Theo kiến trúc sư Đào Quý Tiêu - Phó giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, sở dĩ phương án xây mới chợ Lớn Quy Nhơn của Công ty An Phú Thịnh được chọn là vì phương án này thỏa mãn các tiêu chí mà tỉnh đặt ra. Thứ nhất, đây là công trình có quy mô lớn nhất, diện tích kinh doanh hàng hóa và kinh doanh dịch vụ lên đến 39.020m2 (hơn gấp 4 lần diện tích kinh doanh của chợ Lớn Quy Nhơn trước khi bị cháy).
Thứ hai, công trình được xây dựng đúng theo mô hình của một trung tâm thương mại, kết hợp linh động giữa hình thức chợ nâng cao và hình thức bán buôn theo kiểu kết hợp siêu thị trong trung tâm thương mại. Quy mô xây dựng hiện đại, gồm 8 tầng nổi và 1 tầng hầm với phương thức tổ chức như sau: Tầng hầm dành cho khu đậu xe và khu kỹ thuật. 3 tầng dưới là các khu buôn bán lẻ dành cho gần 700 hộ tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy chợ (mỗi lô được bố trí khoảng 10m2) và một số tiểu thương mới kinh doanh có nhu cầu, trong đó sẽ bố trí đủ các ngành hàng tổng hợp giống như chợ cũ với điều kiện các hộ kinh doanh (nhất là các mặt hàng tươi sống) phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ tầng 4 đến tầng 6 sẽ được tổ chức theo mô hình siêu thị với các mặt hàng kinh doanh chuyên ngành như: vải, quần áo, điện máy, điện tử, hàng dân dụng...
Riêng hai tầng 7 và 8 dành cho loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí, văn phòng cho thuê... Hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được đầu tư hiện đại. Cùng với thang cuốn, thang máy, hệ thống điều hòa nhiệt độ, hệ thống camera giám sát..., nhà đầu tư sẽ chú trọng trang bị hệ thống thông tin liên lạc để đảm bảo nhu cầu bán sỉ thông qua giao dịch thương mại điện tử giữa các hộ kinh doanh tại chợ Lớn Quy Nhơn với các nhà kinh doanh tại các trung tâm thương mại trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, vì chợ Lớn Quy Nhơn đã từng xảy ra nhiều trận hỏa hoạn kinh hoàng, nên hệ thống điện và hệ thống phòng cháy chữa cháy sẽ được đầu tư một cách tối ưu nhất với đầy đủ trang thiết bị dò khói, dò nhiệt, báo cháy, chữa cháy tự động; bên cạnh đó, hệ thống thoát hiểm cũng được đặc biệt lưu ý, nhằm đảm bảo tính mạng cho hàng ngàn người buôn bán tại chợ khi có tình huống xấu xảy ra...
Cũng theo kiến trúc sư Đào Quý Tiêu, ưu điểm lớn nhất khiến phương án của Công ty An Phú Thịnh được lựa chọn chính là nhờ nhà đầu tư đã đưa ra một chính sách ưu đãi táo bạo dành cho các hộ kinh doanh bị thiệt hại trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại chợ Lớn Quy Nhơn hồi cuối năm 2006. Theo đó, các hộ kinh doanh theo diện trên sẽ được ưu tiên bố trí mặt bằng kinh doanh và được Công ty An Phú Thịnh miễn tiền thuê mặt bằng trong thời hạn 24 tháng, đồng thời giảm 50% khoản tiền này cho 5 năm tiếp theo. Hiện, công ty đang hoàn chỉnh các phương án đầu tư dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Được biết, công trình xây mới chợ Lớn Quy Nhơn có tổng vốn đầu tư hơn 218 tỉ đồng, được xây dựng theo hình thức BOT, thời gian thi công 18 tháng.
Ngọc Toàn
Bình luận (0)