5 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 70,7%

20/03/2007 22:10 GMT+7

Bản Báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày. Trong khuôn khổ 21 trang giấy, sau khi nêu bật những thành tựu của nhiệm kỳ, Thủ tướng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và rút ra bài học kinh nghiệm.

5 tiến bộ chủ yếu về công tác quản lý Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong cả nhiệm kỳ qua được nêu ra bao gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, kiểm soát và ổn định kinh tế vĩ mô, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính và chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Báo cáo cho biết, trong 5 năm qua, các cân đối vĩ mô của nước ta ngày càng vững chắc: an ninh lương thực được đảm bảo, giá trị đồng tiền cơ bản ổn định, bội chi ngân sách được kiểm soát ở mức dưới 5%, tăng giá tiêu dùng được kiềm chế ở mức dưới 2 con số/năm và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cán cân thanh toán quốc tế được giữ cân bằng, dự trữ ngoại tệ tăng dần. Nợ Chính phủ và nợ quốác gia luôn luôn được giữ trong giới hạn an toàn, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng giảm. Nhập siêu vẫn trong tầm kiểm soát và có xu hướng giảm dần. Cơ cấu hàng xuất khẩu, nhập khẩu chuyển biến theo hướng tích cực.

Đặc biệt, các chính sách và giải pháp điều hành của Chính phủ đã khiến khu vực kinh tế dân doanh có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Từ năm 2002 đến năm 2006 có khoảng 170 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong nhiệm kỳ đã sắp xếp lại 3.815 doanh nghiệp nhà nước, bằng 71% số doanh nghiệp nhà nước có vào đầu năm 2002, trong đó thực hiện cổ phần hóa 2.440 doanh nghiệp nhà nước. Môi trường đầu tư được cải thiện, từ 2001-2005, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 21 tỉ USD, vốn thực hiện đạt hơn 14 tỉ USD, vượt 30% so với chỉ tiêu đề ra. Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.

Kinh tế phát triển đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức 423 USD năm 2001 lên 722 USD năm 2006 (tăng gần 70,7%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm trên 2%, tỷ lệ thất nghiệp cuối năm 2006 còn khoảng 5%.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng: "Những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua vẫn còn ở dưới mức khả năng phát triển của đất nước, hoạt động kinh tế-xã hội còn nhiều yếu kém bất cập, việc huy động và sử dụng các nguồn lực vào phát triển kinh tế-xã hội còn kém hiệu quả và chưa tương xứng với tiềm năng, tính bền vững của sự phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, văn hóa-xã hội phát triển còn chậm và còn nhiều bức xúc, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, quan liêu tham nhũng lãng phí chưa bị đẩy lùi". Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng nghiêm túc nhận trách nhiệm về những yếu kém bất cập trong quản lý Nhà nước trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua.

Xuân Toàn  (lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.