Đăng ký đổi chủ: 5 ngày
Một trong những ách tắc khiến cho vấn đề giao dịch về nhà ở của người dân gặp khó khăn là quy định mới (theo Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) không cho đăng ký việc đổi chủ vào giấy chứng nhận (GCN) mà thu hồi giấy cũ, cấp giấy mới với thời gian 15 ngày (nếu hiện trạng nhà không thay đổi), và 30 ngày (nếu hiện trạng nhà có thay đổi).
Theo Sở Tài Nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM, trước đây việc đăng ký đổi chủ được cập nhật vào GCN chỉ có 5 ngày. Chính nhờ vậy, trong năm 2006 có gần 70.000 sản phẩm nhà đất được giải quyết đăng ký chuyển nhượng. Nay với quy trình nhiêu khê, mất thời gian, chắc chắn việc giao dịch nhà đất sẽ gặp nhiều khó khăn. Sở TN-MT TP.HCM lập luận: Nếu mỗi năm có khoảng 70.000 - 100.000 vụ giao dịch, chỉ cần làm bài toán đơn giản sẽ thấy thiệt hại về thời gian, tiền bạc của người dân rất lớn.
Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín sau khi tham khảo tính pháp lý của vấn đề này từ Sở Tư pháp TP.HCM, đã quyết ngay: Đối với những GCN được cấp theo Nghị định 60/CP trước đây thì thực hiện việc đăng ký chuyển nhượng cho người dân theo quy trình cũ (5 ngày). Nếu bên mua nhà có nhu cầu cấp GCN mới thì được cấp theo Nghị định 90.
Sau khi Sở Xây dựng trình bày dự thảo quy định về cấp GCN theo Nghị định 90, Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo các Sở Xây dựng, TN-MT, Tư pháp phải nghiên cứu kỹ để thống nhất "lồng ghép" những nội dung của Nghị định 181 và Nghị định 90 vào quy định cấp GCN nhà đất để trình UBND TP.HCM phê duyệt ngay trong tháng 3.2007.
Một "đầu mối", "một cửa" để cấp GCN
Về việc giao dịch, chuyển nhượng nhà đất theo quy trình 5 ngày (không phải làm thủ tục cấp GCN mới cho bên mua theo Nghị định 90 quy định), ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo Sở TN-MT phải làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để tham khảo ý kiến liệu người dân có nhu cầu có thể thế chấp để vay được hay không. Nếu ý kiến của các ngân hàng là không vướng mắc gì thì Sở TN-MT phải soạn thảo hướng dẫn để công bố cho người dân được biết. |
Trong số 24 quận-huyện, từ sau khi Nghị định 90 có hiệu lực (từ 8.10.2006), chỉ có 3 quận-huyện giao cho phòng quản lý đô thị (QLĐT) cấp GCN là Q.12, Q.Tân Bình và huyện Bình Chánh, còn Q.11 thì giao cho Tổ nghiệp vụ hành chính công. Các quận-huyện còn lại đều giao cho phòng TN-MT làm đầu mối tham mưu và phối hợp với phòng QLĐT thực hiện việc cấp GCN.
Tuy nhiên, qua mô hình được áp dụng rất hiệu quả tại Q.Tân Phú (từ 2.12.2006 đến nay, Q.Tân Phú đã cấp được hơn 1.000 GCN với thời gian giao trả đúng hẹn cho người dân), Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo: Phải tham khảo mô hình của Q.Tân Phú để tập trung về một đầu mối, nhận và giao trả hồ sơ cho người dân chỉ qua một cửa.
Các quận-huyện phải đảm bảo thời gian cấp GCN cho người dân tối đa chỉ 30 ngày, không được bắt người dân phải bổ túc hồ sơ nhiều lần, vì như thế sẽ phát sinh nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân khi đi làm thủ tục cấp GCN. Đối với việc quy định phòng QLĐT hay phòng TN-MT thụ lý, tham mưu cho UBND quận-huyện trong việc cấp GCN là do chủ tịch UBND quận-huyện quyết định. "Trong khi UBND TP.HCM đang xem xét ban hành quy định mới, các quận-huyện vẫn phải nhận hồ sơ của người dân, thụ lý và cấp GCN, không được dừng lại. Ban hành quy định mới là để đơn giản hóa thủ tục, làm tốt hơn lên chứ chúng ta cũng đã có luật, nghị định, thông tư hướng dẫn rồi. Trong thực tế, một số quận-huyện hiện nay vẫn cấp GCN bình thường" - ông Nguyễn Hữu Tín nói.
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)