Xin thưa với Bộ NN&PTNT rằng...
Không biết căn cứ vào đâu mà một vị Cục trưởng lại cho rằng số hổ nuôi nhốt ở Bình Dương là không có nguồn gốc rõ ràng, không có cơ sở hợp pháp? Chỉ có những con được ông Tân mua lại đầu tiên là đúng như thế, nhưng ông ấy đã báo cho Kiểm lâm Bình Dương lúc đầu rồi và đã được chấp thuận. Vậy thì sao lại cho là nuôi trái phép? Nếu ông Tân sai thì Bộ NN&PTNT là bên có lỗi đầu tiên! Xin thưa Bộ NN&PTNT rằng: chẳng phải Chi cục Kiểm lâm tỉnh BD đã có báo cáo gởi Cục Kiểm lâm từ tháng 6.2003 về tình hình nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn của tỉnh, trong đó có đề cập đến số hổ này? Sao lúc ấy Bộ không có ý kiến giải quyết? Vậy tại sao gần bốn năm sau lại có ý kiến? Giả sử, trong bốn năm đó, người ta làm gì với số hổ đó cho đến bây giờ không còn một con nào thì sao?
Cái cần "tịch thu" là các biện pháp phi đạo lý của những người vô cảm
Trước hết, tôi xin bày tỏ sự cảm phục sâu sắc về tài nghệ và tâm huyết của ông Ngô Duy Tân (ở Bình Dương) vì đã nuôi dưỡng và phát triển thành công đàn hổ như ngày hôm nay. Cá nhân tôi xem kết quả đó như một công lao tuyệt vời cho sự bảo tồn, phát triển loài hổ Đông Dương trước họa tuyệt chủng.
Tôi xin có hai nhận định chủ quan về ý kiến của ông Cục trưởng Kiểm lâm là: Nếu cho trường hợp nuôi hổ trên là bất hợp pháp, thì những quy định đó (nếu có) cần phải được xem lại vì nó không xuất phát từ cuộc sống và phục vụ cho yêu cầu cuộc sống. Nếu Cục Kiểm lâm "làm hết trách nhiệm" xử lý sớm vụ nuôi hổ ở Bình Dương ngay từ khi mới bắt đầu nuôi thì có khả năng không còn con hổ nào sống sót đến ngày hôm nay để "bàn tính" nữa!
Tôi muốn bày tỏ sự bất bình trước những quy kết trái đạo lý trong trường hợp nói trên, vì những lý do sau:
1. Theo tôi, ông Ngô Duy Tân nuôi hổ không trái phép, bởi lẽ theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ quy định: Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
2. Ông Tân đã bỏ ra rất nhiều tiền của, công sức và kể cả tâm huyết để làm một việc có ý nghĩa và hiệu quả mà ít cá nhân, tổ chức nào trên thế giới làm được. Nếu phủ nhận, cản trở hoặc làm ngược lại điều đó sẽ trái với đạo lý cuộc sống - kể cả pháp luật (nếu có).
3. Kiểu "làm luật" theo cách "cứ vỗ béo rồi thịt" trong thời buổi văn minh hiện nay thật không phù hợp chút nào.
Do đó, tôi đề xuất với lãnh đạo có thẩm quyền trong vấn đề này hai kiến nghị như sau:
1. Không tịch thu đàn hổ đang nuôi ở Bình Dương. Cái cần "tịch thu" chính là những suy nghĩ và biện pháp phi đạo lý của những con người vô cảm với sự phát triển của thực tiễn cuộc sống. Đồng thời nên có chủ trương, biện pháp khuyến khích, giúp đỡ người nuôi bảo tồn và phát triển đàn hổ cực kỳ quý hiếm này.
2. Cho rà soát lại các quy định pháp luật xem có điều nào cấm đoán hay cản trở như trường hợp nuôi hổ ở Bình Dương không? Nếu có thì nên kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ. Vì luật như vậy (nếu có) không thể phục vụ cuộc sống tốt hơn được!
Võ Thành Thống
(Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ)
Tôi đề nghị tôn vinh ông Tân
1- Trước hết, tôi đề nghị Chính phủ tưởng thưởng và tôn vinh ông Tân một cách xứng đáng vì ông Tân là người có công.
2- Ông Tân không sử dụng một đồng nào từ ngân sách Nhà nước và đã thực hiện thành công mỹ mãn một công trình lớn bảo tồn và phát triển động vật hoang dã. Trong khi đó, toàn ngành kiểm lâm trong suốt hơn 30 năm qua chưa làm được.
3- Nay quy kết ông Tân là phạm pháp và đề nghị tịch thu đàn hổ. Kiểu ứng xử này của cơ quan Nhà nước đối với công dân là hoàn toàn không đúng với tinh thần cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ đang triển khai trên cả nước. Tôi nghĩ các quan chức hữu trách nên đọc kỹ tác phẩm Sửa đổi lối làm việc mà Bác đã biên soạn trong kháng chiến chống Pháp.
4- Nếu cho rằng ông Tân phạm pháp thì tôi đề nghị Chính phủ phải kỷ luật trước hết người đứng đầu ngành kiểm lâm vì đã biết hành vi phạm pháp đang xảy ra và không làm bất cứ việc gì để ngăn chặn khiến hành vi phạm pháp kéo dài trong nhiều năm liền.
5- Nếu tịch thu đàn hổ của ông Tân thì ông Cục trưởng Kiểm lâm có dám cam kết với Đảng và Chính phủ rằng ông sẽ chịu mọi hình thức kỷ luật thích đáng nhất nếu đàn hổ không được nuôi dưỡng, bảo tồn và phát triển bằng hoặc tốt hơn những thành quả mà ông Tân đã làm?
6- Quốc hội đang họp. Cử tri đang gửi gắm niềm tin. Tiếc rằng trước sự việc đang diễn ra công luận quan tâm nhưng chưa thấy chính kiến của các đại biểu Quốc hội - trước hết là của tỉnh Bình Dương - được phản ánh trên báo chí?
Nguyễn Minh
(Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Người đưa ra đề nghị tịch thu nên về hưu sớm!
Tôi đọc xong bài Bộ NN&PTNT trình Chính phủ đòi tịch thu đàn hổ, tôi thấy người đưa ra đề nghị này nên về hưu sớm cho rồi. Nếu anh muốn làm một lãnh đạo tốt thì trước hết anh hãy là một công dân tốt, sống với dân, hiểu dân mà đằng này ông ta (Bộ NN&PTNT) không tìm hiểu ngọn ngành của sự việc mà đòi tịch thu này, tịch thu nọ. Có anh gì đó nói cũng hay lắm là hình như mấy anh nuôi hổ quên "thăm hỏi"... Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ nên cân nhắc kỹ trước các quyết định của mình nếu không muốn làm phật lòng và mất lòng tin nơi dân chúng cả nước.
Thien Phat (fptmo...@fptmobile.com.vn)
Hay là các ông ghen tỵ...
Thử hỏi các ông ở Bộ NN&PTNT đã làm được gì để bảo vệ những động vật quý hiếm có nguy cơ diệt chủng trước các tay thợ săn trên khắp các cánh rừng? Đáng ra, một người có công nuôi và phát triển đàn hổ quý thì phải khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để đàn hổ ngày một đông thì các ông lại viện dẫn các văn bản pháp luật để đòi tịch thu đàn hổ. Mà việc nuôi hổ của người ta không trái với các quy định hiện hành. Hay vì các ông ghen tỵ, thấy người ta làm được mà mình không làm được nên muốn đạp đổ?
Hãy thương những con hổ!
Mấy hôm nay tôi liên tiếp đọc nhiều bài đăng trên các báo khác nhau về số phận đàn hổ nuôi. Khổ thân các con hổ quá vì khi còn nhỏ thì đau ốm và yếu đuối, đến lúc tưởng như đã được sung sướng khi các ân nhân đưa tay cứu giúp nhưng than ôi!!! Cuộc sống còn đầy rẫy những người khi khó khăn chẳng thấy đâu mà lúc sung sướng và vui vẻ thì có mặt ngay. Hổ ơi ! Khi được thả về rừng thì không biết bao nhiêu họng súng săn đang nhắm vào chúng chứ chưa nói đến việc làm quen lại với cuộc sống hoang dã.
Hy vọng với phản ứng của dư luận thì các vị quan chức sẽ để cho hổ có thể sống yên bình và thoát khỏi cảnh bị nấu cao khi bị thả về rừng với cái chết được báo trước. Mong lắm thay...
Bình luận (0)