Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Cửa hàng miễn thuế cảng Sài Gòn là đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và dịch vụ cảng Sài Gòn - Tổng cục Hàng hải Việt Nam. Tuy chỉ là Phó chủ nhiệm nhưng Nguyễn Thị Thúy Hạnh là người quản lý, chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động tại cửa hàng.
Từ năm 1999 đến tháng 4.2004, Nguyễn Thị Thúy Hạnh đã cho phép Uyên và Đài bán một lượng lớn thuốc lá, rượu bia ngoại nhập miễn thuế ra thị trường Việt Nam. Để hợp thức hóa hàng bán sai quy định này, Hạnh đã chỉ đạo nhân viên sửa chữa, ghi thêm vào 347 hóa đơn bán hàng cho tàu biển.
Theo quy định, trước khi mang hàng xuống tàu giao cho thuyền viên, số hàng này phải được Hải quan cảng Nhà Rồng kiểm tra dán niêm phong, ghi số kiện, số niêm phong và ký nhận vào tờ đặt hàng. Để vô hiệu hóa bộ phận hải quan này, Hạnh đã cho nhân viên khai thác móc nối với nhân viên hải quan như: Hoàng Ngọc Sanh, Nguyễn Hồng Phấn, Huỳnh Hải Ninh, Trần Chung Thủy, Cao Ngọc Liên, Lâm Văn Hữu Nghị cùng thông đồng, tạo điều kiện hợp thức hóa lượng hàng bán sai quy định bằng cách để trống không ghi cụ thể số kiện, số niêm phong.
Sau khi giao hàng xong, các hóa đơn được ghi thêm lượng hàng thì nhân viên hải quan mới điền vào khoảng trống đó cho phù hợp với hàng hóa xuất. Vào những ngày nghỉ, các nhân viên hải quan này còn đưa cho nhân viên cửa hàng những tờ niêm phong đã được ký sẵn để họ tự niêm phong hàng hóa đem ra khỏi cảng. Đổi lại, Hạnh đã cho các nhân viên hải quan này được mua rượu, thuốc lá tại cửa hàng để bán kiếm lời và hàng tuần bồi dưỡng cho mỗi người từ 20 - 100 USD.
Bên cạnh đó, Hạnh còn chỉ đạo nhân viên hợp thức hóa hàng bằng cách cho nhân viên phòng khai thác đến các tàu cập cảng Sài Gòn để xin danh sách, tên và số hộ chiếu của các thuyền viên để lập khống các hóa đơn bán hàng cho các thuyền viên này, rồi giả chữ ký khách hàng ký nhận.
Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra phát hiện 11.410 hóa đơn bán lẻ khống. Tổng cộng, Hạnh và các nhân viên đã "tuồn" 26.790 bao thuốc lá ngoại; 47.558 chai rượu ngoại, 23.107 lon bia để bán vào thị trường Việt Nam trốn thuế gây thiệt hại trên 32,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đối với số cán bộ hải quan nói trên, chỉ có Hoàng Ngọc Sanh bị truy tố ra tòa, còn các nhân viên khác xét chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Riêng Nguyễn Hồng Phấn có hành vi trực tiếp sửa chữa các tờ đặt hàng, nhưng theo cơ quan tố tụng, Phấn chỉ làm công tác giám sát trong một thời gian ngắn; vai trò của Phấn chỉ là giúp sức trong việc hợp pháp hóa sau khi đã bán hàng (!?); Phấn không được bàn bạc, ăn chia, khi bị phát hiện đã thật thà khai báo giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ án. Vì vậy, không truy tố Phấn mà chỉ xử lý hành chánh.
Sau một ngày xét xử, chiều cùng ngày Hội đồng xét xử (HĐXX) khi nghị án không ra một bản án mà quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND Tối cao để điều tra bổ sung. Theo HĐXX, lý do để đưa ra quỵết định này là trong quá trình xét hỏi, tranh luận đã cho thấy có sự mâu thuẫn về số liệu quy kết các bị cáo trong việc kinh doanh trái phép rượu, bia và thuốc lá ngoại.
Đặc biệt, trong phiên tòa luật sư và các bị cáo đã khiếu nại về sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cơ quan điều tra Bộ Công an. Theo đó, Viện KSND đã có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Phạm Thụy Phương Uyên vào ngày 5.1.2005, nhưng mãi đến 17.1.2005, Uyên mới ra khỏi trại tạm giam. Tại phiên tòa, các luật sư Phan Trung Hoài, Lê Thị Minh Nhân, Trần Văn Tạo đều đề nghị HĐXX xem xét, xác định không đủ cơ sở để buộc tội các bị cáo như cáo trạng đã quy kết.
L.N
Bình luận (0)