Gia đình tôi sống ở tỉnh và tất nhiên nếu muốn xem được những bộ phim chiếu Tết kia cũng phải đợi "hết mùng". Nghe quảng bá, đồn thổi nhiều về phim Tết nên cuối tuần vừa rồi tôi dẫn đứa cháu gái đi xem Chuông reo là bắn. Thất vọng thật, và cũng có thể nói ngoài sức tưởng tượng của tôi.
Thực tế đề tài mà phim đề cập là một vấn đề thật "nóng hổi": xoay quanh chuyện những người nổi tiếng bị tung hình sex lên mạng. Chuyện này có thật ngoài đời và nghe nhiều rồi. Thêm nữa, phim câu khách vì quy tụ toàn "sao", thần tượng của không ít người. Đến rạp vừa xem phim vừa ngắm "sao" thì ai chẳng muốn. Thế nhưng, Chuông reo là bắn làm tôi phải ngượng chín người với đứa cháu gái mới học lớp 6 của mình.
Toàn là những cảnh "nuy", cảnh tắm táp xuyên suốt bộ phim. Đến cảnh tự tử mà cũng khỏa thân nhưng điều đáng nói là các nhà làm phim ngụy tạo cho phân cảnh đó hết sức giả tạo và trơ trẽn, những cánh hoa che những bộ phận "cần phải che" của cô gái trong bồn nước hết sức lố bịch. Nếu một người cha người mẹ nào lỡ dắt con đi xem Chuông reo là bắn cũng phải che mặt con hoặc đưa con về gấp. Đó là chưa nói đến những cảnh ái ân vụng về thô kệch của bộ phim. Đứa cháu tôi còn nhỏ nhưng cũng biết xấu hổ và hỏi tôi "đóng phim mà sao các cô ấy cứ ở trần, cứ cởi quần ra nhiều lần thế chú". Tôi chẳng biết nói sao với đứa cháu, cố nán thêm chút nữa nhưng không thể vì "mức độ" ngày càng "bạo liệt".
Người làm phim cần xem lại tư cách nghề nghiệp của mình, không nên chạy đua doanh thu mà quên đi bản chất nghệ thuật hay tính giáo dục xã hội của tác phẩm điện ảnh. Phim luôn gần gũi với cuộc sống nhưng không phải tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống đều có thể dựng thành phim! Có phải vậy không những nhà làm phim?
Ngọc Cảnh
(24 Lương Văn Năm - Phan Thiết, Bình Thuận)
Bình luận (0)