Quảng Ngãi: Trúng lớn mùa cá cơm

24/02/2007 12:04 GMT+7

Những ngày sau Tết Nguyên đán Đinh Hợi, ngư dân vùng biển xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn “vui như Tết” vì trúng đậm cá cơm. Trên bến, dòng người tấp nập. Dưới thuyền, cá cơm đầy khoang.

Bình quân mỗi ngày ngư dân ở vùng biển này khai thác trên dưới 500 tấn cá cơm. Hơn 6 tỉ đồng trong 6 ngày (từ 19/2 đến 24/2) là số tiền kỷ lục từ trước đến nay mà ngư dân có được từ nguồn khai thác cá cơm. Được mùa cá, không chỉ những người đi biển “trúng lớn” mà hàng ngàn lao động trong xã cũng được “cơm” nhờ có thêm việc làm.

Lộc đầu năm

Nếu như các năm trước thì phải chờ đến hết 3 ngày Tết, 7 ngày Xuân, ngư dân vùng biển xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) mới bắt đầu vào mùa khai thác cá cơm. Thế nhưng năm nay, cá cơm đã về với ngư dân sớm hơn, ngay từ những ngày cuối tháng Chạp và đặc biệt là những ngày trong và sau Tết Đinh Hợi, cá cơm lại xuất hiện dày đặc.

Cứ sau một đêm ra biển, mỗi thuyền khai thác được ít nhất cũng vài ba tấn cá cơm, những thuyền nhiều hơn thì lên đến vài ba chục tấn, điều đặc biệt là không thuyền nào chịu về tay không. Thời điểm này, giá mỗi ký cá cơm bình quân 2.500 đồng thì sau một đêm đi biển có tàu thu nhập trên dưới 70 triệu đồng. Tính chung trong vòng 6 ngày (từ ngày 19 đến 24/2), gần 130 thuyền chuyên đánh bắt cá cơm ở 3 thôn Kỳ Xuyên, An Vĩnh và An Kỳ thuộc xã Tịnh Kỳ đã khai thác hơn 3.000 tấn cá cơm.

Con số 6 tỉ đồng thu nhập từ nguồn khai thác cá cơm là số tiền kỷ lục mà ngư dân vùng biển này có được chỉ trong vài ngày khai thác đánh bắt thủy sản. Ông Huỳnh Dụ, một trong những ngư dân trúng đậm cá cơm trong những ngày qua hồ hởi khoe: “Tôi làm nghề này từ hàng chục năm nay nhưng chưa thấy năm nào trúng nhiều cá cơm như vậy. Chắc là đầu năm trời thương nên ban lộc cho dân chài”.

Dấu hiệu tốt lành

Việc được mùa cá cơm không chỉ mang đến niềm vui cho ngư dân mà cả người lao động và tư thương thu mua trong vùng cũng được vui lây. Bến cá Tịnh Kỳ sôi động hẳn lên. Tàu thuyền cá đầy khoang. Trên bờ tấp nập kẻ bán người mua và lao động sơ chế cá. Khác với các đối tượng thủy sản khác, cá cơm trúng mùa có nét riêng của nó, đó là huy động một lượng lớn lao động cùng tham gia.

Chỉ tính riêng lực lượng lao động trên bờ có hôm lên đến cả nghìn người, trong đó chủ yếu là phụ nữ tham gia gánh cá, gánh muối, và cả việc sơ chế cá cho các cơ sở chế biến cá để xuất khẩu. Bà Trần Thị Kiều, một người làm công cho một chủ cơ sở thu mua, sơ chế cá cơm xuất khẩu ở xã Tịnh Kỳ vui vẻ nói: "Được mùa cá cơm thì ai cũng có việc làm, người thì muối mắm, phơi cá, người thì vận chuyển và gia đình có thêm nguồn thu nhập".

Ở các vùng biển thường thừa lao động, nhất là lao động nữ. Thế nhưng những ngày qua, nguồn lao động dôi dư tại chỗ ở Tịnh Kỳ không đủ đáp ứng nhu cầu sơ chế, vận chuyển cá nên lần đầu tiên những nhà nông ở các địa phương khác cũng tham gia vận chuyển cá cơm. Ngày làm, tháng ăn, họ tranh thủ những ngày cá cơm được rộ ở Tịnh Kỳ để kiếm thêm thu nhập. Nguồn thu này không hề nhỏ, mỗi ngày từ 300.000 - 500.000 đồng, bằng cả vụ lúa 3 tháng trời. Ông Phạm Đường ở xã Tịnh Khê cho biết: "Nghe Tịnh Kỳ được mùa cá chúng tôi tranh thủ xuống để vận chuyển kiếm ngày công. Mỗi ngày thu được 300.000 đồng. Làm ruộng thì mỗi ngày làm sao kiếm được ngần ấy tiền".

Năm nay, niềm vui của ngư dân Tịnh Kỳ được nhân đôi vì họ vừa trúng mùa, vừa được giá. Nhờ được mùa liên tiếp trong những năm qua nên con cá cơm được các cơ sở chế biến trong tỉnh, rồi các tỉnh thành bạn như Đà Nẵng, Bình Định chú ý, nhờ đó thị trường tiêu thụ được mở rộng, con cá cơm không còn bị ép giá như trước nữa.

Cá cơm tràn ngập bãi biển Tịnh Kỳ

Chỉ tính riêng tại xã Tịnh Kỳ, ngoài hàng trăm người tham gia sơ chế cá bằng cách phơi khô với số lượng từ vài tạ đến vài tấn còn có trên 30 cơ sở chế biến quy mô lớn chuyên sơ chế cá cơm cho các đại lý ở khắp nơi trong tỉnh, trong nước. Nhờ việc sơ chế kịp thời mà giá trị con cá cơm được nâng lên do cá không bị ươn vì để lâu, đồng thời tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo kiểu “thuận mua, vừa bán”.

Hiển Cừ - Thái Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.