Một trong những nhân vật điển hình được nhắc tới trong hồ sơ là đại tá Masanobu Tsuji, một người theo chủ nghĩa quân phiệt cuồng tín, đồng thời là một sĩ quan phát xít Nhật tàn ác từng bị truy nã gắt gao sau Thế chiến II vì có liên quan đến các vụ thảm sát thường dân Trung Quốc và đồng lõa trong vụ di chuyển tù nhân, sau này được coi là một tội ác chiến tranh. Theo đó, tại Bataan (Philippines) năm 1942, hơn 600 tù nhân Mỹ và khoảng 5.000 - 10.000 tù nhân Philippines thiệt mạng trong cuộc di chuyển kéo dài khoảng 60 dặm trong chín ngày. Tuy vậy sau khi chiến tranh kết thúc Tsuji đã không bị truy tố và sau này thậm chí còn được bầu vào Quốc hội Nhật hồi những năm 50 thế kỷ 20. Ngoài Tsuji, những nhân vật đáng chú ý tham gia vào các chiến dịch do Mỹ hậu thuẫn còn có ông trùm của giới giang hồ, đồng thời là một kẻ đầu tư trục lợi trong chiến tranh là Yoshio Kodama. Trong danh sách còn có Takushiro Hattori, nguyên là thư ký riêng của Hideki Tojo, Thủ tướng Nhật thời chiến đã bị xử tử với tư cách tội phạm chiến tranh năm 1948.
Với mục tiêu dùng Nhật như một thế lực để kiềm chế Liên Xô, giới chức Mỹ đã nhìn nhận lực lượng quân sự Nhật là một thành tố quan trọng trong việc biến nước Nhật thành một bức tường chống lại sự "bành trướng của cộng sản ở châu Á" và khẳng định Tokyo cần phải nhanh chóng tái vũ trang, lần này với tư cách là đồng minh của Mỹ. Chính vì mục tiêu này mà một loạt những tội phạm chiến tranh khét tiếng nhất của Nhật đã nhận được sự đỡ đầu của Mỹ.
Một trong những nhân vật cỡ bự trong số đó là Seizo Arisue, lãnh đạo cơ quan tình báo Nhật vào thời điểm kết thúc chiến tranh. Arisue đã từng có tiếng nói quan trọng trong phái chủ chiến và tham gia tích cực vào việc thúc đẩy hình thành liên minh Nhật - Đức Quốc xã - phát xít Ý hồi những năm 30. Theo tài liệu, Arisue đã có thời gian làm việc với cựu trung tướng Yorashiro Kawabe, từng là một sĩ quan tình báo tại Trung Quốc hồi năm 1938 - để thành lập nên các nhóm cựu chiến binh và các lực lượng khác phục vụ cho các chiến dịch bí mật.
Mỹ đã tuyển dụng những điệp viên này với một số mục tiêu chính như do thám các đảng viên cộng sản Nhật, thiết lập một mạng lưới điệp viên trên lãnh thổ Liên bang Xô Viết và Bắc Triều Tiên, ủng hộ Đài Loan chống lại những người cộng sản ở Trung Hoa đại lục. Nhiệm vụ là như vậy nhưng trên thực tế những điệp viên này lại có những mục tiêu riêng hoàn toàn khi cộng tác với người Mỹ. Cụ thể, theo đánh giá của CIA, trong một thời gian ngắn các điệp viên Nhật đã thường xuyên qua mặt những "người bảo trợ" bằng cách cung cấp hàng loạt các thông tin tình báo vô dụng, đồng thời lợi dụng những mối quan hệ của họ với phía Mỹ để tiến hành một loạt các vụ buôn lậu để kiếm chác và tìm cách phục hồi chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật.
Trong số những trái đắng mà CIA từng phải nhận có thể kể đến vụ các điệp viên Nhật sau khi được cung cấp tiền và phương tiện với mục tiêu thâm nhập vào đảo Sakhalin của Nga đã hoàn toàn biến mất mà không để một lại dấu tích. Trong một điệp vụ khác tại Đài Loan, các điệp viên Nhật đã dùng tiền phục vụ cho việc tuyển mộ nhân viên để... đổi lấy một tàu chuối và đem bán ở chợ đen sau khi trở về nhà. Ngoài ra, tài liệu còn cho biết các đặc vụ Nhật cũng bị CIA nghi ngờ là có những quan hệ bí mật với các đảng viên cộng sản. Báo cáo của CIA cũng cho biết có một số điệp viên đã bán cùng một thông tin cho nhiều kênh thu thập khác nhau của Mỹ để tăng thu nhập, đồng thời lại bí mật chuyển những thông tin về Mỹ cho những người theo chủ nghĩa dân tộc.
Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của các điệp viên này không được CIA đánh giá cao. Theo CIA, Tsuji quan tâm nhiều đến việc phát triển lực lượng cánh hữu và nổi bật trong việc đưa ra những phát ngôn chính trị gây tranh cãi hơn là công việc của một điệp viên. Một báo cáo của CIA từ 1954 cho rằng trên cả bình diện chính trị lẫn trong công việc của một tình báo viên, Tsuji đều thất bại bởi tính cách cũng như sự thiếu kinh nghiệm. Một điệp viên thất bại khác có thể kể đến là Kodama. Nhân vật này là một kẻ chống cộng hiểm độc và có những mối quan hệ chặt chẽ với giới buôn lậu và những kẻ hối lộ chính trị. Dưới trướng Kodama là một mạng lưới rộng lớn các lái buôn chợ đen và các cựu nhân viên an ninh chìm của Nhật tại Đông Á. Tuy vậy, CIA đã kết luận rằng Kodama chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền hơn là những lợi ích của Mỹ. Là một trùm của giới giang hồ, Kodama sau này đóng một vai trò lớn trong vụ Lockheed, một trong những scandal hối lộ lớn nhất nước Mỹ sau Thế chiến II.
Trung Hà
(AP, Mainichi, Wikipedia)
Bình luận (0)