Từ điển Văn học bộ mới, trang 838 - 839 (NXB Thế giới, 2004) có mấy dòng vắn tắt chưa thật đầy đủ về ông: "Nhà giáo dục, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam.(....). Nhà nghèo, chỉ được học hết cao đẳng tiểu học. Bắt đầu gắn bó với sự nghiệp giáo dục từ 1939, dạy trường tiểu học Bảo An (Điện Bàn, Quảng Nam). Tự học và đỗ tú tài Triết học (1945). Suốt đời ông là một quá trình công phu tự học cần mẫn, nghiêm túc. Ông lần lượt giảng dạy trung học thời kháng chiến chống Pháp (ở Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi), đại học (từ 1958) và trên đại học (từ 1973). Ông làm chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong 15 năm (1963 - 1978), sau đó chuyển vào giảng dạy tại ĐHSP TP.HCM, được Nhà nước phong chức danh Giáo sư (1980) và danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân (1990)".
Bản "lý lịch trích ngang" sơ sài ấy nói lên nhiều điều buộc thế hệ hậu sinh chúng tôi phải suy nghĩ để noi gương.
Thứ nhất, trong non 70 năm làm nghề trồng người, ông đã kinh qua đủ các cấp từ tiểu học, trung học, ĐH, sau ĐH, từ lớp nhất ở trường quê nghèo Bảo An đến việc hướng dẫn thành công vài mươi thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các trung tâm đào tạo chuyên ngành Ngữ văn ở Hà Nội, TP.HCM. Ở cấp học nào, dù tham gia giảng dạy ngắn hạn hay gắn bó lâu dài vài thập kỷ, ông đều để lại những kỷ niệm khó quên trong tâm trí vô số học trò.
Thứ hai, để đảm đương nhiệm vụ giảng dạy ở những cấp học ngày càng cao, giáo sư đã nêu một gương sáng về công phu tự học, lặng lẽ kiên trì và quyết liệt. Tự học để đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài Triết học năm 1945. Tự học để chiếm lĩnh những tri thức khoa học liên ngành, cần thiết cho việc giảng dạy và nghiên cứu văn học. Tự học để am tường sâu sắc những tác gia kiệt xuất, những nền văn học vĩ đại của nhân loại.
Tính đến nay giáo sư đã cho công bố 46 công trình. Ông tinh tế và tài hoa trong bình và giảng văn (Những bài giảng văn ở đại học - 1982, Bình thơ xuân - 1986, Tìm hương trong văn Hồ Chí Minh - 1986, Đến với thơ hay - 1997...). Với tư cách là thành viên của nhóm Lê Quý Đôn, ông là đồng tác giả của bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam dày hơn 1.000 trang, gồm 3 tập (1958). Thời kỳ làm chuyên gia ở ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), ông viết và cho xuất bản tại chỗ bộ Một số vấn đề lịch sử Văn học Việt Nam (1961). Trong văn học Việt Nam, phần ông chuyên sâu nhất là văn học cổ điển. Các tác gia lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến... được ông quan tâm đặc biệt và là đối tượng khảo sát của nhiều công trình ngắn có, dài có. Trên cơ sở "thâm canh" ấy, ông đã có hai chuyên luận quan trọng mang giá trị khái quát cao: Đặc trưng Văn học trung đại Việt Nam (1996), Quy luật phát triển của lịch sử Văn học Việt Nam (1998). |
Thứ ba, cũng như những giáo sư học giả nổi tiếng khác, ông đã hình thành cho mình trong nhiều chục năm liền sự gắn kết cần thiết giữa giảng dạy và nghiên cứu. Bộ Lê Trí Viễn toàn tập gồm 7 cuốn, non 6.000 trang khổ lớn là tập đại thành của những ngày ông miệt mài bên bàn văn, kể cả 15 năm làm chủ nhiệm khoa Văn - một khoa lớn, đông hàng ngàn sinh viên - trong đó có non 10 năm sơ tán hết lên núi rừng Việt Bắc lại về với đồng ruộng Hưng Yên.
Sẽ là một thiếu sót quan trọng, nếu không đề cập tới những thành công của ông trong lĩnh vực sáng tác. Hàng chục truyện ngắn và ký đăng trên các tạp chí văn nghệ của Liên khu IV (Thương nữ, Thư nhà, Núi che mặt trời, Trường học Lương Sơn Bạc...). Qua đó có thể thấy niềm vui và lòng tin của tác giả trước chất "lãng mạn và khí phách Việt Nam kháng chiến".
Thơ cũng là nơi đặc biệt cuốn hút ông và đó chính là lĩnh vực bộc lộ năng khiếu thẩm mỹ của ông. Có lúc ông làm ta ngạc nhiên khâm phục về vẻ tài hoa tài tử qua bài Đêm ấy, đêm này.
Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng
Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn
Anh đến với em đêm thần tiên ấy
Trăng với đèn chếnh choáng hơi men
Thế nhưng nhiều câu thơ chân mộc, chắt lọc và lắng đọng lại ngân vang rất lâu. Chẳng hạn bài thơ viết gần đây, trong dịp ông đưa cả đại gia đình từ TP.HCM và Hà Nội về thăm nơi chôn nhau cắt rốn. Quê đấy nhưng nhà đâu, bà mẹ nghèo tần tảo nơi đâu... Ở tuổi 86, nhà thơ đã nghẹn ngào, xúc động:
Có quê mà chẳng có nhà,
Đành đem giấc ngủ gửi bà con thôi
Nửa đêm sực tỉnh bồi hồi,
Mẹ ơi, con chết nửa người, mẹ ơi!
Ngày 10.3 âm lịch, giáo sư Lê Trí Viễn bước vào tuổi 90. Tôi và các thế hệ học trò khác tự hào về thầy. Càng mừng hơn vì tuy tuổi đã cao nhưng trí thầy vẫn sáng, ngọn lửa nhiệt tình với Giáo dục và Văn học vẫn sục sôi như ngày nào.
Trần Hữu Tá
Bình luận (0)