Già làng Châu Ro và "bảo tàng văn hóa" độc nhất vô nhị

14/03/2007 22:48 GMT+7

Kỳ 2: Lời nhắn trong tiếng đàn Goong ca la Bàn tay gân guốc của Già Tơ Tơ lướt thoăn thoắt trên những phím đàn Goong ca la. Tiếng đàn vọng ra từ căn gác ngôi nhà sàn trong veo như tiếng suối reo, da diết như tiếng kèn lúa gọi bạn tình, hối hả như tiếng mõ khua vang rừng núi đuổi thú rừng đi xa... Cây đàn đã nhẵn bóng vì thời gian, nhưng càng nhẵn thì âm thanh của nó càng vang vọng.

"Cả làng bây giờ chỉ còn vài cây đàn kiểu này. Người chơi được thứ đàn này giờ hiếm lắm. Thanh niên bây giờ chỉ thích đi hát ka-ra-ô-kê và nhảy híp-hốp thôi" - Già làng ngừng tay trên phím đàn nói với tôi sau khi đã thả một nốt nhạc trầm.

Già kể: Mối tình của Già ngày xưa cũng nhuốm đầy âm thanh của những chiếc kèn và cây đàn Goong ca la. Ngày đó, Tơ Tơ là chàng trai chơi đàn rất giỏi, và Hồng Thị Lịch là cô gái thổi kèn cực hay. Anh đi theo Việt Minh làm cách mạng. Chị làm giáo viên bình dân học vụ. Nỗi nhớ theo năm tháng cứ dày lên, lớn lên qua âm thanh khúc nhạc, tiếng kèn. Bây giờ dù đã già nhưng bà Hồng Thị Lịch vẫn thổi kèn rất hay. Bà vừa giành được giải thưởng tại Liên hoan Nghệ thuật dân tộc tỉnh Đồng Nai bằng bài thổi kèn lúa, kèn bầu thật độc đáo và ấn tượng. Thế nhưng bây giờ, con trai, con gái trong làng mỗi lần cầm lấy cây đàn, nâng chiếc kèn lên là chẳng biết phải xoay xở thế nào. Vào dịp lễ hội, chúng cũng không biết đánh cồng nữa. Vuốt chòm râu trắng như cước, gương mặt Già Tơ Tơ trở nên đăm chiêu:

- Nếu không giữ được những giá trị văn hóa của người Châu Ro thì lớp con cháu của dân làng sẽ chẳng biết mình là ai. Ta đang dồn sức để làm công tác bảo tồn văn hóa, làm được đến đâu, hay đến đó...

Già làng Tơ Tơ giới thiệu với tác giả về bộ cồng cổ

Nói rồi Già Tơ Tơ dẫn tôi ra khu vườn sum suê. Tại đây có một ngôi nhà được làm theo kiểu nhà sàn dài, một kiến trúc độc đáo của người Châu Ro, gắn bó mật thiết với cuộc đời của Già kể từ ngày còn thơ bé. Già gọi đây là "bảo tàng văn hóa" của làng. Ngôi nhà được làm bằng các loại gỗ rừng nên nhiều chỗ đã bị mối, mọt, xuống cấp. Kiểu nhà này ngày nay rất hiếm gặp. Cả làng Lý Lịch hiện nay cũng chỉ còn duy nhất căn nhà này. Tại gác 2 của ngôi nhà có gần 200 hiện vật, được Già sắp xếp, trưng bày theo tuần tự thời gian, chủng loại. Đó là kết quả sưu tầm, nghiên cứu của Già hàng chục năm nay để thực hiện tâm nguyện gìn giữ hồn văn hóa Châu Ro cho đời sau. Già hướng dẫn và giới thiệu rất tỉ mỉ cho tôi biết về xuất xứ, ý nghĩa của từng đồ vật. Nơi trang trọng nhất trong căn gác là chiếc bàn thờ tam cấp, ngày xưa đồng bào Châu Ro dùng để cúng lễ Nhang Lúa, Nhang Rừng, Nhang Nhà. Rất ấn tượng là một dãy, có đến mấy chục bộ răng hàm của thú rừng các loại, được treo kín trên chái nhà phía đông. Già cho biết, đó là những bộ răng hàm của các con thú do dân làng đặt bẫy, săn bắn được từ mấy chục năm về trước, khi thú rừng còn nhiều như... heo thả rông. Già giữ lại những bộ răng hàm thú này, vừa để làm bằng chứng lịch sử về cuộc khẩn hoang của người Châu Ro, vừa để truyền thông điệp: "Thú rừng bây giờ tuyệt chủng đến nơi rồi, hãy bảo vệ chúng, đừng săn bắt nữa". Trên các bức vách thưng bằng gỗ, Già trưng bày những dụng cụ sinh hoạt, săn bắt, làm nương rẫy của cộng đồng người dân tộc Châu Ro như: Các loại gùi, cung, tên, nỏ, giáo, mác, dụng cụ đuổi thú rừng, các loại bẫy thú, dụng cụ đào củ chụp... Tiếp đến là các loại dụng cụ, nhạc cụ sinh hoạt văn hóa như: Kèn bầu, kèn lá, đàn Goong ca la... (Riêng bộ cồng, chiêng cổ rất có giá trị, được Già cất giữ cẩn thận trong tủ, vì sợ mất). Ở chái nhà và bức vách phía tây là bộ sưu tập về các loại vật dụng, trang phục của Việt Minh và người dân Châu Ro trong kháng chiến chống Pháp, của quân Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ như: thắt lưng, bi đông, mũ tai bèo, tăng, võng, hòm đạn... Trên mỗi hiện vật, Già dán một mảnh giấy đánh máy vi tính, ghi rõ chủng loại, tên gọi, xuất xứ (phiên âm cả  tiếng Việt và tiếng Châu Ro)...

Để có được bộ sưu tập độc đáo này, Già đã dày công nghiên cứu, tham khảo cách làm của các bảo tàng, rồi vận động dân làng, liên hệ với các cán bộ cách mạng từng hoạt động ở vùng này qua các thời kỳ để sưu tầm hình ảnh, hiện vật. "Làm thế này để đến khi Già có nằm xuống đất thì lớp con cháu còn có cái mà biết, mà nhớ về tổ tiên, ông bà. Càng phát triển đời sống kinh tế, xã hội, càng phải giữ cho được cái gốc văn hóa. Mất cái đó là mất hết".

Nắm tay tôi dưới chân cầu thang ngôi nhà dài, Già bùi ngùi nói như vậy...

Kỳ 1: Giết cọp 3 móng, hạ máy bay Mỹ

Phan Tùng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.