Nữ phi công Marie Hiền Nguyễn: "Tôi muốn bay trên bầu trời quê hương"

20/03/2007 14:47 GMT+7

Chào đời tại Canada, từ bé xíu Marie Hiền Nguyễn đã ôm ấp hoài bão lớn lên sẽ trở thành nữ phi công của những chiếc Boeing, Airbus… và mơ ước lớn nhất của cô là được lái máy bay trên khắp vùng trời quê hương Việt Nam mến yêu của mình.

Lựa chọn và vượt khó khăn

Là con gái duy nhất trong gia đình, Hiền đã khiến cho cả nhà phải ngạc nhiên vì khuynh hướng nghề nghiệp của cô. Khác với người cha là một chuyên viên kỹ thuật về điện ảnh, anh trai theo học ngành đạo diễn, Hiền (tên gọi thân mật của Marie Hiền Nguyễn) là cô bé xinh xắn mê độ cao và có bản tính cứng cỏi như con trai, không thích ngồi một chỗ, đã chọn một nghề không liên quan gì tới nghệ thuật. Mẹ Hiền sợ nghề phi công có lắm hiểm nguy, nhưng ông bố thì rất ủng hộ sự lựa chọn của cô con gái học giỏi và rất hiếu động. Năm 2003, Hiền chinh phục được "rào cản" chính là sự lo ngại của mẹ, để chuẩn bị thi vào Trung tâm đào tạo phi hành Québec ở Chicoutimi, một thành phố phía đông bắc Québec. Quyết định này buộc Hiền phải sống xa nhà và phải đối đầu với kỳ thi tuyển rất gắt gao trước khi bước vào khóa học 3 năm đầy thử thách.

Trung tâm đào tạo phi hành Québec là một trung tâm của Nhà nước, miễn phí toàn bộ cho sinh viên, nên thể lệ cho đầu vào rất khó khăn. Muốn trúng tuyển, 400 thí sinh trong đó có Hiền phải vượt qua các kỳ thi viết, toán, kiến thức về nghiệp vụ hàng không... Từ 400 chọn ra 100, rồi sau kỳ kiểm tra sức khỏe, mắt, thử thao tác trong phòng máy... thì chỉ có 40 người được chính thức trúng tuyển. Và Hiền là phụ nữ duy nhất trong số 40 học viên này. Nhìn xung quanh toàn là các đấng mày râu, Hiền càng nung nấu ý chí phải cố gắng hết mình, làm sao cho các anh chàng đó không nhìn mình như một cô gái Việt Nam yếu đuối chọn nhầm nghề.

Sau những ngày thi căng thẳng, Hiền kiên cường tiếp tục ba năm học đầy gian lao, thử thách. Năm thứ nhất dành cho các bài học lý thuyết và học viên phải chịu một chế độ huấn luyện như quân đội, học giải quyết tình huống rủi ro, bất ngờ như lái máy bay băng rừng giữa mùa đông lạnh giá, hoặc máy bị trục trặc trên không trung... Năm thứ hai, Hiền được ngồi máy bay nhỏ 4 chỗ bay trên bầu trời Montreal, Toronto. Đây cũng là giai đoạn căng thẳng nhất trong ba năm học. Giá thuê máy bay cho học viên thực tập lên đến 100 USD/giờ (chính phủ bao cấp cho học viên 100.000 USD/khóa học).

Mỗi sinh viên phải bay ít nhất 200 giờ, và chỉ cần làm rớt máy bay 2 lần sẽ bị đuổi học ngay. "Lần đầu tiên được ngồi vào tay lái, tôi có cảm giác lâng lâng, thật kỳ lạ, như đại bàng một mình được xoải cánh trên bầu trời rộng mở", Hiền chia sẻ. Lúc chưa quen, Hiền không khỏi hồi hộp, nhưng rồi cô lại có cảm giác rất ư là... con gái, thấy mình thật lãng mạn khi được bay trong đêm, giữa muôn nghìn vì sao lấp lánh, để cảm thấy tâm hồn mình trở nên mênh mang, rộng mở...

Năm thứ ba, sinh viên được "nâng cấp" lái máy bay lớn hơn, cũng có nghĩa là sẽ phải đối phó với nhiều rủi ro, bất trắc hơn, như tập lái máy bay lên xuống trong những trường hợp khẩn cấp, điều khiển máy bay khi gặp mưa bão, sấm sét. "Nếu không giữ được bình tĩnh trong lúc thực tập, rất dễ làm lạc tay lái, máy bay sẽ rớt xuống hay đầu máy bị lật, chúi xuống sông...", Hiền nói. Ngày Hiền thi tốt nghiệp cũng là ngày cha mẹ cô được ngồi trên chiếc máy bay do chính con gái của mình làm phi công. Nữ phi công gốc Việt đầu tiên ở Québec! Đã thực hiện được ước mơ, nhưng nghề nghiệp trên không của Hiền cũng chưa bao giờ cản trở cô làm những công việc dưới đất. Hiền từng là cứu cấp viên của Hội Chữ thập đỏ Québec và tình nguyện viên của Hệ thống tương trợ sinh viên trường Trung học Brebeuf.

Trái tim Việt

Hè 2006, khóa học ba năm kết thúc, các sinh viên phải tự xoay xở việc làm. Hai tuần sau, Hiền may mắn tìm được một chân dạy lái máy bay tại trường công duy nhất của Canada. Cô gái ham học hỏi này rất... lo xa, còn chuẩn bị cho mình một nghề tay trái trong tương lai khi học thêm ngành Quản trị kinh doanh. Thực hiện được ước mơ phi công, được sự yêu mến của thầy cô và bạn bè, xem như con đường Hiền đi khá suôn sẻ. Nhưng thực ra, tận sâu thẳm trái tim cô vẫn thổn thức khi nghĩ đến hai chữ Việt Nam như bất kỳ một người dân gốc Việt nào xa xứ.


Marie Hiền Nguyễn trong một lần bay ở Canada... - Ảnh: H.N
Cô tưởng tượng về mảnh đất quê hương mà mình chưa được một lần được về thăm, chỉ biết qua lời kể của cha mẹ và sách báo. Và bây giờ, Hiền đã trở về. Đặt chân lên xứ sở của tổ tiên, cô lại mang trong lòng ước mơ tiếp nối mà cũng là dự định cô ấp ủ từ lâu: được làm phi công của hàng không Việt Nam, chia sẻ niềm vui theo từng chuyến bay với hành khách... Bởi thế, Hiền đang rất hy vọng được các cấp lãnh đạo và chuyên ngành hàng không dân sự Việt Nam tạo điều kiện cho cô được làm việc ngay trên đất nước của mình. Hiền tiết lộ, cha và anh của cô cũng đang lên kế hoạch sẽ quay một bộ phim tại Việt Nam. "Nếu trong phim có cảnh hành động và... lái máy bay, Hiền mong sẽ được tham gia", cô nói thật tình.

Còn một điều thú vị là nhắc đến nghề phi công, nhiều người vẫn nghĩ rằng cô gái này hẳn có nhiều nam tính! Nhưng nếu gặp Hiền một lần, nhiều người sẽ cảm nhận được ngay nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam mà cô được thụ hưởng từ mẹ, tâm hồn nghệ thuật mà cô được truyền từ cha. Hơn thế nữa, Hiền còn biết chế biến khá nhiều món ăn Việt Nam như phở, bánh xèo, bánh cuốn...

Cô từng trổ tài nội trợ cho các bạn học ở trường hàng không thưởng thức. Hiền đàn piano rất hay, mê bộ môn tennis, cầu lông. Năm nay, lần đầu tiên Hiền được về Việt Nam và ăn tết trên quê hương mình, thật không sao kể xiết niềm vui và những điều lạ lẫm trong mắt cô. Bước qua năm Đinh Hợi, cô gái sinh năm 1983 này tin rằng trong năm tuổi, cô sẽ gặp vận may, thực hiện được nguyện vọng của mình: được phục vụ trong ngành hàng không Việt Nam !

Minh Tuyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.