường từ 1,5 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng/khóa.

Muôn hình vạn trạng cách chơi cổ phiếu của sinh viên, người có kiến thức, kẻ theo kiểu "ngô khoai sắn". Thậm chí, có trường hợp như Kiên ở ĐH Luật, không có tiền nên nghĩ ra mẹo "đặt cọc". Ứng trước một số tiền phải trả để mua cổ phiếu, rồi sau đó mới tìm người mua, cũng lạ là Kiên chưa bao giờ thất bại. Kiên bảo, một kẻ vốn chỉ mải chơi games như cậu giờ đã chững chạc hơn rất nhiều, thích chơi cổ phiếu, máu làm giàu và đã năng động trong cuộc sống

Và những tay môi giới

Sau một thời gian "chinh chiến" tại các sàn chứng khoán, Hà "cổ phiếu", sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội - một "chuyên gia" chơi cổ phiếu được giới sinh viên suy tôn đã rút vào "phía sau hậu trường" - tức chỉ tham gia môi giới, làm trung gian cho các nhà đầu tư. Hà "cổ phiếu" lý giải: "Chơi cũng có cái thú của nó, nhưng nhiều năm rồi cũng rút ra kinh nghiệm, độ may rủi quá nhiều khi các công ty không thể minh bạch chuyện tài chính, làm ăn".

Hà "cổ phiếu" quyết định giải nghệ sau vụ mua cổ phiếu của một khách sạn, gần vạn cổ phiếu tưởng có thể đổi đời bỗng chốc biến thành mớ giấy lộn khi có thông tin rò rỉ rằng khách sạn đang bị điều tra về hoạt động kinh doanh. Bây giờ, sẵn có mối quan hệ từ trước, Hà "cổ phiếu" chuyển qua môi giới, mỗi phi vụ cậu ta chỉ cần ăn chênh lệch một giá là có thể sống vương giả cả tháng trời đối với cuộc sống của một sinh viên tỉnh lẻ.

Hào "Bách khoa" lại có cách làm ăn khác. Không tiền vốn nhưng dựa thân thế ông cậu làm quan chức ở một bộ, Hào liên tục tiến hành các vụ "càn quét" cổ phiếu ở nhiều công ty thuộc bộ ông cậu Hào quản lý. Tìm mua giúp cổ phiếu, Hào có thể kiếm được cả trăm triệu đồng trong một vụ. Mua một bán hai, Hào cũng khiến những nhà đầu tư khác phải nể ra mặt, "có gì lại phiền thằng em".

Cũng từng "giải nghệ" với lý do giống như Hà "cổ phiếu", Quyết "đại" thường thức dậy với một gói bánh mì cùng chai nước lọc, dắt thêm 4 chiếc mobile quanh người, Quyết "đại" có thể ngồi lì cả ngày trên sàn chứng khoán. Miệng không ngừng hoạt động khi phải trả lời hàng chục cú điện từ 4 chiếc điện thoại trong mỗi phiên giao dịch. Quyết "đại" bảo, ban đầu là rủ mấy đứa trong lớp chơi, sau thấy hay nên mấy đứa giới thiệu thêm bạn bè, người thân cùng tham gia. Cứ thế, các nhà đầu tư qua trung gian Quyết "đại" ngày càng tăng lên, giao dịch qua lại không ngừng phát triển và bây giờ Quyết "đại" chỉ có một việc là "mở miệng... ăn tiền".

Một sớm, chúng tôi ghé quán cà phê trên phố Hàng Hành (Hà Nội), vẫn gặp mấy gương mặt trẻ quen thuộc túm tụm bên ly cà phê đặc quánh, nhưng lần này họ không bàn về tỷ lệ cá cược bóng đa. Họ đang vui vì VN Index vượt ngưỡng 100 điểm và kế hoạch đầu tư của họ đang tỏ ra có hiệu quả. Tự nhiên tôi cũng vui theo...                                 

M.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.