Quản lý vật liệu nổ như thế nào?

16/03/2007 00:16 GMT+7

Mới đây, một vụ nổ bom tự tạo nghiêm trọng đã xảy ra trước nhà số 30/10B Phạm Văn Chiêu, P.9, Q.Gò Vấp, (TP.HCM) khiến 3 người bị trọng thương. Vậy nguồn thuốc nổ được mua ở đâu cũng là vấn đề mà cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Trao đổi nhanh với PV Báo Thanh Niên về vấn đề này, đại tá Trần Triều Dương (ảnh) - Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP.HCM cho biết:

- Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) được quản lý hết sức nghiêm ngặt. Loại vật liệu này không được bày bán ở chợ mà do doanh nghiệp có giấy phép riêng mới được kinh doanh. VLNCN đa số được cung cấp cho các đơn vị khai thác đá... Nhìn chung địa bàn TP.HCM được quản lý vật liệu này chặt chẽ hơn một số tỉnh, thành khác, cho nên việc nổ bom tự tạo đã xảy ra ở Q.Gò Vấp, cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn gốc mua thuốc nổ đó ở đâu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu tâm đến số thuốc nổ được lấy ra từ các đầu đạn của một số người dân đục đầu đạn để lấy vật liệu bán. Hiện, trên địa bàn thành phố cũng có một số cửa hàng kinh doanh phế liệu mua bán đầu đạn cũ này. Cụ thể, đầu năm 2007, tại một cơ sở kinh doanh phế liệu, trong lúc đục đầu đạn đã bất ngờ phát nổ làm 1 người chết, 1 người bị thương. Đây cũng là mối nguy hiểm gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

* Vậy quy trình quản lý VLNCN như thế nào?

- Đại tá Trần Triều Dương: Trước tiên, kho chứa VLNCN phải được xây dựng thiết kế đúng theo quy định, phải đảm bảo an toàn. Việc vận chuyển VLNCN phải được cấp phép đúng theo quy định của Bộ Công an. Hồ sơ xin cấp giấy phép vận chuyển VLNCN gồm các thủ tục: giấy giới thiệu của cơ quan hoặc của công an phường xã, thị trấn; giấy chứng minh nhân dân của người áp tải, lái xe; lệnh xuất kho hoặc giấy báo hàng; giấy phép lái xe, giấy bảo hành phương tiện còn giá trị; giấy đủ điều kiện hành nghề kinh doanh đặc biệt; giấy đăng ký vận chuyển vật liệu nổ; giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC của người điều khiển phương tiện và áp tải. Sau đó, cán bộ kiểm tra được phân công tiến hành kiểm tra phương tiện vận chuyển và lập biên bản kiểm tra. Sau đó, trưởng phòng lập báo cáo đề xuất Giám đốc Sở ký ban hành. Giấy phép vận chuyển phải kèm theo biểu trưng "M".

Giấy phép vận chuyển do công an cấp có giá trị đi từ tỉnh này đến tỉnh khác theo tuyến đường ghi trong giấy phép vận chuyển. Trường hợp VLNCN được vận chuyển trên tuyến đường phải qua nhiều phương tiện xà lan, xe lửa, tàu thủy, sau đó dùng ô tô chuyển tiếp, thì việc cấp giấy phép phải làm lần lượt cho từng loại phương tiện. Việc xét duyệt người áp tải, người điều khiển phương tiện sẽ tiến hành theo kế hoạch của đơn vị quản lý vận tải VLNCN. Còn giấy phép vận chuyển do cơ quan quy định cụ thể sẽ cấp từng chuyến, cả năm, cấp chung, cấp riêng cho từng loại, tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Trên đường vận chuyển, nếu công an thi hành công vụ cần kiểm tra phương tiện vận chuyển VLNCN thì người áp tải và điều khiển phương tiện có nhiệm vụ dừng phương tiện, xuất trình giấy tờ và cung cấp những thông tin cần thiết cho công vụ đó.

Đàm Huy (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.