Rủ nhau đi học... nhảy dù

19/04/2007 22:18 GMT+7

Hơn 1 tháng nay, cứ đến ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, sân Cảng Hàng không quân sự Tân Sơn Nhất lại nhộn nhịp rất đông bạn trẻ. Họ đang nỗ lực tập luyện để mong đến ngày rời khỏi máy bay ở độ cao gần 1.000m rồi thả mình và bung dù...

Mới lạ nên rất hấp dẫn!

Lúc chúng tôi đến, các học  viên của lớp đào tạo vận động viên nhảy dù khóa 1 thuộc Câu lạc bộ Hàng không phía Nam đang hăng say tập luyện việc gấp dù. Theo giáo viên dù Nguyễn Hồng Chiên, việc gấp dù cũng rất quan trọng, đòi hỏi học viên phải thao tác nhiều mới mong thành thục. Trên sân ga, dù trời đang nắng chang chang, theo từng đôi một, từng cánh dù trắng được kéo ra rồi lại được các bạn trẻ cần mẫn gấp vào theo quy trình đã được học, người ai cũng đẫm mồ hôi. Thỉnh thoảng những tiếng reo vui vang lên: A! Tôi gấp ngon lành rồi. Thế nhưng người vừa reo lại nói với người bạn của mình: Tháo ra và gấp lại nữa nhé? Ok!... tiếng người bạn trả lời và họ lại kéo tung chiếc dù ra... 

Đang hướng dẫn cho học viên, khi nhìn thấy chúng tôi, trung tá Nguyễn Hoài Nam, vốn là người quen cũ ở Sư đoàn Không quân 370, nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng không phía Nam vui vẻ: "Tất bật lắm ông ạ! Sắp đến ngày lớp nhảy rồi nên bọn tôi rất vất vả. Phải hướng dẫn cho học viên từng động tác một...". Lớp hiện đang có 48 người đang theo học với đủ thành phần từ kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, công nhân... có 8 nữ, trong đó có 3 nhà báo. Lớp sẽ học trong thời gian 2 tháng gồm các phần: cấu tạo, tính năng, phương pháp sử dụng và gấp các loại dù thể thao hàng không. Rồi luyện tập 3 động tác mặt đất gồm: Rời cửa máy bay, Điều khiển dù và Động tác tiếp đất. Ngoài  ra còn học phương pháp xử lý các tình huống bất trắc trên không và xử lý dù lúc xuống các địa hình phức tạp như vào khu dân cư, vào đường dây điện cao thế, vào rừng cây, sông nước... Hiện nay, các chương trình cơ bản đã được học xong, dự kiến vào các ngày  27, 28 và 29.4 lớp sẽ đi sân bay Biên Hòa để thực hành.

Trung tá Nam cho chúng tôi biết thêm: Hiện câu lạc bộ chỉ thu tượng trưng mỗi học viên 2 triệu đồng. Riêng phần chi phí cho học viên gồm mũ, giày, dép, quần áo, sách vở, giấy bút, tài liệu, nước uống... và nhiều thứ linh tinh khác đã gần hết số tiền học viên đóng, còn tiền máy bay, tiền dù đều được Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân bao cấp. Mắc nhất là tiền nếu phải thuê máy bay, mỗi giờ phải từ 1.200 đến hơn 2.000 USD. Tính ra, nếu Bộ Quốc phòng không bao cấp, mỗi học viên phải đóng gần chục triệu đồng thì câu lạc bộ mới đủ chi phí.


Học cách xếp dù - Ảnh: Tấn Tú

Cũng theo trung tá Nam, học viên lớp nhảy dù khóa 1 hầu hết đều là dân trí thức, học một, biết mười và học hành rất nghiêm túc, ai cũng bảo rằng đây là một sân chơi mới, lạ nên rất hấp dẫn, ai cũng say mê học nên giáo viên rất vui, tận tình truyền nghề và truyền hết khả năng có thể. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lúc thực hành nhảy dù, máy bay trực thăng Mi 8 của đoàn Không quân trực thăng Đồng Tháp sẽ đưa học viên lên sân bay Biên Hòa. Ở độ cao từ 900 đến 1.000m, các học viên sẽ lần lượt rời máy bay lao ra bên ngoài. Sau khi rời máy bay khoảng 3 giây, học viên sẽ tự mở dù hoặc nếu học viên chưa kịp giật nút mở dù thì bộ phận tự động mở dù sẽ bật ra. Từ khi dù bắt đầu mở cho đến lúc mở hoàn chỉnh thì độ cao chỉ còn từ 700 đến 800m, mỗi người sẽ được nhảy 2 lần.

Khao khát đến ngày được bung dù...

Nhà báo Trần Phan, hiện đang công tác ở Báo Lao Động nói với chúng tôi: "Tôi đến đăng ký học hơi trễ nên bây giờ phải tham gia tập luyện với cường độ cao hơn các học viên khác trong lớp. Tuy mệt nhưng tôi cảm thấy rất vui và rất háo hức chờ đến ngày bước lên trực thăng và thực hiện cú nhảy dù đầu tiên trong cuộc đời mình...".

Luật sư Huỳnh Anh Tuấn công tác ở Văn phòng luật sư Công Lý TP Hồ Chí Minh cho biết tình cờ đọc một mẩu tin nhỏ trên một tờ báo sẽ có một lớp nhảy dù nên làm hồ sơ nhập học. Anh nói: "Tôi rất thích, trong quá trình học, học viên rất đoàn 

Lúc chúng tôi hỏi chuyện học viên nữ M.P, hiện công tác ở bộ phận kế toán của khách sạn Caravelle, một trong những cô gái được coi là gan dạ đang theo học lớp nhảy dù thì M.P nói: "Anh đừng ghi tên em nghe, gia đình em biết thì sẽ la em đó. Em giấu gia đình đi học mà". Năm nay, M.P mới 24 tuổi, cô bảo rất thích thú và mong có được cảm giác lao mình ra giữa bầu trời. Cô nói: "Nếu được ở trên máy bay lao mình xuống, cảm giác sẽ rất đặc biệt. Em rất thích được như thế, em đã nói ra nhiều lần với bạn bè mình, nhiều bạn đã cười và trố mắt nhìn em rất ngạc nhiên, em nghĩ mình sẽ thực hiện được nếu có điều kiện và nếu được ai đó đứng ra tổ chức. Được tham gia học lớp nhảy dù đầu tiên như thế này, em rất là vui, học viên của lớp dù lớn, dù nhỏ ai cũng rất nhiệt tình với môn này, ai cũng đi học đều và rất ham mê, rất mong chờ đến ngày được thực hành. Em chưa dám cho gia đình biết vì môn này mọi người đều thấy hơi mạo hiểm, hơi lạ trước giờ chưa có...".
kết và ủng hộ nhau...". Lúc chúng tôi hỏi có chờ mong đến ngày nhảy dù không? Tuấn trả lời: "Đó là cao điểm của môn chơi này, cả lớp ai cũng mong chờ. Bỏ công biết bao ngày tập luyện chỉ mong được đến ngày nhảy mà thôi. Đa số học viên trong lớp đều có máu phiêu lưu mạo hiểm, chứ nếu thần kinh yếu thì chẳng dám chơi môn này đâu...". 

Còn học viên Nguyễn  Hải Thoại, 32 tuổi, hiện công tác ở cơ quan Bộ Tài chính phía Nam cho biết đây là môn thể thao rất mới lạ, nên ai đến đây học cũng rất tò mò, muốn tìm hiểu, ai cũng thấy thích. Anh nói: "Theo tôi biết, môn nhảy dù ở những nước khác đã có rồi và phát triển rất mạnh, chỉ Việt Nam mới bắt đầu, theo tôi nghĩ môn thể thao này sắp đến sẽ có rất đông người tham gia, nếu sau này được đi thi đấu thì sẽ rất hay, rất hồi hộp. Chúng tôi rất khao khát, mong đến ngày được bung dù. Chúng tôi rất căng thẳng, chỉ lo sức khỏe không đảm bảo thì tiếc lắm. Những ngày này, chúng tôi đang tập trung cao độ vào việc luyện tập, phải làm sao cho thao tác dù trở thành cảm giác, chứ đến lúc nhảy từ máy bay ra mà chỉ làm theo kiểu nhớ mang máng thì rất nguy hiểm vì nó rất là nhanh, sợ chậm mất...". 

Phạm Duy Long, người thường được gọi là Long Loco, anh là người tự bỏ tiền túi sang Canada học lái máy bay siêu nhẹ và chính Long Loco đã lái thành công VAM1 trong lần bay thử nghiệm đầu tiên cuối năm 2005, cho biết: "Tôi chưa một lần nhảy dù tự do từ máy bay, nên rất tò mò muốn thử xem thế nào. Tôi đã xem qua những đoạn băng của dân nhảy dù chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp và tôi đã cảm nhận rằng nhảy dù là một môn thể thao có những cảm giác rất lạ, tôi mong đến ngày mình được  bung dù giữa bầu trời".

Ghi chép của Tấn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.