Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhà xây không phép, xử lý án chậm có trách nhiệm của Chính phủ

01/04/2007 00:22 GMT+7

** Các bộ trưởng thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Quốc hội Hôm qua (31.3), trong một ngày làm việc khá căng thẳng nhưng cũng rất sôi nổi, Quốc hội (QH) đã thực hiện chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về nhiều vấn đề khá thời sự và gai góc. Kết thúc 2 ngày chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng.

Trong bài phát biểu kết thúc 2 ngày chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng điểm lại 6 vấn đề lớn, đó là quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý nhà công và chương trình phát triển nhà xã hội, tiến độ của các công trình trọng điểm quốc gia, tình trạng tràn dầu gây ô nhiễm môi trường, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giá đất.

Tình trạng xây nhà không phép, trái phép còn phổ biến. Theo Thủ tướng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng trong đó có nguyên nhân từ sự bất cập, yếu kém về quản lý nhà nước. Sự yếu kém về quản lý nhà nước thể hiện ở các mặt thể chế pháp luật, công tác quy hoạch, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức quản lý lĩnh vực này còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Thể chế pháp luật chúng ta đã có bước tiến trong xây dựng pháp luật, đã ban hành nhiều nghị định nhưng cho đến hôm nay chúng tôi vẫn thấy còn chưa cụ thể, chưa bao quát hết, nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế". Thủ tướng thẳng thắn: "Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm trước QH là còn yếu kém trong lĩnh vực quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị". Trước sự cố tràn dầu gây ô nhiễm môi trường, Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời. Hiện tại Bộ Ngoại giao đang phối hợp với tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực tìm kiếm nguyên nhân của tình trạng trên để có biện pháp khắc phục triệt để.

Về tiến độ các công trình xây dựng trọng điểm quốc gia, Thủ tướng khẳng định: "Công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các bộ ngành đang phấn đấu lấy lại tiến độ, đưa nhà máy vận hành vào năm 2009, đúng như Nghị quyết của QH. Công trình thủy điện Sơn La sẽ phát điện tổ máy số 1 vào năm 2010, sớm hơn Nghị quyết của QH 2 năm". Theo Thủ tướng, hiện tại 8 vụ án trọng điểm đã xét xử 2 vụ, các vụ còn lại cơ bản đã hoàn thành xong giai đoạn điều tra, chuyển sang giai đoạn truy tố xét xử. Thủ tướng nói: "Tuy có cố gắng nhưng chúng tôi cũng nghiêm túc kiểm điểm trước QH là còn chậm".

Thủ tướng cho biết, các vụ án đều phức tạp, đều khó nhưng có một điều quyết tâm và khẳng định của Đảng và của Nhà nước, Chính phủ là tất cả các vụ án trọng điểm này cũng như các vụ khác liên quan đến tham nhũng được xét xử công khai, đúng pháp luật. Thủ tướng khẳng định: "Các cơ quan pháp luật không thể điều tra, xét xử một vụ án theo dư luận được. Báo chí đưa tin nhiều điều rất đúng nhưng cũng có không ít điều không đúng cho nên không thể đòi hỏi cơ quan pháp luật phải xử đúng như các cơ quan báo chí đã nêu". Chính phủ hoan nghênh báo chí cũng như đồng bào cả nước, ai có phát hiện, ai có chứng cứ liên quan đến tiêu cực.

Thủ tướng khẳng định: "Sự nghiệp đấu tranh phòng chống tham nhũng không chỉ là ban chỉ đạo, sự nghiệp này phải là sự nghiệp của toàn hệ thống chính trị, của toàn Đảng, của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, của các cấp ủy đảng. Mỗi đảng viên, mỗi đảng bộ phải có trách nhiệm trong sự nghiệp này. Chừng nào mà đảng bộ cơ sở, đảng bộ tại chỗ, cấp ủy tại chỗ, người đứng đầu đơn vị, cơ quan không tự mình đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí thì chừng đó sự nghiệp này chưa thành công".

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: "Đồng ý là phải rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng"

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đặt câu hỏi: "Bộ trưởng nói, tình trạng không có phép xây dựng còn chiếm tỷ trọng cao thì cao là bao nhiêu phần trăm và vì sao mới chỉ có tổng hợp 52 tỉnh thành có báo cáo? Ngoài nguyên nhân như ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của các chủ đầu tư, quy hoạch chi tiết 1/500 còn thiếu, thì còn có nguyên nhân nhũng nhiễu tiêu cực của một bộ phận cán bộ không?".

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: "Việc chấp hành quy định về cấp phép xây dựng có cải thiện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân ảnh: N.Đình Toán

Thể hiện qua số giấy phép xây dựng được cấp của năm 2006 đã tăng lên so với năm 2005 là 7%, số công trình không có giấy phép giảm khoảng 5% so với năm 2005.  Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm vẫn còn nhiều. Như TP Hồ Chí Minh trong năm 2006 có 11.800 trường hợp vi phạm sai phép, không phép. Còn có những vi phạm khác nữa, về vụ việc vi phạm thì còn nhiều hơn, hoặc là ở Hà Nội có tiến bộ như vậy, tức là số công trình có phép nhiều lên, mỗi năm một nhiều lên, sự vi phạm giảm xuống, nhưng vẫn còn, ví dụ năm 2005: 5.400 vụ, năm 2006: 4.400 vụ phải lập biên bản thì việc ấy còn bức xúc rất nhiều". "Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm là rất lớn, phải có biện pháp để chấn chỉnh", Bộ trưởng Xây dựng nhận xét.

Theo Bộ trưởng Đỗ Hồng Quân: "Có tình trạng chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật. Khi đi xin phép thì mang bản vẽ 5 tầng nhưng đến khi thực hiện lại dùng bản vẽ 10 tầng. Như vậy là cố tình lừa chính quyền rồi. Họ cứ hứa rồi về vẫn làm, ban đêm, chủ nhật lại làm". Chỉ ra vi phạm của chủ đầu tư công trình nhà cao tầng số 4 Đặng Dung (Hà Nội), ông nói: "Khi tôi hỏi thì chủ đầu tư nói là vì họ xin phép xây cao mà không được trong khi khách sạn Sofitel bên cạnh lại xây cao".

Ông nhấn mạnh: "Tôi chia sẻ với đại biểu về tình trạng nhà sai phép. Dứt khoát phải xử lý nghiêm. Mức phạt cao nhất hiện nay chỉ là  70 triệu đồng, chủ đầu tư họ chẳng sợ gì cả. Nhưng trong Luật Xây dựng, thì công trình phải khắc phục tình trạng ban đầu, bồi thường thiệt hại do lỗi của anh gây ra". Theo ông: "Cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật, công trình nếu không phá dỡ ngay thì mai sau vẫn phải đập, gây lãng phí cho Nhà nước". Nhưng ông thừa nhận có tình trạng cán bộ tiêu cực. "Người dân thấy khó khăn ở khâu nào thì nhất định khâu đó có tiêu cực. Chúng ta nên công khai tất cả các khâu để dân giám sát, khi phát hiện tiêu cực, người quản lý trực tiếp phải có thái độ".

ĐB Trương Hữu Chí (Đồng Nai) tỏ vẻ bức xúc: "Rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống còn một tháng đã là cố gắng. Nhưng thực ra một tháng đó hiện nay cũng thành nhiều tháng, mà một tháng mới trả lời, trả lời dăm ba chữ về sửa lại thêm một tháng nữa, rất nhiều đơn vị của chúng tôi 2-3 năm không xin nổi phép xây dựng, quá phức tạp. Tôi đề nghị rút ngắn còn lại thời gian trả lời còn 1 tuần thôi. Một tuần là đủ". Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: "Hiện nay, nhiều tỉnh thành tự đề ra thêm văn bản, do đó thời gian chủ đầu tư xin giấy phép bị kéo dài. Có nơi đưa ra 3-5 loại giấy tờ, thậm chí có tỉnh yêu cầu tới 9 loại văn bản thỏa thuận thiết kế, điện, giao thông... Chúng tôi đã có chỉ đạo các Sở Xây dựng giảm giấy tờ, phải rút ngắn thời gian cho người dân. Tôi đồng tình với ĐB là phải rút ngắn thời gian (cấp phép xây dựng) sao cho thuận tiện cho người dân mà vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý".

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực: "Sau ngày 31.6.2007, còn quy hoạch treo ở đâu, hãy gọi điện cho tôi"

ĐB Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) chất vấn: "Tình trạng ô nhiễm môi trường do dầu ở ven biển một số tỉnh ở nước ta đã diễn ra nhiều tháng nay gây những hậu quả nghiêm trọng. Bộ đã chỉ đạo áp dụng biện pháp gì để phát hiện nơi phát sinh ? Vì sao đến nay vẫn chưa phát hiện được?". Bộ trưởng Mai Ái Trực: "Chúng tôi đã cùng các địa phương hướng dẫn, thu gom để xử lý. Hiện đã thu gom 1.312 tấn cặn dầu. Còn về nguyên nhân, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm điều tra, xác định nguyên nhân tràn dầu cho Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ có trách nhiệm phân tích mẫu dầu cung cấp cho Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn...".

Ông Trực nói, "tìm kiếm nguyên nhân là vấn đề khó khăn nhất. Sự cố tràn dầu từ các tàu thì đã khẳng định là không có". Theo Bộ trưởng, có rất nhiều khó khăn trong quá trình xác định nguyên nhân như: thiếu thông tin, phương tiện kỹ thuật, ảnh chụp từ vệ tinh viễn thám bị ảnh hưởng bởi thời tiết (mây che), sự kết hợp với các tổ chức có chức trách trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam chưa tham gia mạng quan trắc trái đất toàn cầu, nên chưa có được những thông tin này. Cuối năm 2007 Bộ sẽ đưa dự án, tham gia mạng quan trắc, trao đổi thông tin, lắp đặt hệ thống ra-đa ven biển, không chỉ viễn thám.

Về việc xác định thiệt hại của vụ ô nhiễm tràn dầu, Bộ trưởng Mai Ái Trực thẳng thắn: "Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng tôi chịu trách nhiệm chính. Hiện nay, các cán bộ của Bộ đang tính toán thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra bao gồm cả lượng tài chính cần để giải quyết ảnh hưởng sinh thái, du lịch, xử lý ô nhiễm... và sẽ có số liệu sau".


Bộ trưởng Mai Ái Trực

Cũng theo ông Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường thì phải bồi thường và việc này chưa được bồi thường đầy đủ. Tuy nhiên, với sự cố tràn dầu: sẽ có bồi thường. "Sau khi xác định rõ nguồn gốc sự cố tràn dầu thì sẽ bắt bồi thường. Nếu nguyên nhân sự cố tràn dầu do nước ngoài gây ra, Việt Nam sẽ kiện để yêu cầu bồi thường", ông nói.

Trả lời một số ý kiến chất vấn của ĐBQH về vấn đề quy hoạch treo, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng, mặc dù Bộ đã triển khai nhiều đoàn kiểm tra, yêu cầu các tỉnh báo cáo và xử lý vấn đề quy hoạch treo nhưng tình trạng này, theo ông rất phổ biến. Ông nói: "Các quy hoạch, dự án treo sẽ được phân loại và xử lý theo 4 hướng: Đối với các quy hoạch treo, có thể thực hiện sớm, cần tập trung xử lý. Đối với các quy hoạch treo xét cần, nhưng chưa có khả năng thực hiện được, thì điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án và thông báo rộng rãi cho dân biết. Đối với dự án, quy hoạch cần thiết nhưng chưa hợp lý, cần điều chỉnh thời gian, quy mô và thông báo rộng rãi trong nhân dân.

Đối với dự án bất hợp lý, không thích hợp, cần hủy bỏ ngay phần treo. Sau ngày 30.6.2007, nếu địa phương nào còn tình trạng treo, để người dân kêu ca, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm. Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng có thái độ với Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó". Như đã chuẩn bị trước, Bộ trưởng Mai Ái Trực tuyên bố: "Sau ngày 30.6, nếu địa phương nào, đơn vị nào còn quy hoạch treo, dự án treo, người dân hãy gọi cho tôi vào số máy di động đã công bố trên báo chí hoặc các số cố định 04.7734941; 04.7734942 và 04.7734943. Bộ sẽ có biện pháp xử lý".

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Phải có giải pháp để thị trường chứng khoán phát triển an toàn, lành mạnh"

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã nhận được 12 ý kiến chất vấn của ĐBQH. Đi thẳng vào vấn đề đang được dư luận quan tâm, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đặt câu hỏi: "Thị trường chứng khoán đang phát triển quá nóng, Bộ trưởng có biện pháp gì để thị trường phát triển nhanh, bền vững?", Bộ trưởng thừa nhận: "Thị trường tiềm


Bộ trưởng Vũ Văn Ninh

ẩn những rủi ro cũng có, vì giá chứng khoán tăng quá nhanh, chỉ số giá trên lợi nhuận của nhiều công ty cao, mất cân đối cung cầu, nguồn vốn trong nước đưa vào đầu tư chứng khoán lớn"...

Theo Bộ trưởng, trong lúc nguồn vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài vào thị trường khá lớn, thị trường tự do phát triển mạnh, nếu quản lý không tốt, giá sẽ xuống nhanh, nhà đầu tư bị thiệt hại. Không những thế, nền kinh tế và xã hội cũng bị tác động. Ông Ninh khẳng định: "Tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán nhưng cần có sự quản lý của Nhà nước. Phải có giải pháp để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh". Bộ trưởng cho biết: "Sẽ tăng cường chất lượng cả cung và cầu của thị trường chứng khoán, tái cơ cấu lại thị trường, phát triển thị trường có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức trung gian và sự giám sát của các cơ quan nhà nước"...

Bộ Tài chính đã quyết định rút ngắn thời gian buộc các công ty phải đăng ký công ty đại chúng, từ 1 năm xuống còn 6 tháng. Theo đó, đến hết tháng 6.2007 công ty nào không đăng ký sẽ bị phạt.

ĐB Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) nêu vấn đề: "Tình hình khiếu kiện của những người bị thu hồi đất có chiều hướng ngày càng gay gắt, vì họ cho rằng đền bù chưa thỏa đáng. Giá trị sử dụng đất tăng rất nhanh sau khi chuyển đổi, mức chênh lệch này rơi vào túi các cá nhân, Bộ trưởng có nắm được?". Bộ trưởng nói: "Ngay từ quyết định của nhà nước đã tạo ra sự chênh lệch về địa tô. Luật đất đai có nội dung rất quan trọng, các dự án này đều phải đấu thầu, đấu giá".

Bộ trưởng khẳng định: "Không còn chênh lệch về địa tô rơi vào túi các cá nhân, thu vào được cho Nhà nước phần thu rất lớn". Ông Ninh cho biết, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ sửa đổi khung giá đối với một số loại đất, đất trồng cây lâu năm, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn tăng khoảng từ 3 đến 5 lần đối với đất ở nông thôn, các loại đất khác tăng khoảng 1 lần hoặc hơn 1 lần.

Xuân Toàn - Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.