Ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Luật sư

02/03/2007 16:56 GMT+7

Luật Luật sư, được thông qua ở kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI (6.2006) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2007. Và mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26.2.2007, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư.

Theo Nghị định, "Bằng cử nhân luật" quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư (LS) bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật do cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cấp hoặc do cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tiêu chuẩn để một cơ sở đào tạo nghề được đào tạo nghề LS gồm: có đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và trình độ; có chương trình đào tạo phù hợp với chương trình khung về đào tạo nghề LS; có cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học. Và, chỉ có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư (LS) do cơ sở đào tạo nghề LS của Bộ Tư pháp, Tổ chức luật sư toàn quốc cấp hoặc do cơ sở đào tạo nghề LS của nước ngoài cấp, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận mới có giá trị theo quy định tại Điều 12 của Luật Luật sư.

Tổ chức hành nghề LS phải có Giấy đề nghị đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định và tiến hành thủ tục đăng ký hoạt động theo qy định tại Điều 35 Luật Luật sư. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề LS. Sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề LS được khắc và sử dụng con dấu của mình theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định này, tổ chức hành nghề LS có thể ký kết hợp đồng lao động thuê LS nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam làm việc cho tổ chức mình.

Các tổ chức hành nghề LS nước ngoài khi xin hoạt động tại Việt Nam thì hồ sơ và các giấy tờ kèm theo phải được dịch ra tiếng Việt và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Kể từ ngày được cấp Giấy phép hoạt động, trong vòng 15 ngày, tổ chức hành nghề LS nước ngoài  tại Việt Nam phải đăng báo trong 3 số liên tiếp và ra thông báo đến các cơ quan liên quan.

Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi có từ 3 người có Chứng chỉ hành nghề LS trở lên thì được thành lập Đoàn LS. Mức thù lao của LS cao nhất không vượt quá 100.000 đồng/giờ làm việc đối với LS tham gia tố tụng trong vụ án hình sự với tư cách cá nhân thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Áp dụng mức thù lao 120.000 đồng/ngày làm việc cho LS tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.

K.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.