- Có thể nói trong những ngày qua cả nước phải chịu một đợt nắng nóng trên diện rộng. Đặc biệt từ Nghệ An đến Quảng Bình liên tục trong 3 ngày có nhiệt độ lên tới 40-42 độ C; miền Nam có nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng từ 36-37,5 độ C; riêng tại TP.HCM là 37 độ C (ngày 22.4); các tỉnh ĐBSCL cũng lên tới 35,5-36,5 độ C. Theo thống kê, vào cuối tháng 4 mà nhiệt độ trên 37 độ thường ít xảy ra (năm 2003 là 38 độ, năm 1998 là 37,3 độ). Điều đáng lưu ý là nhiệt độ vào ban đêm cũng khá cao, tại TP.HCM xấp xỉ 29 độ nên gây cho chúng ta cảm giác oi bức, khó chịu. Hiện nay, không khí lạnh tràn về làm đẩy lùi áp thấp nóng đang suy yếu, gây mưa vừa đến mưa to ở miền Bắc và miền Trung, chấm dứt đợt nắng nóng. Nhưng không khí lạnh sẽ suy yếu nhanh, không tác động nhiều đến nhiệt độ miền Nam. Trong những ngày tới, các tỉnh Nam Bộ vẫn trong thời kỳ chuyển mùa. Chúng tôi nhận định vào khoảng 29.4 sẽ có một đợt không khí lạnh khác bổ sung, sau đó khuếch tán xuống phía nam. Một số nơi ở nam Trung Bộ, nam Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối có mưa rào và giông, nhưng chưa có khả năng mưa trên diện rộng, chủ yếu ở các tỉnh ven biển phía tây ĐBSCL như Kiên Giang, An Giang, Cà Mau và bắc miền Đông, TP.HCM.
* Còn các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc xoáy... xảy ra quá nhiều là do đâu?
- Bà Lê Thị Xuân Lan: Sau một mùa khô kéo dài từ 5-6 tháng, đặc biệt năm nay là hơn 6 tháng, hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ ít mưa. Từ giữa tháng 3 trở đi, do mặt trời vượt qua xích đạo lên Bắc bán cầu, nên bức xạ mặt trời tăng so với trước đó, thời gian mặt trời chiếu sáng dài hơn, bề mặt trên biển cũng như đất liền bị hun nóng nhiều hơn, làm cho nước trên các vùng biển, ao hồ, sông suối bị bốc hơi nhiều hơn, dần dần lượng hơi nước chứa trong bầu khí quyển ở tầng thấp tăng nhanh. Sự tương tác biển khí với bầu khí quyển chứa đựng hơi nước khá dồi dào, sẽ tạo điều kiện cho mây hình thành và phát triển. Nếu hội đủ các điều kiện nhiệt lực và động lực sau một thời gian nắng nóng và oi bức cao điểm, mây phát triển mạnh mẽ thành các khối mây khổng lồ, tích trữ lượng nước lớn và tạo ra những hiệu điện thế cực mạnh tới 20-30 ngàn vôn/cm, mới xảy ra sự phóng điện, có tên quốc tế là Cumulo-nimbus, còn gọi là mây vũ tích, dân gian thì gọi là mây giông. Mây giông thường kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như chớp, sấm sét, lốc xoáy, gió giật mạnh và mưa lớn, có khi xảy ra mưa đá hoặc vòi rồng. Ở nước ta, mùa giông thường bắt đầu từ tháng 3-4 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11. Mùa giông ở Nam Bộ từ tháng 4 - 11, mạnh nhất từ là thời kỳ chuyển mùa và đầu mùa từ tháng 4 - 6, cũng có năm hiện tượng này xảy ra từ tháng 3, và xảy ra nhiều nhất là xế trưa, chiều tối và đêm về sáng. Trong suốt mùa mưa, giông thường xảy ra từng đợt, cường độ giảm khi đã có mưa liên tục nhiều ngày, nhưng khi giữa mùa mưa có những đợt "hạn bà chằn", thì sau đó giông sẽ mạnh và các hiện tượng nguy hiểm xảy ra mạnh mẽ hơn. Khoảng giữa tháng 10 trở đi, giông giảm dần.
* Có thể dự báo trước các hiện tượng này hay không?
- Giông thường xảy ra rất nhanh, chỉ trong vài tiếng đồng hồ kể từ khi khối mây phát triển, nên với dự báo 24 giờ và 48 giờ như chúng ta đang có hiện nay là không thể dự báo được. Ngày nay, với radar thời tiết Doppler, có thể phát hiện ra những ổ mây giông rất sớm, nếu chúng ta có làm dự báo cực ngắn, tức là dự báo trong khoảng từ 3 - 6 giờ và các bản tin này luôn được cập nhật và phát tin rộng rãi trên những phương tiện thông tin đại chúng một cách nhanh nhất thì việc dự báo cảnh báo giông xảy ra là khả thi. Thông thường, khi trời nắng nóng và oi bức, mây giông sẽ phát triển với hình dạng là các khối mây đồ sộ, có lúc nhiều khối mây nhập lại làm cho bầu trời trở nên vần vũ và đen sẫm lại, nhất là từ sau 13 giờ trưa trở đi. Đó là dấu hiệu cho thấy có khả năng giông và sấm sét, lốc xoáy sẽ xảy ra.
Mai Vọng (thực hiện)
Bình luận (0)