Voi nhà có tuổi thọ ngắn hơn voi rừng là điều tất nhiên, bởi ai cũng biết môi trường tự nhiên mới là hoàn hảo cho các loài động vật hoang dã. Nhưng đó hoàn toàn không phải là nguyên nhân chính dẫn đến điều đau lòng nói trên tại một vùng đất có truyền thống nuôi giữ voi lâu đời như Đắk Lắk. Vấn đề là con người và cách hành xử của con người. Thực tế voi chết nhiều là do bị cách ly ra khỏi những nơi thuần dưỡng thích hợp. Đơn cử chỉ riêng trường hợp voi nhà từ Đắk Lắk bán sang Lâm Đồng, từ năm 1995 đến nay đã lần lượt chết 11 con. Những con voi chết tại các khu du lịch thác Đăm B'Ri (1 con), hồ Tuyền Lâm (8 con) và Nam Qua (2 con) ở tỉnh Lâm Đồng đều vì không chịu được khí hậu lạnh có độ cao chênh lệch với Đắk Lắk hơn 1.000 mét. Thêm vào đó còn là nguyên nhân thiếu và lạ nguồn thức ăn. Cho voi ăn chuối mãi đâu phải là cách tạo sức sống bền bỉ của loại động vật vốn có tuổi thọ 90-100 năm khi sống trong rừng tự nhiên. Ngoài ra còn có các trường hợp bán voi sang biên giới để giết lấy ngà, đem voi đi "triển lãm" nhiều nơi... cũng là nguyên nhân dẫn đến sự suy kiệt nhanh chóng của đàn voi.
Một thông tin đáng mừng là sắp tới đây, ngày 20.4.2007, Sở Thương mại - Du lịch Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Sinh thái - Môi trường - Tài nguyên tổ chức Hội thảo Đề án Bảo tồn và phát triển đàn voi nhà tỉnh Đắk Lắk tại thành phố Buôn Ma Thuột. Hy vọng hội thảo sẽ đặt ra nhiều biện pháp thật khoa học và thật khẩn trương cứu đàn voi nhà trước nguy cơ đàn voi của tỉnh này (cũng là của cả nước) còn tiếp tục mất đi nhanh chóng. Các vấn đề như: bảo tồn phát triển rừng tự nhiên quanh đàn voi nhà, chế độ chăm sóc chu đáo, tăng trưởng sinh sản số lượng voi nhà... cũng là những điều cần đề cập và lập kế hoạch thực hiện khả thi. Trước mắt nên bớt tận dụng quá tải sức voi và chớ nên để đàn voi nhà bị bán đi các tỉnh thành khác không thích nghi với môi trường sống.
Đừng quên voi rừng thích sống bầy đàn và ở Việt Nam hiện nay chỉ còn khoảng 100-120 con!
N.H.T
Bình luận (0)