Từ Truman đến Kennedy
Cách đây không lâu, cơ quan lưu trữ các tài liệu bí mật của Mỹ công bố 29 hồ sơ có liên quan đến Luật liên bang "về tự do thông tin". Tất cả các hồ sơ này đều thuộc về thời Tổng thống Richard Nixon (1913 - 1994), chúng cho biết chi tiết về việc Mỹ chuẩn bị chiến tranh hạt nhân chống lại Liên Xô (USSR), được Lầu Năm Góc gọi là "Kế hoạch thống nhất tác chiến tổng hợp - UCOP".
Hồ sơ đầu tiên của Mỹ có liên quan đến kịch bản chiến tranh hạt nhân được soạn thảo vào cuối năm 1945, ngay sau khi Mỹ trở thành quốc gia độc nhất sở hữu bom nguyên tử. Ngày 14/12/1945, Ủy ban thống nhất kế hoạch quân sự ấn hành huấn lệnh #432/D, trong đó có nhiệm vụ chuẩn bị tấn công hạt nhân vào 20 trung tâm công nghiệp lớn của USSR.
Trước khi có UCOP, Lầu Lầu Năm Góc không ít lần thay đổi chiến lược tấn công toàn diện USSR khi tăng thêm số lượng mục tiêu tấn công hạt nhân trong tương lai cũng như phát triển kho vũ khí nguyên tử của mình. Vào khoảng giữa năm 1948, Bộ tổng tham mưu Mỹ kết thúc việc soạn thảo kế hoạch tấn công hạt nhân USSR với tên gọi bí mật là "Chariotir". Theo đó, trong vòng 30 ngày đầu tiên, 133 quả bom nguyên tử sẽ hủy diệt 70 thành phố của USSR. Nhưng theo các chuyên gia quân sự Mỹ, điều này chưa đảm bảo thắng lợi nên cần tăng cường sức mạnh hạt nhân. Sau đó, các tướng lĩnh Mỹ còn đổi mới quan điểm đến 3 lần khi thay đổi các kế hoạch tấn công nhằm hủy diệt đối thủ chính có thật của mình.
Vào tháng 12/1960, Bộ tổng tham mưu Mỹ lần đầu tiên phê chuẩn UCOP cho năm tài chính 1962. Trong đó đưa ra danh sách các mục tiêu tấn công hạt nhân tại các nước thuộc khối Warsaw. Phần lớn các mục tiêu trong danh sách nằm trên lãnh thổ USSR, và vài mục tiêu tại Trung Quốc. Theo tính toán của các chuyên gia quân sự Mỹ, kết quả của các cuộc tấn công này sẽ có từ 360 triệu - 525 triệu người bị chết. Tuy nhiên khi John Kennedy đắc cử tổng thống, ông lập tức hủy bỏ kế hoạch này vì cho rằng nó quá tốn kém và ra lệnh cho tân Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara soạn thảo kế hoạch khác hiệu quả hơn kể cả về chính trị lẫn quân sự.
Vừa bước vào Lầu Lầu Năm Góc, McNamara đã tổ chức hàng loạt các cuộc nghiên cứu nhằm xây dựng quan điểm về chiến tranh hạt nhân của mình. Ông ta đặt ra nhiệm vụ cho các lực lượng chiến lược Mỹ phải đánh bại "các mục tiêu cơ bản của đối thủ tiềm năng", có nghĩa là Mỹ cần chuẩn bị tấn công bằng hạt nhân chứ không phải phòng thủ. Một cựu trợ lý của McNamara nói về quan điểm này: "Không thể có chuyện giáng trả mục tiêu quân sự của đối phương sau khi anh đã bị tấn công trước. Nếu như anh chuẩn bị bắn tên lửa thì có nghĩa là anh đang nói về việc mình sẽ bắn đầu tiên".
Mặc dù chiến tranh lạnh đã kết thúc từ lâu, ngày 19/1/2000 Mỹ vẫn tiếp tục thử hệ thống tên lửa phòng thủ. Ảnh: Reuters |
Nỗi kinh hoàng có thật
Khi Richard Nixon bước vào Nhà Trắng, chiến lược hạt nhân của Mỹ lại được sửa đổi. Ngày 27/8/1969 - một tuần sau khi nhậm chức, Nixon đến thăm Bộ Quốc phòng Mỹ, và được giới thiệu về UCOP. Khi đó Nixon dành phần lớn thời gian cuộc gặp với các tướng lĩnh để bàn bạc về các quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông ta cũng được xem "cuốn sách đen" có tên gọi "Hướng dẫn thực hiện các quyết định của UCOP", trong đó chỉ rõ trong trường hợp có xung đột thì tổng thống phải trực tiếp lãnh đạo quân đội, không quân và hải quân của đất nước.
Trong cuốn sách mô tả 5 phương án phòng ngừa và tấn công khi tình hình quốc tế căng thẳng có khả năng dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Một trong 5 phương án này là nếu như có cảnh báo về việc USSR chuẩn bị tấn công hạt nhân vào Mỹ thì tổng thống cần ra lệnh cho các lực lượng chiến lược hạt nhân chuẩn bị hành động đáp trả. Nếu thông tin USSR sẽ tấn công là xác thực thì Tổng tư lệnh quân đội Mỹ cần phải ra lệnh nhanh chóng bắt đầu các hành động quân sự và tiến hành tấn công các cơ sở hạt nhân quân sự, quân đội, các mục tiêu chiến lược, các thành phố, các cơ sở công nghiệp của USSR và các đồng minh của cường quốc này.
Theo tính toán thì 3.018 quả bom nguyên tử và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ sẽ được sử dụng cho cuộc chiến này. Đây chính là kịch bản chiến tranh hạt nhân mà Nixon có được sau thời Kennedy và McNamara. Trong cuộc chiến tranh này, cả hai phía Mỹ và USSR sẽ có 80 triệu người bị chết. Bên cạnh đó dân số USSR sẽ bị hủy diệt khoảng 40%.
Nghiên cứu các điểm cơ bản của UCOP do những người tiền nhiệm soạn thảo, Nixon và cố vấn an ninh của mình là Henry Kissinger muốn tìm kiếm phương án giảm quy mô thiệt hại nhân mạng và đạt được các mục đích quân sự, chính trị bằng những con đường mềm mỏng hơn. Sau khi nghiên cứu đầy đủ về thảm họa do sự đối đầu quân sự của các cường quốc sau khi chiến tranh hạt nhân xảy ra, Kissinger đưa ra một kịch bản khác: hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân tấn công. Đây chính là nền tảng để Washington giải quyết các nhiệm vụ bằng con đường ngoại giao, nhưng nếu không thể tránh khỏi đụng độ quân sự thì cũng đảm bảo kiểm soát cuộc chạy đua vũ trang dẫn đến thảm họa cho toàn thế giới.
Tuy Kissinger có vài đồng minh tại Lầu Năm Góc và trong Bộ chỉ huy lực lượng không quân Mỹ - những người kiểm soát kho vũ khí hạt nhân Mỹ, nhưng một số tướng lĩnh cho rằng một cuộc tấn công tổng lực có thể ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, số khác lại cho rằng không thể kiểm soát xung đột hạt nhân.
Vào năm 1971, Mỹ chính thức phê chuẩn "chiến lược của nỗi kinh hoàng thực sự". Vào thời điểm này, tiềm lực hạt nhân của Mỹ và USSR là cân bằng vì thế Nhà Trắng đặt ra mục tiêu cần phải tạo ra sức mạnh hạt nhân vượt đối thủ bằng phát triển công nghệ tên lửa và thành lập tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến lược. Cùng lúc đó hoàn thiện các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trong vòng 5 năm, số lượng đầu đạn từ 5.100 phải lên đến 8.500. Do vậy, Nixon tiến hành chỉnh sửa UCOP lần thứ tư trong đó có 16.000 mục tiêu thuộc USSR, Trung Quốc, các nước khối Warsaw cần phải bị xóa sổ trong chiến tranh hạt nhân. Trong trường hợp này không thấy dự báo về thiệt hại nhân mạng.
Kế hoạch chiến tranh hạt nhân cho đến nay vẫn được Mỹ quan tâm. Theo vài nguồn tin, hằng năm Lầu Năm Góc soạn thảo khoảng gần 70 tài liệu, 48 trong số này là các kế hoạch tác chiến dành cho quân đội trong các tình huống, nhưng chỉ có 5 kế hoạch được cho là "hoàn chỉnh", với quy mô hành động quân sự thuộc nhiều góc độ. Mỗi một kế hoạch đều hướng đến một mối đe dọa cụ thể, tức là một quốc gia được xác định mà theo Washington cho là nguy hiểm đối với quyền lợi của Mỹ.
Trong 5 kế hoạch tác chiến đó có kế hoạch chiến tranh toàn cầu mang tên OPLAN 8044 mà trước đây gọi là UCOP. Ngoài ra, còn có kế hoạch tấn công vũ khí thông thường và hạt nhân đối với CHDCND Triều Tiên và Iran (CONPLAN 8022), kế hoạch tên lửa phòng thủ (CONPLAN 8055) cũng như kế hoạch chiến tranh thông tin hiện vẫn chưa có ký hiệu riêng. Việc hoàn thiện các khả năng tấn công hạt nhân được thực hiện trong khuôn khổ hệ thống xác lập và phân tích chiến lược (Integrated Strategic Planning and Analysis Network). Trong hai năm 2004 - 2005, để đổi mới hệ thống này, Lầu Năm Góc đã chi gần 27 triệu USD, còn trong vòng 5 năm tới dự kiến sẽ chi thêm 80 triệu USD nữa.
Tên lửa chiến lược của Nga luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. |
Hoàng Hoài Sơn
(Theo báo Độc Lập - Nga)
Bình luận (0)