Một khi được nhập vào Nguyệt tiên cung, khách qua khỏi cửa sẽ có chuông reo báo hiệu cho người đảm trách phía trong bước ra mời vào phòng để chậm rãi nhấp một chén trà sâm chờ đợi. Hơi sâm vừa lan ấm, khách sẽ được mời qua phòng kế tiếp để ăn chén yến nấu với đường phèn. Hoặc đôi khi tẩm bổ bằng món bồ câu mới ra ràng chưng cách thủy với yến. Lát sau, một mỹ nữ người Hoa mời khách sang phòng tắm nước nóng, lau người sạch sẽ và thay bộ đồ ngủ nhẹ mỏng như các chỗ tắm hơi ngày nay. Ăn xong, tắm xong, khách có thể gặp gỡ Yvette Trà hay không là tùy duyên.
Ở Nguyệt tiên cung còn có phòng đánh bạc, chơi các thứ bài ăn thua lớn và con bạc thường không thiếu những người có máu mặt trên thương trường, cũng không loại trừ những công chức người Việt lẫn người Pháp giấu tên, cần bảo mật, nên những nơi ra vào đều đặt tín hiệu báo động để tránh bị bố ráp, lục xét bất ngờ. Nguyệt tiên cung được Yvette Trà mở sau những kinh nghiệm từng trải ở Đông Pháp lữ quán với dì Tư. Số là khi Đông Pháp lữ quán vắng khách, ế ẩm, Yvette Trà đang băn khoăn chưa biết xoay xở cách nào, thì bỗng gặp "quới nhơn" là ông triệu phú họ Lương người Hoa ở Chợ Lớn. Ông Lương muốn lấy Yvette Trà làm vợ nên sẵn sàng tung tiền, bỏ vốn cho Trà dẹp hẳn lữ quán, về xây động Nguyệt trên.
Những chi tiết về Nguyệt tiên cung được nhà báo Trần Tấn Quốc thuật trên tờ Tiếng Dội cách đây hơn nửa thế kỷ trong loạt bài về cô Ba Trà dài 70 kỳ vào giữa năm 1952. Ở đây, chỉ nhắc lại vài nét chính. Ông Quốc là người đầu tiên được cô Ba Trà đồng ý kể lại những bước thăng trầm của đời mình để đăng báo. Sau đó không lâu, Yvette Trà lại kể thêm cho người thứ hai là cụ Vương Hồng Sển nghe như đã đề cập ở các kỳ trước. Tới lượt cụ Vương cũng đã viết một thiên bút ký nhưng cất giữ hơn 35 năm sau mới đưa in vào tập Sài Gòn tả-pín-lù. Dưới đây là đoạn cụ Vương ghi lời của Yvette Trà nói về quãng đời chìm nổi của mình sau ngày Nguyệt tiên cung tạm đóng cửa cũng như nhân câu hỏi của cụ Vương về bùa yêu thuốc dấu trong làng chơi:
"Tôi tưởng anh là nhà văn, nhà khảo cổ phải khác hơn người thường, té ra anh còn mê tín và dị đoan quá chừng chừng! Có mặt ông kỹ sư Bảng đây, tôi nói cho hai người biết, nếu tôi muốn bỏ bùa mê cho anh Sển này, anh nhớ nhé, tôi chỉ cần đem hết can tràng ra mà đối đãi với anh, rồi tự nhiên lần lần anh cảm và bị tôi chinh phục ngay, chớ ngải với nghệ là cái quái gì, anh khéo hỏi! Mà nè, đừng nói lôi thôi lạc đề, ngải hay nghệ là như vầy. Người ta nói với tôi có ba thứ ngải. Thứ nhứt là ngải Thượng, ở trên cao nguyên, nuôi bằng gà sống, thả gà vô bụi ngải, một thời gian sau xem lại gà chỉ còn bộ xương khô, nhưng chỉ dùng để hại cho người chết, tôi ghê quá, không dám xài.
Thứ nhì là ngải núi Tà Lơn và vùng Xà Tón, nhưng chưa linh chưa hiệu nghiệm cho lắm, vì các thầy ở Bảy Núi và trên Nam Vang, tài nghệ chưa tinh thông. Thứ ba loại ngải hiệu nghiệm nhứt là ngải bên Xiêm do các thầy cao tay ấn luyện, người chuộc ngải phải nằm bảy ngày bảy đêm trần truồng cho thầy ướp phép, và người ấy phải một lòng tin tưởng và cữ kiêng nhiều bề: cữ ăn rau nặng mùi sẽ bán phai ngải, nhứt là củ tỏi và hành lá, cấm không đi dưới dây phơi quần áo vì uế khí sẽ làm cho ngải bay mất, tránh chun lòn dưới thang gác dưới lầu mà từng trên có đặt cầu tiêu, cầu tắm nhiều uế trược, phải giữ kín không nên cho nhiều người thấy, nhứt là phải giữ tinh khiết, chỗ nào dơ dáy phải tránh né, v.v...
Tôi (Ba Trà) lúc ấy manh giáp chẳng còn, anh mái chính ở mãi Chợ Lớn không ra thăm, nợ vây phủ tứ tung, Nguyệt tiên cung vắng khách, vắng hơn chùa bà Đanh, Chà sét ty than hết tiền không cho tôi vay nữa, các công tử lặn mất như sao trên trời đêm ba mươi qua mồng một, nằm gát tay lên trán, tôi bỗng nhớ lại cứu tinh là chị Hai tóc đỏ. Chỉ năm xưa khoe tài ngải bao nhiêu, nay tôi nhớ mà thương chỉ bấy nhiêu, nhưng nghe đâu chỉ có chồng bên Xiêm thì tôi phải qua bên ấy (để trốn nợ và để) níu lưng chỉ mà cầu cứu... Nhưng rủi cho tôi là lúc ấy quân sư sắp đặt cuộc viễn du của tôi dở tệ (...), bao nhiêu việc làm nghe trôi chảy, mà trong việc sắp đặt cho tôi qua Xiêm lại quên không biết xin trước giấy thông hành (nên bị người Xiêm làm khó dễ và bắt giữ). Xe vừa bị lính Xiêm giải giao lãnh sự Pháp ở Bangkok, thì bỗng nhiên có cứu tinh xuất hiện.
Hoa khôi Nguyễn Thị Tú
Đó là một thanh niên Bắc Việt độ tuổi ngoài ba mươi, nhưng lịch duyệt bặt thiệp và đa tình ra phết: là Đỗ H. - Trà gặp H. như buồn ngủ gặp chiếu manh, H. niệm tình người đồng hương, H. niềm nở tử tế chẳng những giúp tôi khỏi bị giải về bản xứ vì xuất ngoại không giấy tờ, H. sẵn biết cô Hai tóc đỏ mà H. có quen trước, thiệt là một buổi "tha hương ngộ cố tri" đáng đích! Nói chí tình, cô Hai tóc đỏ đối xử với tôi thật là ngọt. Trong buổi đầu đất lạ quê người, cô đã giúp tôi gặp vị sư tổ hay nhứt của châu thành Bangkok (...) Ông đầu phòng tòa lãnh sự Pháp - ông Đỗ H. tuy mới quen, chưa có chi gọi là "biết nhau", nhưng ông đối xử với tôi còn hơn bạn tri kỷ lâu ngày xa vắng, bổn thân ông gỡ rối, tôi đã khỏi bị phạt vạ và khi tôi ngỏ ý muốn trở về Sài Gòn, chính bổn thân ông lấy xe nhà tự lái đưa tôi từ kinh đô Xiêm Bangkok đến tận ranh giới Miên Xiêm, tôi đáp xe lửa, xe thổi còi tách bến, ông mới quày trở về Xiêm la quốc. Biết thuở nào trả xong món nợ này cho phỉ?".
Về Việt Nam, để tránh những chủ nợ mới sau ngày Nguyệt tiên cung ế khách, cô Trà đến khách sạn Hôtel des Nations thuê phòng lánh mặt. Những giờ phút của một hoa khôi trốn nợ cũng hồi hộp không khác người thường. Cũng sợ người ra vào khách sạn, sợ bị dòm ngó, phát hiện, hễ cơm nước xong lúc nào là rút về phòng nằm giấu kỹ tông tích của mình. Chợt trưa nọ, chưa rõ vì sao biết có Trà ở khách sạn, một người lạ bảnh bao tới hỏi thăm Trà, rồi trao tặng Trà một bao thư bên trong có 1.000 đồng mới keng láng coóng: "1.000 đồng thuở ấy dùng làm lễ ra mắt (là lớn lắm), trong lúc một đốc phủ sứ gần ngày về hưu chỉ mới lãnh được 250 đồng mỗi tháng, tức 3.000 đồng mỗi năm, vậy hai anh Sển và Bảng nghĩ xem 1.000 đồng to tát đến bực nào". Kèm theo bao thư đựng tiền là một danh thiếp đề tên Lâm Kỳ Xuyên. Vậy Lâm Kỳ Xuyên là ai? (Còn nữa)
Hoa khôi trường Nữ học đường Áo Tím Bùi Thị Nga, sinh năm 1922 tại Hà Nội, vào Sài Gòn học trường Nữ học đường Áo Tím (sau đổi thành trường Nữ trung học Gia Long, hiện nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai) - là vợ của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (nguyên Phó thủ tướng nước ta). Nguyễn Thị Tú, sinh năm 1923 tại Cần Thơ, có nét đẹp hiền dịu, học rất giỏi, là hoa khôi trường Áo Tím một thời. Năm 22 tuổi (1945) tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tỉnh Bến Tre, hy sinh năm 1966 trong trận càn mang tên Cedar - Fall của Mỹ ở Bến Cát (Bình Dương). Cả hai hoa khôi Bùi Thị Nga và Nguyễn Thị Tú đều thể hiện nét đẹp Việt Nam: dịu dàng, thủy chung và bất khuất. |
Hồng Hạc
Bình luận (0)