Chuyến bay đặc biệt của Giáo sư Stephen Hawking

27/04/2007 22:36 GMT+7

Với mong muốn được bay vào vũ trụ, nhà khoa học người Anh Stephen Hawking đã hoàn thành chuyến bay không trọng lượng trên một loại chuyên cơ đặc biệt hôm 26.4. Sự kiện này giúp nhà vật lý thiên văn bị bại liệt này tiến gần hơn đến việc thực hiện tham vọng của mình.

Hôm thứ năm vừa qua quả là một ngày tuyệt vời đối với giáo sư nổi tiếng S.Hawking - người mắc một chứng bệnh về thần kinh có tên gọi Lou Gehrig khiến ông bị liệt toàn thân, chỉ có thể cử động một số cơ trên mặt. Lần đầu tiên trong đời, Giáo sư Hawking được bay lơ lửng trên không, tạm quên đi chiếc xe lăn vốn gắn liền với ông suốt mấy mươi năm qua.

Chuyến bay kéo dài hơn một giờ với hàng loạt cú bổ nhào ngoạn mục của máy bay đã cho phép vị giáo sư của Đại học Cambridge này ở trong tình trạng không trọng lượng khoảng 4 phút. Mỗi lần chiếc chuyên cơ Boeing 727 thực hiện "sứ mạng bổ nhào" của mình, Giáo sư Hawking sẽ ở trong trạng thái không trọng lượng khoảng 25 giây.

"Thật bất ngờ. Ở mức trọng lực bằng 0 mới tuyệt vời làm sao. Tôi sẽ bay vào vũ trụ", Giáo sư Hawking vui mừng phát biểu sau chuyến bay. Chủ tịch P.Diamandis của Zero Gravity, một công ty du lịch không gian của Mỹ hỗ trợ Giáo sư Hawking chuyến bay này, nói thêm: "Điều này quả là ngoài sức tưởng tượng. Ông Hawking luôn ở trong tình trạng sức khỏe tốt. Nhịp tim, huyết áp đều bình thường". Sự kiện này đã đặt một bước tiến gần hơn cho mục đích bay vào vũ trụ của vị giáo sư tài ba nhưng bất hạnh này.
Stephen Hawking, 65 tuổi, là một trong những nhà vật lý học nổi tiếng nhất thế giới. Ông tập trung nghiên cứu lý thuyết về vũ trụ và hấp dẫn lượng tử, là tác giả của những công trình vật lý, thiên văn nổi tiếng thế giới; đồng thời là tác giả của cuốn sách phổ biến khoa học thuộc loại bán chạy nhất mọi thời đại Lược sử thời gian. Chứng bệnh về thần kinh bộc phát hồi năm Hawking 22 tuổi khiến ông gần như bị liệt hoàn toàn. Không thể nói hoặc cử động chân tay, Hawking chỉ có thể cử động các cơ nhỏ trên mặt để giao tiếp. Ông cũng thường giao tiếp thông qua chiếc máy tính gắn trên xe lăn. Máy tính này có "mắt" cảm ứng, giúp nhận biết các cử chỉ của Hawking và phát thành tiếng nói. Chẳng hạn như khi ông nhướn lông mày lên thì máy tính sẽ hiểu là "có".

Hawking là người khuyết tật đầu tiên thực hiện chuyến bay không trọng lực do Công ty Zero Gravity tổ chức. Chiếc chuyên cơ Boeing 727 chở Giáo sư Hawking đã cất cánh tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA tại Florida, Mỹ. Trong chuyến bay này, các trợ lý của Hawking đã nhấc ông ra khỏi ghế và nhẹ nhàng đặt ông trên sàn máy bay khi chiếc chuyên cơ bay vút lên bầu trời để chuẩn bị cho cú lao xuống đầu tiên.

Để thực hiện các cú bổ nhào này, máy bay sẽ bay lên độ cao chừng 9.750m và sau đó lao nhanh xuống độ cao 2.400m để cho hành khách trải qua cảm giác không trọng lượng trong 25 giây. Khoang máy bay với đệm lót bao quanh sẽ bảo vệ hành khách khỏi các cú va chạm. Hệ thống máy quay trên máy bay sẽ giúp hành khách ghi lại chuyến phiêu lưu của mình. Để thực hiện một chuyến phiêu lưu đáng nhớ này, mỗi hành khách phải chi 3.750 USD. Thế nhưng, Công ty Zero Gravity đã miễn phí cho vị giáo sư  này cùng 2 bác sĩ, 2 y tá và 1 trợ lý đi cùng ông.

Một trong những động cơ khiến Hawking thực hiện chuyến bay này là vì ông tin rằng các công ty du lịch không gian tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giảm chi phí du lịch vũ trụ và giúp nhiều người có cơ hội tiếp cận với ngành du lịch này hơn.

Đồng thời, Giáo sư Hawking cũng muốn mọi người có cái nhìn khác về người khuyết tật. "Tôi cũng muốn chứng minh rằng con người không hề bị các khiếm khuyết về thể chất làm cho họ nhụt chí, trừ khi họ bị khiếm khuyết về tinh thần", ông quả quyết.  Ông cũng tiết lộ với Hãng tin AP: "Suốt đời mình, tôi luôn ấp ủ giấc mơ bay vào vũ trụ. Đối với những người mất hết khả năng cử động như tôi thì tình trạng không trọng lượng là một hạnh phúc".

Theo BBC, Giáo sư Hawking dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên con tàu của Công ty Virgin Galactic do ngài R.Branson (một doanh nhân nổi tiếng ở Anh) tài trợ vào năm 2009.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.