Cái khó nhất trong việc chế tạo máy bay trực thăng là làm sao giữ được sự cân bằng. Máy bay trực thăng có tính năng không ổn định rất cao (highly unstable). Khác với các loại máy bay khác, máy bay trực thăng không thể tự cân bằng dựa vào khí động lực học được. Sự cân bằng của máy bay trực thăng phải luôn được điều khiển bằng hệ thống computer.
Muốn chế tạo máy bay trực thăng, ngoài kiến thức, phải có rất nhiều công cụ hỗ trợ như là máy tính, phần mềm tính toán và giả lập để giải quyết những bài toán rất nan giải về điều khiển học (control), cấu trúc và độ bền (structure), và khí động lực học (aerodynamics). Đó là chưa kể về khả năng và độ bền của động cơ.
Một ví dụ cụ thể là Chính phủ Mỹ vừa mới cho hoạt động máy bay V-22 Osprey sau hơn 18 năm và tiêu tốn hơn 20 tỉ USD để chế tạo và hoàn thiện. Đây là một loại máy bay lên thẳng. Sau 3 tai nạn trước đây 30 người đã bị tử thương. Nguyên nhân chính là các bài toán nan giải trong việc chế tạo máy bay này chưa được giải quyết đúng mức. Các anh "Hai Lúa" mặc dù có tài đến đâu nhưng tôi không nghĩ là có đủ những dụng cụ hỗ trợ trong công việc chế tao.
Vì vấn đề an toàn cho người lái và những người xung quanh, xin các cơ quan hữu trách phải thật cẩn trọng trong quyết định. Tất cả các quyết định chỉ nên dựa vào các thông số kỹ thuật mà thôi, không nên dựa vào bất kỳ một nhân tố nào khác.
Nguyễn Đức Triết, PhD (California, Hoa Kỳ)
Tôi bảo đảm là… không an toàn
Qua một số ý kiến của bạn đọc về máy bay của mấy anh ở Tây Ninh chế tạo thì thấy ai cũng khen tinh thần dám nghĩ dám làm của hai anh nhưng nói cái máy đó bay được thì ai cũng... lắc đầu hết. Trước 1975, tôi là lính kỹ thuật không quân của chế độ cũ và được đào tạo về trực thăng UH-1 của hãng BELL nên tôi có một số ý kiến về mặt kỹ thuật để chứng minh... lắc đầu là đúng.
Nói về trực thăng thì có 2 cái rung (vibration) mà phi công bay thử (test Pilot) và thợ cơ khí chúng tôi đều ớn khi trị bệnh, đó là:
1) Rung dọc thân (lateral vibration). Bạn có thấy con cá nó lội trong nước nó uốn éo cái thân như thế nào thì máy bay bị bệnh này nó y như vậy. Pilot mà bay thì rêm xương sườn hết.
2) Rung theo chiều đứng (vertical vibration). Ngồi trên máy bay bị bệnh này cũng giống như đi xe gặp đường... ổ gà vậy hoặc cảm giác như ai túm cổ áo mình dở lên rồi để xuống liên tục cho tới khi xuống máy bay thì thôi!
Để xử lý thì có nhiều cách, quan trọng là cách phối hợp giữa test pilot và kỹ thuật viên để tăng giảm đối trọng trên main hub, tracking main rotor, chỉnh trim tab... Nói chung cái đơn thuốc trị bệnh nó dài lắm và phải bay thử sau mỗi lần chỉnh. Tôi đơn cử một chi tiết có thể làm rung lateral đó là trục truyền ra chong chóng đuôi nó làm bằng nhôm hình ống rỗng bên trong, dài cỡ 1,2 mét rất nhẹ trên đó có dán mấy miếng cân bằng và có đánh số miếng được dán lên ống đó, chỉ cần thấy số miếng dán không khớp với số đánh trên ống là phải loại ra rồi. Chưa kể hệ thống cần lái trên máy bay sử dụng hệ thống thủy lực (hydraulic) rất tối tân trợ lực cho phi công, bạn có thể dùng hai ngón tay kẹp cần lái, lái dễ dàng thì bạn biết nó nhẹ như thế nào mặc cho lực gió tác động lên cánh và chỉ cần cần lái hơi bị sượng một tí khi thử bằng hai ngón tay là pilot chê không bay vì không an toàn. Chiếc máy bay của "Hai Lúa", tôi bảo đảm là không an toàn!
Bay được hay không cũng nên khuyến khích người có tài
Tôi sống và làm việc ở Mỹ. Tôi là Electrical Engineer, Mechanical Design Engineer và là Systems Engineer. Đã xấp xỉ 10 năm làm việc với máy bay trực thăng, máy bay tác chiến Advanced Technology Demonstration Program, có thể nói là tôi có chút hiểu biết về máy bay.
Tôi nghĩ chiếc trực thăng của anh Hải và anh Danh bay được hay không là không quan trọng (dĩ nhiên thử nghiệm bay thì phải bảo đảm an toàn). Cái quan trọng là tinh thần tò mò và sáng tạo của hai anh. Theo tôi, Chính phủ nên xem xét và nếu được, nên tạo điều kiện cho hai anh đó học thêm và nghiên cứu về máy bay. Làm như vậy cho thấy Chính phủ khuyến khích và coi trọng những người có tài năng.
Bây giờ Việt Nam không làm được máy bay không có nghĩa là tương lai sẽ không làm được. Một ngày nào đó tôi cũng muốn về Việt Nam làm một cái gì đó cho những học sinh ở Việt Nam hiểu biết thêm về máy bay.
Bình luận (0)