Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường

17/03/2007 15:36 GMT+7

Đái tháo đường là căn bệnh ngày càng trở nên nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Đái tháo đường týp 1 là do di truyền, còn đái tháo đường týp 2 được gọi là "căn bệnh lối sống" vì liên quan đến bệnh béo phì. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường.

Chế độ dinh dưỡng nào cho bệnh nhân đái tháo đường?

Sau khi tiến hành một loạt các nghiên cứu lâm sàng, các bác sĩ trên thế giới đã cho biết một chế độ dinh dưỡng đầy đủ Magnesium (Mg) có thể giúp cho bệnh nhân đái tháo đường giảm các biến chứng do căn bệnh mãn tính này gây ra.

Theo nghiên cứu Women's Health Study (Diabetes Care 2004) trên 39.345 phụ nữ Mỹ có độ tuổi từ 45 trở lên, không có bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường týp 2, các bác sĩ kết luận chế độ ăn giàu Mg có thể giảm nguy cơ đái tháo đường týp 2 mới mắc và làm tăng độ nhạy với insulin. Theo nghiên cứu Nurses' Health Study và Health Professionals' Follow-up Study, các bác sĩ cũng đưa ra kết luận: giữa lượng Mg trong khẩu phần ăn và nguy cơ bị đái tháo đường týp 2 mới mắc có một mối tương quan nghịch rất có ý nghĩa.

Nguyên nhân hạ Mg trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường là do thiếu cung cấp Mg trong khẩu phần ăn, họ bị rối loạn hấp thu trong ống tiêu hóa và còn bị mất Mg qua nước tiểu.

Vai trò của Magnesium

Trung tâm nghiên cứu bệnh tiểu đường của WHO cho biết: Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở châu Á hiện nay đã vượt xa châu u, nơi vốn được xem là ổ bệnh. Trong khi có khoảng 5% số người trưởng thành ở châu u mắc bệnh thì ở châu Á là 10-12%. Theo WHO, ước đoán số bệnh nhân đái tháo đường tại Đông Nam Á năm 2000 là 35 triệu người nhưng đến năm 2025 con số này tăng hơn gấp đôi. Hiện khu vực Đông Nam Á được xem là có tốc độ bệnh đái tháo đường tăng cao nhất thế giới. Tỷ lệ bệnh này ở Việt Nam là 1% dân số (nguồn: Diabestes Atlas 2003). Tỷ lệ mắc đái tháo đường ở nước ta, theo dự đoán của WHO, sẽ tương tự như tại các nước trong vùng Đông Nam Á, gia tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới.

Người khỏe mạnh không mắc bệnh đái tháo đường cũng thường được các bác sĩ khuyên ăn các loại thức ăn chứa nhiều Mg như ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt đậu và rau xanh. Mg có trữ lượng đứng hàng thứ tư trong cơ thể, chứa đến khoảng 50% trong xương, 50% trong tế bào và 1% trong máu. Mg tham gia vào hơn 300 phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Khi ta ăn thức ăn có chứa Mg vào, Mg sẽ được hấp thu ở ruột non. Cơ thể thải Mg chủ yếu ở thận.

Thức ăn được xem có chứa nhiều Mg là rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt, nước khoáng. Gạo lức, bánh mì còn nguyên cám, các sản phẩm từ sữa bò, sô-cô-la và các loại thịt gia súc cũng có nhiều Mg. Người Việt Nam vốn không tiêu thụ nhiều sản phẩm từ sữa và sô-cô-la, tuy nhiên chúng ta ăn rau, củ và các loại hạt rất nhiều. Hạt mè đen, mè trắng, đậu phộng, đậu nành, đậu xanh, đậu trắng, hạt dưa, hạt sầu riêng... đều chứa nhiều Mg. Các loại rau như rau răm, rau ngót, tía tô, rau dền cũng có nhiều Mg.

Khi nào cơ thể chúng ta thiếu Mg? Khi chúng ta bị rối loạn hấp thu trong ống tiêu hóa, khi Mg bị mất qua nước tiểu, khi lạm dụng các thuốc lợi tiểu, một số thuốc kháng sinh, khi bị tiêu chảy hay ói mửa trong thời gian dài. Người nghiện rượu cũng bị thiếu Mg vì ăn ít, cơ thể lại phải chuyển hóa chất rượu làm nhiều Mg bị bài tiết ra nước tiểu.

Ở bệnh nhân đái tháo đường, có mối liên quan có ý nghĩa giữa hạ Mg trong máu với xơ vữa động mạch xuất hiện sớm, tổn thương võng mạc tiến triển, suy giảm chức năng thận và loét bàn chân. Do đó, người bệnh cần chú ý bổ sung Mg trong khẩu phần ăn. Điều này sẽ giúp làm giảm đề kháng insulin, giảm đường huyết lúc đói và giảm HbA1c ở người bệnh đái tháo đường có hạ Mg trong máu, giảm huyết áp (phụ thuộc liều) và làm cải thiện chức năng nội mô, tăng thời gian gắng sức và cải thiện chất lượng sống của người bệnh ộng mạch vành.

Xuân Vi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.