Với những người làm việc cả ban đêm hay làm những công việc thường xuyên di chuyển... thì việc học tập trung như thế càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin thì những khó khăn đó nhanh chóng được giải quyết.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nga (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Mình hiện công tác tại một công ty về công nghệ thông tin tại Bình Dương, công việc tuy nhẹ nhàng nhưng phải đi công tác liên tục nên không có thời gian đến các trung tâm ngoại ngữ ban đêm. Trong một lần lướt web, biết được Trung tâm CCE - Đại học Đà Nẵng đang đào tạo qua mạng lớp Cử nhân tiếng Anh ngành biên dịch, mừng như bắt được vàng, thế là mình đăng ký ngay, đến nay sau hơn 1 năm theo học, trình độ Anh ngữ của mình đã được nâng cao rất nhiều, đủ tự tin để giao tiếp với sếp và các cộng sự người nước ngoài.
Anh Nguyễn Văn Thái (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) làm nghề lài xe du lịch tuyến Hội An-Đà Nẵng-Huế, cũng là học viên khóa đầu tiên của chương trình đào tạo qua mạng ngành tiếng Anh của Đại học Đà Nẵng cho biết: “Trước đây mỗi khi đưa khách đến địa điểm du lịch, tôi có quá nhiều thời gian rảnh, thường thì ngồi cafe nghe nhạc để giết thời gian. Năm rồi, nhờ sự giới thiệu của một người bạn, tôi tự sắm cho mình chiếc laptop loại second hand và đăng ký học Anh văn chương trình đào tạo qua mạng của Đại Học Đà Nẵng, những lúc rảnh rỗi chờ khách đi du lịch, tôi vào cafe wifi truy cập internet và học. Sau hơn 1 năm theo học, nay tôi có thể tự tin để giao tiếp với khách du lịch nước ngoai, có thể làm theo yêu cầu của khách mà không cần đến phiên dịch.
Thạc sĩ Lê Dũng - Phó giám đốc CCE - Đại học Đà Nẵng cho biết: “Từ khi Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép các trường ĐH đào tạo qua mạng, là một ĐH lớn trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc. Với trang thiết bị hiện có và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, trước mắc, Trung tâm CCE của chúng tôi sẽ đào tạo một số chuyên ngành và chứng chỉ tiếng Anh như cử nhân biên dịch, Biên soạn thư tín hợp đồng thương mại, tiếng Anh dành cho doanh nghiệp... Trong năm qua, chúng tôi đã thu hút hàng trăm sinh viên trên mọi miền đất nước theo học. Những năm tới, Đại học Đà Nẵng sẽ mở thêm nhiều ngành học mới qua mạng đa dạng hơn như Luật, Quản trị kinh doanh... để phục vu nhu cầu học tập của đông đảo các học viên không những trong nước mà cả kiều bào ở nước ngoài.
Để theo học qua mạng, trước hết người học phải có một chút kiến thức về máy tính và internet. Sau khi đăng ký học, học viên và sẽ được cung cấp 1 mật khẩu đề truy cập mỗi khi lên học. Học phí rẽ hơn nhiều so với học tập trung là một điều kiện khá thú vị để thu hút học viên. Khác với cách dạy và học tập trung trên lớp, tất cả việc học đều qua internet, học viên không phải mất công đến giảng đường và có thể học bất kỳ giờ nào trong ngày. Để tiếp cận với bài học, học viên truy cập vào trang web của chương trình, sau đó nhập mật khẩu vào, chọn môn học. Nơi đó sẽ có nội dung bài giảng (băng video clip và cả bài giảng bằng file viết) để học viên nghiên cứu.
Ngoài giảng viên đứng lớp, còn có giảng viên hướng dẫn (faculty mentor) làm nhiệm vụ theo dõi sự tiến triển của môn học và thực hiện công tác giáo vụ (hỗ trợ giảng viên đứng lớp về kỹ thuật, nhận bài, kiểm tra và lưu trữ các số liệu, giải đáp thắc mắc về giáo vụ...). Ngoài ra, các kỹ thuật viên về đường truyền, đồ họa, lưu trữ dữ liệu, quay phim, thiết kế và sản xuất CD-ROM là những người giúp đưa bài giảng đến với SV một cách nhanh nhất. Điều đặc biệt là tại trường luôn có người hướng dẫn online liên tục 24/24 giờ để giải đáp các thắc mắc của học viên trong quá trình học tập. Các học viên có thể online cùng nhau để bàn luận về một đề tài (topic) liên quan đến môn học và trao đổi kinh nghiệm học tập trong những lúc rảnh rỗi ngoài giờ làm việc của mình.
Có lẽ nhờ những ưu điểm nổi trội như vậy của việc học qua mạng nên cho đến nay, chỉ sau hơn 2 năm thành lập, Trung tâm đào tạo thường xuyên thuộc đại học Đà Nẵng (gọi tắt là CCE) đã tiến hành khai giảng được 2 khóa đào tạo qua mạng ngành biên dịch tiếng Anh, thu hút gần 1000 học viên. Thạc sĩ Lê Dũng cho biết thêm: “Chung tôi rất hy vọng vào mô hình đào tạo hiện đại này. Chắc chắn trong tương lai, việc học qua mạng dành cho những ai không có điều kiện đến lớp sẽ được nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ biết đến nhiều hơn và sẽ tham gia học tập nhiều hơn, nâng cao kiến thức để mau chóng hòa nhập cùng cuộc sống ngày một đi lên của xã hội Việt Nam chúng ta. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của những người làm công tác giáo dục như chúng tôi!”.
Thanh Đông
Bình luận (0)