Việt kiều Thái Lan với Tết Songkran trên đất Thái

13/04/2007 14:15 GMT+7

Giữa trưa, mọi người ùn ùn đổ ra đường trình diễn màn... tạt nước. Ai ai cũng thủ sẵn mấy chai nước, có nhiều thanh thiếu niên mang theo cả một... xô. Đi trên đường, bất kể là ai, lạ hay quen, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo... nếu thích thì bạn có thể tạt nước vào người ta thoải mái... Ấy là Tết Songkran - Lễ Tạt nước ở Thái Lan.

Trước thềm Tết Songkran của Thái Lan, tôi liên lạc với Soonthorn Khaosabai - chàng sinh viên Thái gốc Việt sinh năm 1962 tại Mukdahan, có tên Việt là Đào Xuân Thái. Anh đang là sinh viên cao học chuyên ngành tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Mahasarakham, tỉnh Mahasarakham cách Bangkok 470 km. Năm 2003, anh học tiếng Việt gần một năm ở  Đại học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và từng là phiên dịch cho Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan hồi SEA Games 22. Soonthorn Khaosabai - Đào Xuân Thái cho biết, mấy ngày qua ở Thái, mọi người vệ sinh nhà cửa, văn phòng, đền miếu và những điểm sinh hoạt công cộng để tống cựu nghinh tân, giũ sạch mọi muộn phiền, xui xẻo của năm cũ để bước vào năm mới.

Ở một quốc gia có đến 95% người theo đạo Phật, nhà nhà ai cũng đi chùa, cúng Phật, nghe thuyết pháp. Trong gia đình, mọi thành viên sum họp, bày tỏ lòng kính trọng đối với người lớn tuổi bằng cách chấm vài giọt nước vào lòng bàn tay của ông bà, cha mẹ. Các cụ sẽ chúc lại con cháu những điều tốt đẹp trong năm mới. E-mail của anh viết: “Tết té nước là tết truyền thống của Thái Lan. Trong 3 ngày, ngày 14.4 được chọn làm Ngày Gia đình Quốc gia. Trong ngày này, mọi người mong được về thăm quê gặp bố mẹ, vợ chồng, con cái. Các bạn ở lớp tôi nay đã về quê hết rồi. Gia đình tôi ở huyện Lamlukha, tỉnh Pathumthani, cách trung tâm Bangkok 40km. Tết năm nay gia đình tôi có kế hoạch đi lễ chùa ngày 13.4 rồi đưa hai đứa con trai và gái đến thăm, chúc phúc ông bà. Riêng ở Bangkok nhiều du khách nước ngoài rất thích thú khi tham gia tạt nước, có người còn lấy bột phấn bôi lên mặt để được tạt”.

Hội tạt nước ở Thái Lan - Ảnh KayEss/ Wikimedia

Với ông Thavorn Nguyen Van, 60 tuổi, giám đốc Thai- Viet Tour ở Mukdahan, Tết Tạt nước đối với cộng đồng người Việt nơi ông ở không quan trọng bằng Tết Nguyên đán của Việt Nam. Tuy nhiên đây cũng là dịp mọi người tỏ lòng hòa hiếu với cộng đồng người Thái. Họ chưng dọn bàn thờ ông bà tổ tiên, tỏ lòng ngưỡng vọng Đức Vua và Bác Hồ. E-mail mới nhất của ông viết: “Bà con Việt kiều ở Thái cũng hưởng ứng lễ năm mới suốt 3 ngày 13, 14 và 15.4. Theo quan niệm tâm linh trên đất nước đạo Phật là quốc giáo, đây là dịp để cầu nguyện mưa thuận gió hòa, cầu cho cuộc sống của người dân Thái được an bình. Còn Việt kiều tại đây chủ yếu ăn tết cổ truyền Việt Nam. Những ngày này, các con trong gia đình tôi cũng vui lễ hội tạt nước với bạn bè, riêng tôi thắp nhang bàn thờ Đức Vua và Bác Hồ, cầu cho mối giao hảo hai nước ngày càng bền chặt, người dân hai nước ngày càng gần lại nhau hơn...".

Soonthorn Khaosabai- Đào Xuân Thái, giữa, trong một lần đến thăm sứ quán Thái tại Hà Nội với các bạn sinh viên Thái -  Ảnh do Soonthorn cung cấp

Ông báo tin, vẫn thường xuyên theo dõi báo Thanh Niên điện tử, chính website này đã giúp ông và các con luyện tập, cập nhật tiếng Việt, đồng thời được biết nhiều tin tức mới nhất ở quê nhà.  Cộng đồng sinh viên AIT Việt Nam tại Thái cũng rộn ràng với lễ tạt nước. Cô sinh viên Hạnh Vũ cho biết, khi mới qua Thái, có bạn chưa quen lắm với kiểu ăn tết này nhưng nay thì trông đợi từng ngày. Nhiều người muốn về Việt Nam thăm gia đình nhưng do xa quá nên đến thăm gia đình bạn bè người Thái. Tuy nhiên, đa số sinh viên ở lại trường tham gia lễ hội. Đây là dịp được vui chơi, reo hò thỏa thích từ trong trường ra đường phố, bù cho suốt năm gần như yên ắng. Trên diễn đàn của AIT, xuất hiện nhiều thông tin về Tết tạt nước.

Du khách nước ngoài cũng tham gia tạt nước - Ảnh: AP

Giữa trưa, mọi người ùn ùn đổ ra đường trình diễn màn...tạt nước. Ai ai cũng thủ sẵn mấy chai nước, có nhiều thanh thiếu niên mang theo cả một... xô. Đi trên đường, bất kể là ai, lạ hay quen, đẹp hay xấu, giàu hay nghèo.... nếu thích thì bạn có thể tạt nước vào người ta thoải mái. Điều cấm kỵ trong 3 ngày này là bạn không được càu nhàu, nhăn nhó, hoặc nổi điên khi cả người bị ướt nhèm. Khi người ta tạt nước vào bạn, ấy là người ta muốn rửa sạch những điều rủi ro của năm cũ của bạn đấy. Đường phố tưng bừng, nhộn nhịp với cảnh nước bắn tung tóe hoà chung tiếng reo hò, la hét. Nhiều cảnh tượng diễn ra khó có thể chấp nhận được nếu như đó là một ngày bình thường. Chẳng hạn như đang ngồi trên xe bus, đột ngột có một xô nước tạt vào mặt bạn từ bên ngoài cửa sổ, bạn vẫn phải...cười. Đang ngồi trong xe hơi, có ai đó chạy song song , thình lình mở cửa xe của bạn và..."ào" - một gáo nước lạnh được dội thẳng vào bạn thì cũng không được nổi cáu mà phải hát vang bài Loy Kra Thong, ngợi ca nước”.

Vì đâu có ngày lễ này? Cộng đồng sinh viên AIT lý giải: do ở Thái Lan, vào khoảng đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5, thời tiết hanh khô, nóng bức rất khó chịu. Ở những vùng thôn quê, đất đai cằn cỗi, mùa màng thất bát. Vì thế mà nước tượng trưng cho sự sống của muôn người vạn vật. Từ đó cứ đến ngày 13.4 hằng năm, lễ tạt nước ra đời. Một thông tin hấp dẫn khác, trong Songkran Festival còn có cuộc thi Miss Songkran tại trung tâm mỗi thành phố. Ngày nay, tại Thái thành phố Chiangmai vẫn còn giữ những nghi thức đúng với truyền thống Songkran Festival nhất so với cả nước. Nhưng không chỉ Thái Lan mới có Lễ Tạt nước. Hình thức lễ hội này còn diễn ra ở Lào (gọi là Songkan), ở Campuchia, Myanmar (gọi là Thingyan), ở Srilanka và một số dân tộc khác như người Đại ở Yunnan, Trung Quốc.

Tuy nhiên, nước đang ngày càng hiếm. Mấy hôm ở Mukdahan, nhìn dòng Mê Kông trơ bờ bãi, đoàn caravan của Tân Hồng Travel Đà Nẵng hơi bị ngạc nhiên. Cũng có thể vì lý do này, gần đây báo chí Thái (bản tiếng Anh) cho biết, Chính phủ Thái đang xem xét có nên ra lệnh cấm tạt nước nữa hay không. Song do đây là truyền thống nên vấn đề này còn đang được nghiên cứu...

Đ.N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.