Bán hàng ở phố Tây balô

27/02/2007 15:08 GMT+7

Vừa mời chào ông khách Mỹ bằng tiếng Anh xong, cô gái đã chuyển ngay sang tiếng Nhật để “líu lo” với cô khách hàng người Nhật xinh xắn. Các cô gái bán hàng ở phố Tây balô của TP.HCM đã và đang làm ngạc nhiên không ít du khách đến đây vì kiến thức, vẻ duyên dáng và sự chuyên nghiệp của họ.

Những sứ giả của nét duyên Việt Nam

Ba con đường Phạm Ngũ Lão - Đề Thám - Bùi Viện tạo thành một khu vực đặc biệt nhất của TP.HCM. Trên con đường Tây balô này, san sát các điểm cung cấp dịch vụ du lịch, khách sạn, bán hàng lưu niệm...

Theo thống kê của chúng tôi, có khoảng 95% các điểm kinh doanh ở đây sử dụng nhân viên bán hàng là nữ. Hơn thế nữa, các cô gái bán hàng đều có ngoại hình thuộc loại khá trở lên và khả năng sử dụng ít nhất một ngoại ngữ thông dụng là tiếng Anh. Những ai sử dụng được 2 ngoại ngữ trở lên luôn được săn lùng và trả lương cao hơn một chút. Anh Nguyễn N., chủ một cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ trên đường Phạm Ngũ Lão cho biết: "Nhân viên bán hàng ở đây cần biết rành ngoại ngữ. Có người cho rằng điều này hơi không cần thiết vì mỗi món đồ đều có giá cả hẳn hoi, nhưng tôi không nghĩ vậy. Giá có niêm yết thật nhưng chẳng ai muốn đi mua sắm với những gương mặt vô hồn, im lặng.

Hơn nữa, hàng thủ công mỹ nghệ rất cần được giới thiệu với khách những điểm hay, đẹp của nó. Nếu không biết ngoại ngữ thì... thua". Đồng tình với anh N., bạn T.N.Lan, nhân viên bán hàng tâm tình: "Có khi khách không hỏi về sản phẩm mà hỏi về văn hóa Việt Nam. Có người lại không trả giá mà chỉ hỏi về quá trình làm ra sản phẩm như thế nào, bây giờ ở Việt Nam có nhiều người sử dụng hàng thủ công không? Họ hỏi nhiều lắm. Nếu mình giải thích tốt, họ hiểu sản phẩm của mình ẩn chứa cả nền văn hóa Việt trong đó, họ sẽ mua và có thể giới thiệu cho nhiều người cùng mua nữa".

Ý thức về việc mỗi người như một sứ giả của nét duyên dáng tiềm ẩn Việt Nam, đa số các cô gái bán hàng ở phố Tây balô đều tích cực học ngoại ngữ, đọc các sách về văn hóa đất nước để trò chuyện và giải thích mọi thắc mắc của khách hàng người nước ngoài. H.Hồng cũng là một nhân viên bán hàng ở đây vui vẻ nói: "Thú vị là tụi em học được rất nhiều từ khách hàng. Có người mua hàng mỹ nghệ của mình và so sánh với sản phẩm của nước họ. Họ nhận xét rất thẳng thắn về những mặt tốt và hạn chế của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Em nghĩ, nếu các nhà sản xuất mà trực tiếp nghe họ nói cũng rút ra nhiều điều hay để cải tiến sản phẩm của mình tốt hơn".

Học cho hôm nay và ngày mai

Chính vì ngoại ngữ cực kỳ quan trọng như vậy nên có khá nhiều cô gái bán hàng ở phố Tây balô chịu nhận mức lương thấp để nghỉ buổi tối và cắp sách đến trung tâm ngoại ngữ. Huyền, bán hàng cho một cửa hàng kinh doanh quần áo bằng vải lụa, tơ tằm, nói: "Thời gian đầu, em chấp nhận lương thấp khi xin bán hàng buổi sáng và chiều để có thời gian đi học Anh văn buổi tối. Giờ thì em đã học xong nên xin làm lại ca tối. Ở đây, nếu bán được quá số lượng định mức thì tụi em sẽ được thưởng thêm". Huyền cho biết thêm, buổi sáng thay vì ngủ nướng thêm chút nữa, cô thường cố gắng dậy sớm, lên mạng internet để đọc báo tiếng Anh. Nhiều khách mua hàng thích thú khi nghe cô bán hàng hỏi họ về một chuyện thời sự nào đó đang xảy ra ở nước họ. Hiện Huyền đang tranh thủ để đi học tiếp tiếng Nhật. Cô tự tin: "Khách Nhật đến đây ngày càng nhiều. Họ mua vải may áo dài nhiều lắm. Nếu giỏi tiếng Nhật, em sẽ bán được cho khách Nhật nhiều hàng hơn".

Còn M.Khánh thì có cách học khác, cô tự mua sách về học: thuộc mặt chữ, đọc theo phiên âm, khách đến mua hàng thì cứ nói "túi bụi". Cô giải thích: "Em cứ nói túi bụi thôi, miễn sao khách hiểu. Chữ nào em nói sai, khách sẽ chỉnh lại. Có những từ phức tạp, em đợi nghe khách hàng nào phát âm hay, em hỏi họ. Thấy em ham học, nhiều người nhiệt tình chỉ dẫn cho em". Cách học này của Khánh được không ít cô gái bán hàng ở phố Tây balô bắt chước vì: "Học trong thực tế mà. Với lại, đi học trung tâm do người Việt Nam dạy, chưa chắc 100% thầy cô giáo phát âm chuẩn như người nước ngoài". Khánh bật mí thêm: "Nhưng cũng phải biết chọn thầy nữa. Thầy là người Nhật hay Malaysia hoặc Hàn Quốc thì chỉ nên học họ tiếng nước họ thôi. Họ phát âm tiếng Anh cũng... ngại lắm".


Không chỉ bán hàng mà còn phải giới thiệu với khách về văn hóa Việt  - Ảnh: V.N
Không chỉ học tiếng Anh, các cô còn học tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Hoa. Cứ gặp người nước nào thì hỏi họ về ngôn ngữ ấy. Cứ như thế mà bộ sưu tập ngoại ngữ của L.Ngọc, nhân viên một cửa hàng bán CD ở đây, đã lên đến con số 5, mặc dù mỗi ngoại ngữ chỉ ở mức độ giao tiếp thông thường. Ngọc nói: "Em không biết nhiều, nhưng mà vui lắm. Khách nào cũng thích mình chào và hỏi thăm sức khỏe bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Có lần, họ nghe em chào liền xổ một tràng dài đầy những chữ rắc rối em chưa học. Em cười trừ. Họ cũng cười theo. Dĩ nhiên sau đó phải chuyển sang nói tiếng Anh với họ".

Không chỉ học ngoại ngữ, các cô còn kiếm thêm các sách dạy bán hàng về đọc và ứng dụng. H.Kim nói: "Tụi em thấy tiếc khi hồi đi học trung học không được hướng nghiệp kỹ càng, không được ai chỉ dạy về các nghề nghiệp mà cứ chăm chăm thi đại học. Bây giờ, kiếm sách nói về nghề bán hàng nào cho phù hợp với thực tế của nước mình cũng khó...". 

Các cô gái bán hàng ở đây vẫn kể cho nhau nghe chuyện L., một nhân viên bán hàng biết 4 ngoại ngữ được khách hàng là giám đốc một công ty thời trang ở Nhật đã mời cô sang Nhật để quản lý cửa hàng mới mở của ông. Sắp tới cửa hàng này sẽ có mặt hàng trọng điểm là quần áo may bằng tơ lụa Việt.

Ngày bán hàng đến tận khuya, đêm về nhà trọ, các cô gái vẫn cần mẫn lật từng trang sách để học thêm. Học để có cơ hội được tăng lương, học để có cơ hội vươn xa hơn vị trí bán hàng hiện tại. Hằng ngày, họ vẫn thầm lặng làm sứ giả cho nét đẹp tiềm ẩn của con người Việt, văn hóa Việt.


Hạ Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.