Nguyên tắc của Eva hay Adam?

20/03/2007 13:48 GMT+7

Làn sóng chống phong trào nam nữ bình quyền đang diễn ra tại Đức. Các bà nội trợ từng là những phụ nữ vùi đầu vào công việc nay đang phổ biến phong trào phụ nữ mới, kêu gọi phái yếu hãy ở nhà và thực hiện tốt bổn phận người mẹ, người vợ.

"Mệt mỏi kéo lê chính mình từ công việc này đến công việc khác, tôi đã từng có cảm giác thật vô dụng. Tôi muốn trở nên đặc biệt nhưng không biết cách làm thế nào để đạt được điều đó. Với chồng và con gái bên cạnh, tôi thật sự sung sướng và cảm giác thật tự do". Nghe có vẻ như là một màn trong vở hài kịch từ những năm 50 của thế kỷ trước.

Thật ra, đây chính là lá thư một độc giả gửi cho Eva Herman, tác giả cuốn sách best-seller Nguyên tắc của Eva tại Đức. Người phụ nữ tóc vàng, 49 tuổi này đang dẫn đầu phong trào chống tình trạng nam nữ bình quyền, theo đó tình mẫu tử được thay bằng sự giải phóng, nuôi dạy con cái lại bị bỏ qua chỉ vì người phụ nữ muốn đạt được thành công trong sự nghiệp.

Với cuốn sách dày 262 trang chứa đựng đầy những nỗi giận dữ chống lại thuyết nam nữ bình quyền, tác giả Herman cho rằng Đức sẽ diệt vong nếu phụ nữ không thay đổi thái độ, bỏ việc, ở nhà nuôi con. Và cũng vì tác phẩm trên mà cựu phát thanh viên truyền hình đã trở thành mục tiêu của mọi phía trên vũ đài chính trị.

Giới chỉ trích cáo buộc Herman đã đẩy phụ nữ trở lại cách đây 60 năm và cho rằng bà này đạo đức giả. Một số phụ nữ Đức đã viết sách trả đũa lại, bác bỏ hoàn toàn lý luận của Herman. Để chứng tỏ rằng mình đúng, Herman đã cho xuất bản một cuốn sách gồm những lá thư do độc giả ủng hộ, hay theo ngôn từ của Herman là "người bình thường", gửi đến bà.

Một trường hợp khác theo thuyết "phụng sự chồng con" tương tự như bà Herman là Christa Mueller, vợ của cựu Bộ trưởng tài chính theo phe tả Oskar LaFontaine. Chỉ cách đây 5 năm, nhà kinh tế học và chính trị gia phe tả Mueller đã từng sang sảng tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rằng bà không thích hợp với vai trò một người vợ chỉ là vật trang sức bên chồng. Tuy nhiên, giờ đây giống như Herman, Mueller đã thay đổi 360 độ. Dành hết tất cả năng lượng trước đây dồn vào con đường chính trị, bà cổ vũ vai trò của người nội trợ và khuyên người khác theo con đường của mình. 

Xét về khía cạnh chính trị, vai trò của nữ giới cũng đã trở thành tâm điểm chú ý trong các cuộc đấu tranh giành lấy sự ủng hộ của cử tri. Bộ trưởng Các vấn đề gia đình Ursula von der Leyen đã mở màn một cuộc tranh luận chính trị với câu hỏi: Có phải trẻ con sẽ bị tổn thương về mặt tâm lý nếu chúng đến vườn trẻ thay vì ở nhà? Leyen không nghĩ như vậy.


Làm nội trợ không phải dễ  - Ảnh: pasci
Hiện bà đang đề nghị chính phủ tăng số lượng nhà trẻ cho trẻ dưới 3 tuổi lên 750.000 vào năm 2013, gấp 3 lần so với hiện tại. Leyen cho rằng việc gia tăng số lượng vườn trẻ sẽ giúp mẹ chúng trở về công việc dễ dàng hơn và từ đó khuyến khích phụ nữ Đức có thêm nhiều con cái hơn. Quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất châu u, trung bình 1,3 trẻ/mẹ, đang gấp rút tìm kiếm giải pháp để thoát khỏi cơn khủng hoảng về dân số trong khi người Đức ngày càng già thêm và dân số ngày càng ít đi.

Những người phản đối cho rằng phương pháp trên của nữ bộ trưởng sẽ biến phái yếu thành những cái máy đẻ thực sự. Thậm chí các chính trị gia cùng đảng với bà Leyen cũng chỉ trích chính sách của bà là sự phá hoại nền tảng đạo đức bằng cách đẩy trẻ em ra khỏi vòng tay của mẹ.Tuy nhiên, rất nhiều người Đức cho rằng những cuộc đấu khẩu như trên thật quá dở hơi.

Theo nhà khoa học chính trị Karin Deckenbach, chỉ có người Đức mới cho rằng gửi trẻ em vào các trung tâm chăm sóc đồng nghĩa với việc trẻ bị ngược đãi. Tại nhiều nước khác ở châu u hoặc ở Mỹ, phụ nữ và đàn ông thường có thói quen gửi con vào nhà trẻ để mẹ chúng có thể đi làm.

Theo bà, phụ nữ Đức có quyền chọn ở nhà và trông con nếu họ muốn, nhưng thường họ lại thích kết hợp việc nuôi dạy con với nghề nghiệp. Có vẻ như không phải phụ nữ Đức ngần ngại có con là do thiếu sự quan tâm về mặt tài chính của chính phủ. Hằng năm, chính phủ Đức chi 3% GDP hay hơn 78,6 tỉ USD cho các chính sách về gia đình, tức nhiều hơn tỷ lệ trung bình của EU là 2% GDP. Khoảng 70% số tiền trên chạy thẳng vào gia đình, chỉ khoảng 10,5 tỉ USD là chi vào hệ thống chăm sóc trẻ cộng đồng.

Các nhà nghiên cứu kết luận tỷ lệ sinh cao nhất là tại các nước có nhiều phụ nữ đi làm, nơi tỷ lệ ly dị cao và tại nơi có sự bình đẳng cao giữa nam và nữ. Thủ tướng Đức A.Merkel cho rằng sự bình đẳng không thể xảy ra cho đến khi đàn ông thay đổi thái độ. Tựu trung, các sứ giả nữ, trong đó có Bộ trưởng Leyen, chỉ góp phần vào lời kêu gọi các ông bố năng động hãy đóng góp cho gia đình nhiều hơn thay vì chỉ viết séc và tặng những nụ hôn lên trán trẻ nhỏ trước khi ngủ.

Thực tế nhiều đàn ông Đức rất muốn làm như thế. Kết quả nghiên cứu của Đại học Bamberg cho thấy có đến 20% ông bố muốn dành thời gian nhiều hơn cho con cái nhưng họ lại không làm vậy chỉ vì họ sợ lời đàm tiếu không hay tại sở làm. Có lẽ đã đến lúc đàn ông nên hướng đến một nguyên tắc mới dành cho Adam.

Thuỵ Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.