Theo thầy Lực, công tác tuyển sinh năm nay ở ĐH Tiền Giang có mấy điểm mới: Trước hết, nhà trường ưu tiên tuyển sinh và đào tạo các ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu cao, dựa theo điều tra nhu cầu lao động xã hội. Trừ Cao đẳng Sư phạm chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại Tiền Giang, các ngành còn lại trường tuyển sinh mở rộng cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Với mục tiêu đào tạo thích nghi với thị trường lao động, ĐH Tiền Giang đang mở 2 lớp trung cấp đầu tiên đào tạo theo địa chỉ. Một lớp dành cho các nhân viên đang làm việc tại ngân hàng nhưng chưa có nghiệp vụ, sẽ học lý thuyết ở trường và thực hành tại ngân hàng. Tương tự là lớp trung cấp điện lực, học sinh được dạy lý thuyết và thực hành căn bản tại trường, còn thực hành máy móc, thiết bị thì trở về nơi đang làm việc. Đặc biệt, năm nay cũng là năm đầu tiên ĐH Tiền Giang được Bộ GD-ĐT cho phép chiêu sinh đào tạo liên thông 3 ngành: xây dựng dân dụng, kế toán và công nghệ thông tin từ trung cấp lên cao đẳng. Theo đó, học sinh có trình độ trung cấp được tuyển và đào tạo thêm 3 học kỳ nữa thì lấy bằng cao đẳng. Năm nay ĐH Tiền Giang xét tuyển 850 chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp với 16 chuyên ngành.
Tuy nhiên, theo thầy Lực thì ĐH Tiền Giang đang chú trọng một số ngành mũi nhọn mà các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang rất cần như: công nghệ thông tin, cơ khí, chế biến thực phẩm và thương mại - du lịch. Trong đó, ngành chế biến thực phẩm đang có nhu cầu rất cao, mỗi năm có từ 50-75 sinh viên ra trường và đều tìm được việc làm ổn định. Hiện nay trường đang chuẩn bị đưa vào sử dụng khu thực hành vừa được xây dựng xong với quy mô 28 phòng thiết bị, có khả năng cho 700 sinh viên vào thực hành cùng lúc. Với mục tiêu đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học, đào tạo gắn với nhu cầu lao động xã hội, ngoài việc mở rộng cửa cho người dân địa phương có điều kiện tiếp cận đại học, ĐH Tiền Giang còn góp phần giảm bớt áp lực cho các trường đại học tại TP.HCM.
Hoàng Phương
Bình luận