Sài Gòn xưa qua bưu ảnh

29/04/2007 22:58 GMT+7

Cuối tuần qua, Tạp chí Xưa và Nay khai mạc triển lãm Sài Gòn qua bưu ảnh xưa tại cơ quan đại diện phía Nam số 181, đường Đề Thám, Q.1, TP.HCM, tập hợp hàng trăm bức ảnh và bưu ảnh tiêu biểu về Sài Gòn tập trung trên các lĩnh vực kiến trúc, kinh tế, văn hóa và đời sống.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà sưu tập có mặt trong buổi đầu của cuộc trưng bày kéo dài 10 ngày (từ ngày 29.4 đến 8.5) này, thì lịch sử bưu ảnh xuất hiện ở nước ta được đánh mốc vào những năm đầu thế kỷ 20. Cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Hạnh, Phó tổng biên tập tạp chí, "đến năm 1900 những bưu ảnh đầu tiên mới có mặt tại Việt Nam. Tại Sài Gòn, bà Wirth là một trong những người đầu tiên phát hành những bưu ảnh về Sài Gòn. Những bưu ảnh này có chất lượng khá tốt, nhưng tiếc là không có chú thích nên ngày nay chúng ta khó xác định đó là những ảnh chụp lúc nào ở đâu. Năm 1906, tại cuộc triển lãm thuộc địa ở Marseille, nhiều bộ bưu ảnh về Nam Kỳ đã được trưng bày. Đó là những bộ bưu ảnh khá thú vị được các nhà xuất bản Wirth, Poujade de Ladevège và Plante xuất bản và sau đó được bày bán tại các cửa hàng của nhà xuất bản trên đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay). Dù thời gian có làm phai mờ hay mất đi những dấu tích lịch sử, nhưng trong ký ức của người Sài Gòn, mỗi góc phố, con đường vẫn còn đó". Dựa vào các bưu ảnh xưa, đối chiếu với hiện trạng kiến trúc, chúng ta không khỏi băn khoăn về một số trường hợp phục chế bị sai hoặc khác xa so với nguyên trạng, được đề cập đến bên hành lang cuộc triển lãm.


Taxi ở Sài Gòn xưa
Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhắc đến "những điều trông thấy" về cảnh bể dâu qua bưu ảnh (quá khứ) so với quang cảnh đường phố TP.HCM (hiện tại). Dễî nhận ra nhất là con đường Nguyễn Huệ ngày nay (thuộc quận 1), xưa là một con kênh đào thông nước từ sông Sài Gòn vào. Bức ảnh triển lãm cho thấy trên đường Nguyễn Huệ xưa (đại lộ Charner) trước kia không có xe hơi, xe 2 bánh nườm nượp mà là các cầu nhỏ bắc ngang dòng nước có thuyền bè neo đậu. Hai bên đường là những căn nhà lớn nhưng thưa thớt với các hàng cây ẩn hiện xa xa. Trông cảnh xưa, nhìn cảnh nay, bỗng muốn buột miệng than: Sông kia rày đã nên... đường. Chỗ làm khách sạn, chỗ vườn chơi xuân. Ta cũng bắt gặp cảnh người mẹ gánh con mình ở hai đầu thúng, cảnh hớt tóc ngoáy tai, đi xe kéo, hàng quán khu vực cầu Ông Lãnh, Chợ Lớn cách đây khoảng 100 năm và những quán cà phê, taxi ở Sài Gòn vào buổi đầu hoạt động. Tất cả đã lùi vào dĩ vãng, nhưng "đáng có mặt" trên bưu ảnh như những nhân chứng không lời về một Sài Gòn xưa lắm lắm...

G.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.