Thân phận tầm gửi
Ba năm trước, chị Mai là giáo viên, sau khi sinh đứa con thứ hai, sức khỏe chị không còn được tốt. Trong lúc ấy anh H. - chồng chị được thăng tiến trong công việc, tiền bạc kiếm được cũng dư dả. Vì thế, anh khuyên chị nghỉ làm ở nhà để bồi bổ sức khỏe, có thời gian chăm sóc con cái.
Lúc đầu chị còn lưỡng lự vì đã gắn bó với nghề giáo mấy chục năm, nay bỏ cảm thấy nhớ lớp, nhớ trường... Tuy nhiên, cuối cùng lý lẽ của chồng đã thuyết phục được chị.
Công việc của một người nội trợ trong gia đình từ dọn dẹp nhà cửa, cơm nước đến việc chăm sóc hai đứa con nhỏ đã chiếm hết thời gian của chị. Nhưng điều đáng buồn là mọi chuyện chi tiêu đều phải trông vào kinh phí của chồng, quan hệ vợ chồng thường xảy ra những chuyện cơm chẳng lành canh không ngọt. Thỉnh thoảng chị cũng cần có những khoản riêng để làm đẹp như bao phụ nữ khác. Song mỗi lúc cần, chị lại mang mặc cảm, tự ái vì phải ngửa tay xin chồng.
Thời gian đầu anh H. còn hào phóng, nhưng càng về sau anh càng tỏ ra lơ là. Tệ hơn càng ngày anh càng tỏ ra không tin tưởng chị. Tiền kiếm được ngoài những khoản chi tiêu tối thiểu trong gia đình mà anh phát cho chị hằng tháng còn bao nhiêu anh cất giữ, tiêu xài mà chị chẳng hề được biết.
Trường hợp chị D. lại có phần bi kịch hơn khi chồng chị suốt tháng, suốt năm biền biệt đi làm ăn xa ở xứ người chỉ gửi tiền về cho chị nuôi con. "Gái một con trông mòn con mắt" - các cụ ta ngày xưa nói chẳng ngoa - nhìn chị D., đám đàn ông không khỏi ngẩn ngơ. Cũng không ít kẻ thường lui tới nhà buông lời tán tỉnh, giở thói trăng hoa. Ban đầu, chị tỏ thái độ cương quyết chung tình với chồng, nhưng cái cảnh người đàn bà đang rừng rực, khao khát yêu đương trong khi chồng lại đi biền biệt khiến chị ngã vào vòng tay một gã trai vẫn thường đến nhà. Gã này trẻ hơn chị hai tuổi lại không có nghề ngỗng gì. Kể từ khi hắn ta trở thành "già nhân ngãi non vợ chồng", chị D. phải cung phụng cho hắn cả tình lẫn tiền. Số tiền chồng chị hằng tháng gửi về chạy hết vào túi của gã nhân tình. Ngày chồng chị thông báo sắp hết hạn 3 năm lao động xuất khẩu ở nước bạn cũng là lúc gã nhân tình "bỏ của chạy lấy người". Lúc này chị chỉ còn biết tự trách mình và luôn bị day dứt rằng rồi đây sẽ ăn nói với chồng như thế nào.
Nhàn cư vi bất thiện
Chị T. quyết định về sống với anh B. trong khi chưa có việc làm. Vì thế kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập từ nghề chạy xe ôm của anh.
Ở khu xóm lao động, những phụ nữ "ở nhà chồng nuôi" như chị T. không phải là hiếm. Ngoài công việc chợ búa, nấu cơm, thời gian còn lại không biết làm gì, các chị thường tụm năm, tụm ba để buôn chuyện hoặc rủ nhau "bắt gà" (cờ bạc).
Lúc đầu chị chỉ chơi cho vui để giết thời gian, nhưng càng ngày chị T. càng say mê trò đỏ đen. Chị giấu chồng bằng cách chơi vào lúc anh đi làm và có mặt ở nhà trước lúc chồng về. Và để có tiền, chị phải bớt xén những khoản chi tiêu trong gia đình, nhiều lúc cay cú ăn thua, chị bỏ bê luôn cả việc nhà.
Có những lúc chị phải đi vay nóng để tiếp tục giết thời gian tại những cuộc "bắt gà" đó. Khi món nợ lên đến vài triệu đồng, chị phải mang bán cả những vật kỷ niệm trong ngày cưới để trả.
Chuyện vỡ lở, anh B. thấy không còn khả năng hàn gắn được nữa nên đã đưa đơn ra tòa ly dị.
Cũng có hoàn cảnh tương tự chị T. nghĩa là lập gia đình trong lúc không có nghề nghiệp gì để kiếm kế sinh nhai, chị P. lại gặp phải ông chồng nát rượu, vũ phu. Cuộc sống trở nên ngột ngạt sau thời gian đầu mới cưới khi chị P. luôn phải chịu đựng những trận đòn không thương tiếc của chồng. Gia đình chị luôn rơi vào tình cảnh túng bấn, chạy ăn từng bữa, việc làm thuê của anh không phải bao giờ cũng thuận lợi, điều này cũng tỷ lệ thuận với những trận đòn mà chị phải gánh chịu. Một lần do quá uất ức chị đã phản kháng, vớ được con dao Thái ở phên nứa và đã lỡ tay giết chồng. Với cái án tù chung thân, cuộc đời chị dường như đã khép lại sau song sắt nhà tù.
Những câu chuyện trên chỉ là những khía cạnh nhỏ đề cập đến những người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh phụ thuộc. Trên thực tế còn nhiều bi hài kịch khác mà hậu quả không phải ai cũng lường trước được.
Phương Lê
Bình luận (0)