Bài 1: Vĩnh Điện, thị trấn của bằng hữu và văn chương
Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng Quảng Nam một thời như nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, các nhà thơ Hoàng Lộc, Phan Duy Nhân, Đinh Trầm Ca, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượng, Phạm Ngọc Lư, Mang Viên Long, Vũ Hữu Định, Đoàn Huy Giao…nếu không phải là người địa phương thì cũng từng đến Vĩnh Điện để dạy học, sáng tác và dừng chân tâm tình cùng bằng hữu.
Tất cả họ đều coi nơi này như một nơi máu thịt. Suốt mấy chục cây số dọc con đường 100 từ Đại Lộc xuống Hội An, mà Vĩnh Điện là điểm dừng chân giữa đường cũng là nơi cư ngụ, sáng tác của hàng chục người cầm bút trẻ lúc chỉ mới mười tám, đôi mươi. Nhà thơ, đạo diễn Đoàn Huy Giao nhớ lại: Hầu như tuần nào, trên các tạp chí văn nghệ nổi tiếng của Sài gòn hồi đó như Văn, Sáng Tạo, Văn học, Đối Diện, Khởi Hành, Ý Thức…cũng đều có đăng sáng tác của những anh em này.
Bởi vậy, Vĩnh Điện là số rất ít trong những thị xã, thị trấn miền Nam trước năm 1975 có một sắc thái văn hoá nghệ thuật đặc sắc . Sáng tác của họ thời đó toát lên những suy nghĩ đầy lo âu về thân phận của tuổi trẻ, tình tự quê hương rất đáng trân trọng …
Một trong những nhà thơ, nhạc sĩ người gốc Vĩnh Điện, sau nhiều năm vào miền Nam sinh sống và sáng tác là Đinh Trầm Ca đã quyết định mang vợ con quay về quê cũ. Anh mở quán cà phê mang tên Thạch Trúc Viên trong xóm cũ Tân Mỹ, một góc nhỏ hoa trái của thị trấn. Nơi này, dần dà tự nó lại biến thành một điểm dừng chân có những bạn thơ văn quay về tụ hội.
|
Cũng là nơi nhiều anh em văn nghệ trẻ từ Hội An, Tam Kỳ tìm đến. Hôm 19.1 vừa qua, chương trình giới thiệu tập thơ Cát bụi phận người của cây bút Lê Văn Trung ( NXB Văn nghệ TP HCM ấn hành) do bạn hữu của tác giả tổ chức tại Thạch Trúc Viên khiến tôi nhớ lại một Vĩnh Điện một thời đằm thắm mà sôi sục không khí sáng tác, trao đổi, bình phẩm văn chương rất đáng yêu. Nhìn những người tham dự đã trên dưới lục tuần vẫn còn gắn bó với văn chương, vẫn say sưa ngâm đọc tác phẩm của bạn mình, những người không sáng tác cũng xung phong lên đệm đàn, thổi sáo với một tình cảm quý mến trân trọng nhau…
Tất cả họ đã tạo nên một không khí sinh hoạt văn chương đằm thắm và sâu lắng, tự nhiên mà thôi thúc. Tôi biết, trong số những người đến nghe thơ, có những anh chị về từ Mỹ, có người ở Đà Nẵng, Hội An đang sống rất khó khăn về kinh tế. Có người vẫn cầm bút từ trước và sau năm 1975. Có người “trước đây có làm thơ nay theo đời cơm áo” cũng có mặt sau khi nhận được điện thoại báo tin.
Có những bạn trẻ yêu văn chương và tự tìm đến. Họ bên nhau bình đẳng trước nghệ thuật. Không có diễn văn, không có quan chức…nhưng tự họ, những người làm văn chương, yêu văn chương đã tự biết lấy văn chương tắm gội cho tâm hồn mình. “Cái không khí như vậy, thật lâu không thấy nữa, ở Vĩnh Điện và nhiều nơi khác!”- nhà văn, nhà báo Hồ Trung Tú nói nhỏ với tôi.
Quả thật, áo mão cân đai đâu cần thiết trong nghệ thuật. Không có nhà văn, nhà thơ đại tá, trung uý hay binh nhì. Cũng chẳng có văn thơ bá tước hay thường dân . Chỉ có văn hay và văn không hay. Chỉ có tấm chân tình trước cái đẹp! Ai đó đã viết như vậy, tôi không nhớ. Nhưng về Vĩnh Điện nghe thơ, chìm đắm vào không khí nhẹ nhàng và cảm động vì sự chia sẻ nghệ thuật, nhiều người nói, ước gì Thạch Trúc Viên của Đinh Trầm Ca làm sống lại một thị trấn xưa, thị trấn của bằng hữu và văn chương!
T.Đ.T
Bình luận (0)