Chỉ là "cá nhi đồng"
Ông Dũng nói qua điện thoại rằng phải đi họp xa, không thể tiếp, nhưng chúng tôi cứ "ập" tới Công viên nước Đại Dương, nơi được coi là "tổng hành dinh" của ông tại đường Nguyễn Thị Thập, Q.7, và chờ ở phòng khách. Cuối cùng, sau bữa ăn trưa với gia đình, ông Dũng cũng phải bước ra "nói chuyện cá" và đưa chúng tôi đi xem.
Tại một khu hồ kiếng dài hơn chục mét có tên gọi "Động hải tượng", hai con cá khổng lồ cứ lượn qua lượn lại như muốn trình diễn sự oai vệ của nó trước những ánh mắt tò mò. Ông Dũng nói hải tượng có tên khoa học là Arapaim Gigas, là loại cá nước ngọt, không có răng, sống đến 60 năm mới chịu chết già. Khi ấy chiều dài có thể đạt đến tối đa là 7 mét, cân nặng khoảng nửa tấn. Hai con hải tượng ông nuôi tại "động" này hiện nay trọng lượng và chiều dài gần tương tương nhau, mỗi con nặng hơn 100 kg, dài khoảng 2,8 mét. Tuy chỉ mới 7 tuổi, so với "đời cá" 60 năm thì chỉ đáng là cá "nhi đồng", nhưng hai "nhi đồng" ấy giờ đây mỗi ngày cũng ngốn của ông Dũng hết 5 kg cá. Nói về "sự ăn" này, ông Dũng bảo: "Tất tần tật, cá sống cá chết gì, nếu đớp vừa miệng là nó xơi, chẳng chê". Hỏi rằng ngoài cá con ra, hải tượng còn ăn gì khác không, ví dụ như chuột, rắn, ếch... thì ông Dũng lắc đầu, bảo "không biết, vì chưa bao giờ cho ăn".
Cá hải tượng tại "động hải tượng" của Công ty Hải Thanh (ảnh: D.Đ.M) |
Tại khu thủy cung Đầm Sen (Q.11), động hải tượng của ông Dũng cũng nhốt 5 con, ngoài ra còn nuôi "dự trữ" thêm 7 con ở hồ rộng, không có kiếng. Tại thủy cung Suối Tiên (Q.9), "quỹ" hải tượng của ông Dũng cũng còn tới 4 con trong động dành cho khách tham quan chiêm ngưỡng và 2 con dự trữ. Ông Dũng nói mấy năm trước, do sự cố nên ông phải đem về nhà hàng Đại Dương giết hai con, một con nặng 90 kg, con kia nặng 120 kg. Và ông bảo rằng "chưa có thịt con gì dở như cá hải tượng, ăn nhạt nhẽo còn thua cả thịt cá tra".
Cá khổng lồ "chui qua lỗ kim"?
Ngay từ sáng sớm qua, chúng tôi đã đặt lên bàn ông Chủ tịch Hội cá cảnh TP.HCM Nguyễn Văn Lãng những câu hỏi liên quan đến hải tượng. Ông Lãng cho biết, vì "sự khổng lồ" của mình, từ lâu hải tượng đã được thế giới đưa vào sách đỏ, những người mua bán chỉ được phép "đụng" đến đời thứ hai của nó. Còn yếu tố "độc", thì hải tượng là loại cá hiền, chẳng làm gì đến ai. "Nguy hiểm số 1 trên hành tinh là con cá bảy màu, vì chúng sinh sản rất nhanh và đụng thứ gì cũng đớp, vậy mà có người còn đề nghị thả ra sông để diệt lăng quăng, chống muỗi, tôi không hiểu nổi" - ông Lãng bức xúc.
Sau khi Thanh Niên đăng tải thông tin về con cá hải tượng khổng lồ bắt được ở Q.2 (TP.HCM), ngày 2.4, đại diện quán cà phê Sài Gòn Phố ở địa chỉ 125 Trần Quốc Thảo Q.3 (TP.HCM) đã xác nhận đó là con cá kiểng của quán, được chủ quán phóng sinh cách đây hơn 1 tháng do con cá này chiếm quá nhiều không gian trong hồ. Cũng trong ngày hôm qua, con cá hải tượng trên cũng đã được một nghệ nhân ở Q.2 mua lại với giá 40 triệu đồng. Q.Thuần
Tại TP.HCM, nhiều người nói rằng hải tượng bị cấm nhập khẩu từ năm 1975, nhưng theo ông Lãng, chưa thấy có văn bản nào cấm và... cũng chưa có văn bản nào cho phép nhập. Bởi vậy nên thực tế, hải tượng con vẫn có đầy ở các chợ cá cảnh khu vực Chợ Lớn và Nguyễn Thông (khu vực Sài Gòn). Và hiện nay với chiều dài chừng 12 - 14 cm, mỗi con được bán giá 900 ngàn đồng. Là một người nổi tiếng "chơi cá số 1 Sài Gòn", trước đây ông Lãng cũng mua một chú hải tượng dài chừng 20 cm về nuôi. Và theo ông kể thì "nuôi một thời gian nó lớn chật lồng kiếng nên tôi bán". Theo ông, "phong trào nuôi hải tượng" ở Sài Gòn hiện nay không chỉ có Công ty Hải Thanh của ông Lê Hữu Dũng, mà ở Hóc Môn, Trại cá Ưu Mỹ cũng có nuôi, rồi một nhà hàng ở Q.8 cũng có.
Trở lại với ông Lê Hữu Dũng, trưa hôm qua, ngoài cánh báo chí, chúng tôi còn chứng kiến ông phải tiếp đoàn công tác khoảng 6 - 7 người của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM đến tìm hiểu chung về... "đời tư" của những chú hải tượng. Câu hỏi liệu có "đại gia" nào đó đã bỏ tiền ra mua một chú hải tượng khổng lồ rồi đưa ra sông Sài Gòn phóng sinh đúng như lời đồn hiện nay hay không, cũng đã được chúng tôi nêu ra nhưng ông Dũng chỉ cười, bảo "làm sao mà biết được". Ông Dũng không có gì lo ngại khi nhiều người biết "động" hải tượng của ông. Thậm chí, có thể ông cũng vui vì nhờ sự kiện này mà các thủy cung và công viên nước của ông càng trở nên hút khách. Tuy nhiên, "có vẻ" như các cơ quan chức năng của thành phố đã vào cuộc, vì thấy hải tượng đã vượt ra khỏi lồng kiếng và có mặt trên sông Sài Gòn.
Chẳng biết rồi đây, số phận những chú hải tượng khổng lồ còn lại trong lồng kính có long đong như những chú cọp ở Bình Dương hay không nữa?
Võ Khối
Bình luận (0)