Hóc dị vật

23/04/2007 09:43 GMT+7

Những vật dụng hữu ích, quen thuộc hằng ngày như: tiền xu, đồ chơi… đôi khi lại trở thành “kẻ xấu” gây họa, có thể dẫn đến sự cố đáng tiếc: hóc dị vật

Theo BS Nguyễn Văn Lộc (BV Nhi T.Ư), lứa tuổi nào cũng có thể bị hóc dị  vật, nhưng ở trẻ em, tai nạn hóc dị vật thường gặp ở các bé từ 1-3 tuổi.

Đây là tuổi mà bé đã biết cầm nắm, lựa chọn đồ vật ưa thích, lại có đủ răng để nhai, cắn, nhưng chưa thể biết nguy hiểm khi “thưởng thức” các món đồ này. Không hiếm các trường hợp đến cấp cứu  tại  BV Tai Mũi Họng T.Ư với những dị vật rất đặc biệt như: kim khâu, tăm răng, ghim giấy và không quá hiếm trường hợp hóc đồng xu, đuôi bút bi, hạt hồng xiêm...

Bệnh nhi có thể bị dị vật đường ăn hoặc dị vật đường thở. Có trường hợp em bé mới 9 tháng tuổi, được bà cho ăn chuối nhưng không may, bị sặc đường thở và đã tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ đặc biệt nhấn mạnh: dị vật nếu bị lạc vào đường thở sẽ rất nguy hiểm. Nhẹ cũng có thể gây ho, sặc, tím tái hoặc tổn thương viêm phổi.

Nhưng nếu nặng, em bé có thể bị ngạt và tử vong rất nhanh. BS Chử Ngọc Bình (Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Việt Nam - Cu Ba) cho biết: “Có trường hợp, bệnh nhi hóc hạt lạc, nhà chỉ cách BV 10 phút vận chuyển, nhưng khi  đến cấp cứu, cháu đã tử vong.

Bởi vì, chỉ bị ngưng thở trong 3 phút, bệnh nhi đã không thể qua khỏi”. Do đó, khi trẻ bị hóc dị vật, phụ huynh cần biết cách xử lý kịp thời.

Một số cách xử lý ngay khi trẻ bị hóc dị vật:

* Trường hợp dị vật là chất lỏng: Cho trẻ nằm sấp trên tay hoặc đùi , sau đó vỗ mạnh vào phần lưng (vùng giữa lưng, có xu hướng ở phần trên - khí quản phổi ) 2-3 cái. Việc này giúp trẻ có thể ho bật ra.

Nếu trẻ lớn hơn có thể nằm ngửa rồi ấn tay vào thượng vị, ấn 2-3 cái để trẻ ho bật và thở trở lại. Nếu trẻ chưa thở được, phải hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

* Trường hợp hóc dị vật cứng:  Dù  trẻ không khó thở vẫn cần đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra, xử lý kịp thời (soi gắp). Khi trẻ có biểu hiện khó thở, tím tái có thể xử lý ngay với phương pháp tương tự như bị sặc chất lỏng.

Hoặc có thể thò tay móc ngay dị vật ra, nếu đó là dị vật to, mắc ở phần trên (gây bít tắc thanh môn).

Tuy nhiên, tốt nhất phòng tránh bằng cách không cho trẻ chơi và sử dụng các đồ vật nhỏ, dễ ngậm nuốt. Lưu ý xương khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn ở tư thế phù hợp; tuyệt đối  không gây cười khi ăn, không bịt mũi ép trẻ nuốt.

.Các dị vật dễ gây hóc: vật tròn nhỏ (đồng xu, viên bi);  các loại hạt: lạc, hồng xiêm, đậu, đỗ; các  mảnh vụn xương lẫn trong thức ăn..
.Vị trí hóc: vùng họng (mắc ở hai a-mi-đan), thực quản vùng cổ, thực quản vùng ngực.
.Triệu chứng: nuốt đau, vướng, gây ho, nôn chớ, có thể có hiện tượng khó thở, trằn trọc khi ngủ

 

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.