Trả lời báo chí quanh những vấn đề này, ông David Fernandez, Giám đốc điều hành JP Morgan tại VN nói:
- GDP trong 10 năm qua của VN rất cao. Điều đáng nói là trong khi các nước ở châu Á thường phụ thuộc phần lớn vào các mặt hàng điện tử, thì nền kinh tế VN không phụ thuộc nhiều vào mức tăng trưởng cũng như suy thoái của mặt hàng điện tử, và đó là lý do tại sao nền kinh tế VN vừa tăng cao, nhưng vẫn giữ được ổn định rất lớn.
Tốc độ tăng trưởng của VN là hết sức bền vững, đạt mức 7,8%. Cá nhân tôi còn muốn khẳng định rằng tốc độ này sẽ còn tăng nữa trong những năm tới và hàng điện tử sẽ là mặt hàng chính trong cơ cấu hàng xuất khẩu của VN.
* Ông có đưa ra dự đoán là đồng VN sẽ tăng giá, liệu việc tăng giá đó có ảnh hưởng gì đến xuất khẩu ở VN không?
- Tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn tương đối bền vững vì theo tôi đồng nội tệ VN sẽ chỉ tăng giá 1% trong năm nay và khi người ta nói đến tính cạnh tranh của đồng tiền, người ta hay nhắc đến giá trị dưới tỷ giá hối đoái thực tế hơn là tỷ giá danh nghĩa. Với tốc độ tăng giá khoảng 1%, theo tôi, tính cạnh tranh của đồng VN vẫn là rất lớn, nên có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu cũng như đến tăng trưởng kinh tế.
* Ông nhận định thế nào về sự phát triển của TTCK VN trong thời gian qua, những yếu tố rủi ro của thị trường này trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong giai đoạn TTCK VN đang được cho là phát triển nóng?
- Ở VN hiện có 2 thị trường cổ phiếu (CP), đó là thị trường chính thức và thị trường không chính thức (OTC). Và ở cả hai thị trường này tôi đều thấy có sự mất cân đối khá lớn giữa cung và cầu, tôi nghĩ đây chính là vấn đề mà Chính phủ VN cần giải quyết. Tôi có nói chuyện với các khách hàng của JP Morgan thì mọi người đều thấy rằng nhu cầu về chứng khoán ở VN đều đang rất lớn và đều đang tăng.
Đối với các nhà quản lý quỹ thì có lẽ sẽ rất đơn giản vì chỉ việc đến Mỹ hoặc châu u kêu gọi các nhà đầu tư gom tiền đầu tư chứng khoán ở thị trường VN. Tôi có nói chuyện với khách hàng của JP Morgan ở Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc thì hiện giờ họ đang gom tiền và mục đích chính là để đầu tư vào VN. Hiện giờ số tiền họ gom được đã lên đến 1 tỉ USD.
Tuy nhiên họ vẫn chưa đầu tư vào VN. Nếu nói về cán cân cung cầu trên TTCK VN hiện giờ thì mặc dù trong những năm tới chúng ta có thêm các công ty được cổ phần hóa, cũng như số hàng hóa sẽ nhiều hơn nữa, thì nhu cầu vẫn còn cao và mức giá CP vẫn còn cao. Điều mà tôi quan tâm cũng như lo ngại nhất - và tôi cho là có rủi ro - chính là thị trường OTC. Bởi vì khi thị trường này ngày càng được chuẩn hóa thì cũng đồng nghĩa với việc nó ngày càng được mở rộng về mặt quy mô, sẽ có nhiều công ty hơn, và khi đó tính thanh khoản của thị trường lại giảm đi rất nhiều.
Đây chính là thời điểm có thể xảy ra các nguy cơ vì các nhà đầu tư (NĐT), thường là các NĐT cá nhân sẽ không thể ấn định được, nhận biết được mức giá CP của mình đang ở đâu nữa. Đó sẽ là lúc cần đến các nhà làm luật vì người ta cần biết được các biện pháp cũng như những chính sách rõ ràng để có thể ấn định trước được điều sẽ xảy ra. Hiện giờ theo chúng tôi, thị trường vẫn chưa có những dấu hiệu bất ổn lắm.
Hiện giờ các nhà làm luật cũng thấy đã đến lúc cần phải có biện pháp khi các CP của VN hiện đang được định giá rất cao và có lẽ còn tiếp tục cao nữa. Để giải quyết sự mất cân đối của cán cân cung cầu thì theo chúng tôi giải pháp căn bản nhất là tăng cung. Sẽ rất tốt nếu chúng ta có thể đưa thêm nhiều hàng hóa, CP vào thị trường chính thức.
M.Q
Bình luận (0)