Sao không quy về một đầu mối?
Từ thực tế áp dụng mô hình trên để giải quyết công việc cho người dân tại quận Tân Phú, chiều 1.3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu UBND Q.Tân Phú phối hợp với các sở, ngành TP góp ý, xây dựng quy trình và biểu mẫu để trung tuần tháng 3.2007, UBND TP.HCM ký ban hành quy định mới về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (giấy hồng) cho người dân trên địa bàn TP.HCM. |
Ngoài ra, trong Thông tư 05 (hướng dẫn thực hiện NĐ 90) của Bộ Xây dựng có quy định nếu chủ sở hữu nhà ở đã có "sổ đỏ" (theo NĐ 181) mà có nhu cầu cấp thêm "giấy hồng" (theo NĐ 90) thì cũng được cấp thêm một "giấy hồng" và không phải nộp lại "sổ đỏ".
Theo ý kiến của lãnh đạo nhiều quận, huyện tại TP.HCM, vấn đề này khiến cho việc cấp GCQ thiếu tính thống nhất, bởi một căn nhà được xây dựng trên một thửa đất mà được cấp tách rời 2 GCQ thì sẽ gặp nhiều rắc rối sau này. "Đây chính là điểm nhạy cảm, có thể gây ra nhiều hệ lụy phức tạp sau này khi chủ sở hữu cả nhà lẫn đất sử dụng cả 2 giấy này để thực hiện các giao dịch dân sự" - Phó chủ tịch một quận ven TP.HCM cho biết.
Chính vì những phức tạp như vậy, nên khi NĐ 90 có hiệu lực, lãnh đạo quận Tân Phú đã đề ra mục tiêu căn bản là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu được cấp GCQ nhà, đất. "Những công việc khác là thuộc về chính quyền quận và các phường, không thể để người dân phải bị khó khăn, phiền phức khi đề nghị cấp GCQ. Đó chính là suy nghĩ thống nhất của lãnh đạo quận Tân Phú khi mạnh dạn áp dụng mô hình sáp nhập 2 phòng TN-MT và QLĐT, quy việc cấp GCQ cho người dân về một đầu mối", ông Huỳnh Văn Hạnh, Chủ tịch UBND quận Tân Phú nói.
Hiệu quả của mô hình sáp nhập này là từ 2.12.2006 đến nay (chỉ sau 60 ngày làm việc), quận Tân Phú đã cấp được hơn 1.000 "giấy hồng" theo NĐ 90 cho người dân trong khi nhiều quận khác vẫn đang loay hoay chưa biết thực hiện thế nào. Ông Huỳnh Văn Hạnh cũng cho biết, với mô hình này, nếu thời gian theo quy định cấp "sổ đỏ" cho bà con trước đây là 55 ngày thì nay khi cấp "giấy hồng" được rút ngắn còn 30 ngày làm việc. Kết quả này chứng tỏ ưu điểm của mô hình sáp nhập 2 phòng và thực hiện cấp GCQ theo một đầu mối.
Giảm sự chồng chéo, trùng lắp
Từ một chỉ đạo của Thành ủy là phải xem xét, rà soát chức năng của 2 phòng TN-MT và QLĐT để có hướng sáp nhập về một đầu mối, UBND Q.Tân Phú đã có đề cương phân tích rất khoa học đối với lĩnh vực hành chính nhà đất, lâu nay thường bị người dân kêu ca vì sự phiền toái.
Trong đó, sự trùng lặp chức năng và chồng chéo các nhiệm vụ trong lĩnh vực hành chính nhà đất của 2 đơn vị này được thể hiện rất rõ. Chẳng hạn về cấp GCQ cho người dân, UBND Q.Tân Phú nhận định: Phòng TN-MT cấp "sổ đỏ" và Phòng QLĐT cấp "giấy hồng", nhưng việc xét cấp giấy sở hữu nhà luôn gắn liền với việc xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hồ sơ lưu trữ chỉ có thể lưu theo địa chỉ căn nhà, thửa đất nên không thể tách rời 2 phần nhà và đất để quản lý riêng.
Ngoài ra, cả 2 phòng nói trên đều là cơ quan tham mưu cho UBND quận và cùng chịu sự hướng dẫn về chuyên môn của các Sở Xây dựng, TN-MT, Giao thông - Công chính, Quy hoạch - Kiến trúc; cùng tham gia công tác lập và quản lý quy hoạch bởi tại các đô thị, việc quản lý quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng luôn gắn liền với nhau. Việc sáp nhập 2 phòng cũng giảm được nhân sự gián tiếp, giảm sự chồng chéo trùng lắp, tăng cường cho bộ máy trực tiếp xử lý hồ sơ cho người dân và tăng hiệu quả công việc...
T.T.B
Bình luận (0)