Được biết đến như một trong những nữ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên được đào tạo ở Ba Lan, Lệ Tân không bao giờ hối tiếc vì đã dành trọn đời mình cho niềm đam mê sưu tầm nghệ thuật.
Nhiều năm qua, Lệ Tân dành phần lớn thời gian của mình sống ở Oslo, Na Uy. Nói thế không có nghĩa là bà hài lòng ngồi yên một chỗ. Càng nhiều tuổi, bà càng chu du nhiều hơn. Khi đến bất kỳ nơi nào, Lệ Tân cũng muốn chuyến đi của bà có cái gì đó để làm kỷ niệm. Bà tự nhận mình vốn là "một người luôn mang sự cần thiết sưu tầm, tìm tòi, tích trữ những cái lạ, cái đẹp, cái khó hiểu không nhất thiết chỉ trong nghệ thuật". Cuộc sống của bà đầy ắp những chuyến đi triền miên, có khi vì công việc, lúc khác chỉ đơn giản vì bà thấy cần thiết được nhìn ngắm những đồ vật đẹp đẽ ở một nơi nào đó, từ một khu chợ trời ở Warszawa, Ba Lan hay cảm xúc khác lạ trước một bức tranh của một họa sĩ vô danh ở Hải Phòng.
Cô sinh viên "cá biệt"
Mấy chục năm trước, Lệ Tân được cử đi học ngành đóng tàu ở Ba Lan. Tuy nhiên, vốn là người ham thích văn chương, nghệ thuật, Lệ Tân không mấy ham thích ngành học nặng về kỹ thuật này. Bà lén học bằng hai, ngành kiến trúc tại trường ĐH Kỹ thuật Gdansk ở Ba Lan. Lúc ấy, việc này là "hoàn toàn sai trái". Bà bỏ nhiều giờ học của những môn thuộc ngành đóng tàu để say sưa trên giảng đường kiến trúc. Khi học xong năm thứ nhất ngành đóng tàu, kết quả học tập của bà không làm hài lòng người của Sứ quán Việt Nam lúc đó. Không còn cách nào khác, bà đành thú nhận hằng ngày bà phải thức khuya đến 2 giờ sáng để vùi đầu học cả hai chương trình. Cuối cùng, sau khi phải viết kiểm điểm, Lệ Tân được học ngành học mơ ước của mình. Từ đó, bà xác định bằng mọi cách phải theo đuổi đến cùng để trở thành một kiến trúc sư.
Những ký ức Ba Lan
Sau khi kết hôn với một kiến trúc sư ngoại quốc, Lệ Tân chính thức mang cái họ Sitek. Bà đã cùng chồng đi khắp nơi. Ba Lan là một trong những miền đất hấp dẫn nhất đối với Lệ Tân trong quá trình bà sưu tầm nghệ thuật. Những năm 1980, giữa lúc tình hình chính trị ở Ba Lan rất căng thẳng, bà vẫn may mắn thu nhặt được nhiều tác phẩm hội họa, mà theo bà là rất thú vị. Kỷ niệm với đất nước này được Lệ Tân kể nhiều trong cuốn Sưu và Tầm, in bởi Nhà xuất bản Mỹ thuật năm 2003. Những mẩu chuyện về bức tranh vẽ con quỷ Asmodeus, về sự tình cờ mua được một chiếc bát đựng hoa Gallé quý giá, hay kỷ niệm về chiếc bàn cổ thời Louis XVI..., tất cả vẫn còn rất sống động trong trí nhớ của bà hôm nay. Nhìn lại con đường sưu và tầm của mình, Lệ Tân nghiệm ra rằng bà cũng đã kinh qua nhiều chặng dừng thú vị khác. Nhưng có vẻ như dù ở Rumani, ở Na Uy... hay bất cứ đâu, Ba Lan đối với bà vẫn luôn tràn đầy kỷ niệm.
Nỗi buồn Henry Moore và người bạn "điên rồ"
Từng có lúc, Lệ Tân Sitek phải ngậm ngùi nhìn tiền của mình ra đi mà không bao giờ trở lại. Đấy là lúc bà vì tin người đã mua nhầm một món đồ ăn cắp. Nhiều năm trước, sau khi xem một triển lãm tượng nhỏ của Henry Moore - nhà điêu khắc nổi tiếng người Anh ở London, Lệ Tân đã bị hút hồn. Vợ chồng bà lập tức đăng báo tìm mua tượng. Mấy tháng liền tưởng không có mảy may hy vọng, bỗng nhiên có một người đàn ông trong bộ dạng thất thểu chủ động liên lạc với bà để bán một bức tượng nhỏ của Henry Moore. Ông ta bảo đang túng bấn nên mới phải bán "báu vật gia đình" này. Mừng quá, Lệ Tân mua liền, tuy cảm thấy giá hơi rẻ. Không ngờ, chỉ một tuần sau báo đăng đấy là bức tượng bị mất cắp. Không còn cách nào khác, vợ chồng bà phải đưa nó trở về tay khổ chủ.
Trong những kỷ niệm đáng nhớ về những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà bà may mắn được tận mắt ngắm nhìn, Lệ Tân không bao giờ quên những câu chuyện cảm động về những người bạn đặc biệt của bà - đặc biệt không kém những tác phẩm bà có được. Bà từng biết đến một người bạn mà bà gọi là Mateus (bà xin không nêu tên thật). Người này đã sẵn sàng đánh đổi hôn nhân của mình, chỉ để bảo vệ đến cùng món gia bảo: một bức tượng của nhà điêu khắc đại tài người Rumani - Brancusi Constantin. Khi người vợ vì ham tiền muốn bán bức tượng đi, người chồng đã vô cùng đau khổ. Tân kể: “Anh ấy không cần một đồng xu nào trong túi, không lâu đài, không địa vị mà vẫn cảm thấy mình giá trị, giàu sang hơn người. Bởi đơn giản anh sở hữu trong tay tác phẩm độc đáo của Brancusi - Một khuôn mặt thiếu nữ xuất ra từ hình bầu dục giống như quả trứng, thô sơ, biểu hiện tất cả mọi sự sống của đời, của sự tồn tại". Cuối cùng, người bạn của Tân đã chia tay vợ và cho một viện bảo tàng Pháp ở Paris mượn bức tượng để trưng bày.
Đi và sống. Sưu và tầm. Hai cặp phạm trù này cứ đeo đẳng Lệ Tân suốt cuộc đời bà. Chưa biết khi nào bà sẽ dừng lại. Có lẽ, ngày đó tim bà vẫn chưa thể nguôi cạn niềm đam mê nghệ thuật. Là một nhà sưu tầm nghệ thuật có tiếng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, Lệ Tân tâm sự bà hạnh phúc với một cuộc sống mang nhiều hương vị, nhiều vui buồn trong quãng đời dài dành cho việc tìm kiếm để chiêm ngưỡng cái đẹp. Điều quan trọng, bà hiểu rằng: "Cũng không ít khi tôi phải chấp nhận những mất mát khác vì cái ham thích của tôi, nhưng chưa bao giờ đánh mất cái giá trị nhất - bản thân mình".
Q.N
Bình luận (0)