Làm sao hạn chế tình trạng thất nghiệp trá hình trong các cơ quan nhà nước?

18/03/2007 00:22 GMT+7

Hiện nay, thất nghiệp trá hình trong các cơ quan nhà nước là có thực, có thể nói ở mức khá phổ biến. Điều này thể hiện, ở nhiều cơ quan, nếu giảm đi một số người thì công tác vẫn đảm bảo, vẫn hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của mình; hoặc khi khuyết đi một số vị trí thì những người còn lại vẫn có thể choàng gánh để làm tốt phần việc của những người không có mặt.

Thông thường, hiện tượng này biểu hiện ở sự làm-không-hết-sức-mình của các cá nhân trong cơ quan, đúng hơn là mỗi người làm chưa hết năng suất lao động của mình. Đó là tình trạng thất nghiệp trá hình tồn tại trong nhiều năm qua ở khá nhiều các cơ quan và tỷ lệ người bị coi là thất nghiệp trá hình này theo tôi là khá cao. Những người này không hoặc không được tạo điều kiện làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, hoặc họ không được phân công, bố trí công việc phù hợp. Thất nghiệp trá hình gây ra nhiều hệ quả xấu:

Thứ nhất, làm tăng quỹ lương của cơ quan; đối với những đơn vị đã thực hiện khoán quỹ lương thì làm giảm thu nhập của những người "lao động chính" - cách tạm gọi để phân biệt với những người thất nghiệp trá hình.

Thứ hai, gây lãng phí cho nhà nước và cho chính người lao động. Nếu xóa bỏ tình trạng thất nghiệp trá hình, những người này sẽ tự tìm việc khác để kiếm sống, có thể có những đóng góp tích cực cho xã hội mà cơ quan nhà nước cũng không phải tốn thêm một khoản lương nữa.

Thứ ba, không tạo ra động lực làm việc tốt trong toàn cơ quan. Vì tâm lý "làm nhiều hay ít cũng hưởng bao nhiêu đó lương" nên sẽ kéo theo những người khác không dốc hết sức làm việc vì thấy sự cố gắng của mình cũng không được đền bù xứng đáng. Ngoài ra, tình trạng này cũng tạo ra "sức ỳ" trong mỗi cán bộ công chức vì không có sự phấn đấu và cạnh tranh lành mạnh.

Thứ tư, không tạo ra một không khí làm việc tốt và sự đoàn kết tốt trong cơ quan. Từ chỗ có nhiều người "rảnh rang" tụm năm tụm ba để chuyện phiếm, dễ gây xáo trộn nội bộ.

Điều đáng buồn là tình trạng thất nghiệp trá hình tồn tại ở các cơ quan nhà nước nhiều hơn hẳn ở các doanh nghiệp tư nhân hoặc có vốn của nước ngoài. Nhiều người do "gửi gắm", thậm chí "chạy chọt" lọt được vào cơ quan nhà nước nhưng không phù hợp vị trí công tác, không đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ. Tình trạng này cần sớm chấm dứt, thì tình trạng thất nghiệp trá hình mới giảm.

Trúc Giang (Q.4, TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.