8 người chết trong vụ lật ghe thảm khốc ở Đà Nẵng

30/04/2007 00:30 GMT+7

* 3 người đàn ông cứu sống 14 hành khách Vào 8 giờ 45 phút hôm qua, chiếc ghe chở 24 người (kể cả chủ thuyền) tham quan làng Vân (Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) rời bến đò Nam Ô. Không đầy nửa tiếng sau, chiếc ghe bị lật úp, tất cả hành khách đều bị con sóng dữ nhấn chìm. 16 người may mắn sống sót, 8 người vĩnh viễn ra đi, trong đó có một người chưa tìm được xác...

Không khí tang tóc bao trùm cả bãi biển phường Hòa Hiệp Bắc khi đoàn thuyền cứu hộ chuẩn bị cập bờ. Tàu cập bến, từng xác nạn nhân được chuyển lên bờ. Những tiếng khóc đau đớn vang lên. Trong những nạn nhân ấy, có những em bé còn quá nhỏ...  Nạn nhân duy nhất không tìm được xác là anh Đoàn Kim Hùng (sinh năm 1969, trú tại phường Phước Ninh, Q.Hải Châu). Đau thương hơn, vợ và đứa con nhỏ chỉ mới tròn 3 tuổi của anh là bé Đoàn Thế Vinh cũng đã ra đi vĩnh viễn. Anh đã đưa cả gia đình cùng đi dã ngoại nhân dịp nghỉ lễ năm nay...

"Sóng to quá, chúng tôi đã cố gắng tiếp cận khu vực bị nạn, nhưng không thể tìm được xác anh Hùng. Mọi cố gắng vẫn đang tiếp tục được triển khai" - trung tá Phạm Ngọc Thân (Chính trị viên Đồn biên phòng 244) nói với phóng viên.

Trong số những người bị nạn có 3 em nhỏ, 5 người lớn, trong đó có 2 phụ nữ. Ngoài gia đình anh Hùng, anh Lê Xuân Thủy (sinh năm 1969, trú tại P.Nam Dương) cùng cô con gái Lê Hoàng Phúc (học lớp 2 trường Tây Hồ) cũng đều tử nạn trong chuyến đi thảm khốc này.  Những người may mắn sống sót trong chuyến tàu lần này đều được lực lượng cứu hộ cõng về, đi men theo đường hầm Hải Vân. Ai nấy đều hoảng loạn. 

Theo những người có mặt tại hiện trường tường thuật lại, chiếc ghe của ông Trương Ngữ (trú tại Nam Ô 2, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu) cùng phụ ghe là ông Trần Công Chức (sinh năm 1953) vốn là ghe đi rớ, chỉ được hoạt động gần bờ. Chiếc ghe không có số hiệu, không hề được phép chở khách, lại chở đến 24 người rời bến Nam Ô. Trên ghe không có phương tiện cứu sinh. Khi ghe đi được 30 phút thì gặp sóng lớn, ông Ngữ thay vì đi thẳng, lại lúng túng điều khiển chiếc ghe tiến về phía bãi Hãm là khu vực nguy hiểm. Nước tràn lên ghe, mọi người hoảng loạn khiến chiếc ghe chao đảo rồi lật xuống, dìm tất cả hành khách lẫn chủ ghe xuống biển sâu.

Lúc này, chủ ghe cùng phụ ghe vốn bơi giỏi, đã cứu sống một số người đưa vào bờ. Anh Nguyễn Đức - một trong những ngư dân tham gia đưa xác những người bị nạn vào bờ - không giấu được mệt mỏi: "Nhiều ngư dân đang đi biển gần đó tham gia cứu nạn và vớt xác, duy có một xác của người đàn ông tụi tui tìm mãi mà không được. Ai đời lại đâm đầu vào bãi Hãm... chỗ đó nguy hiểm lắm!". 

Ngay khi nhận được tin báo, UBND quận Liên Chiểu đã huy động toàn bộ lực lượng công an, biên phòng, Đoàn 74 (Bộ Quốc phòng) và Đặc công nước 409 lập tức triển khai cứu hộ. Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có mặt tại bãi biển Hòa Hiệp, tổ chức lực lượng đưa tiễn người bị nạn, huy động Trung tâm cấp cứu 115 nhanh chóng đưa những người còn sống về Bệnh viện Đà Nẵng. Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu tiếp tục triển khai tìm kiếm xác người bị nạn cuối cùng, khen thưởng kịp thời những ngư dân tham gia cứu hộ, cứu nạn.  

3 người  đàn ông cứu sống 14  hành khách


Hai anh em Trung - Hoạch tại nhà riêng - ảnh: Hữu Trà

Khi xảy ra tai nạn chìm tàu, sự có mặt kịp thời của hai anh em Nguyễn Văn Trung (40 tuổi) - Nguyễn Văn Hoạch (26 tuổi) nhà ở số 59 đường Nguyễn Khuyến, phường Hòa Minh (Liên Chiểu) và ông Trần Mến (ở tổ 20, phường Hòa Hiệp Bắc) đã cứu được 14 người từ cõi chết trở về. 

Chủ nhật, ngày nghỉ, anh Trung cùng với em trai mới từ Tây Nguyên xuống thăm, vác cần ra khu vực ghềnh đá dưới chân đèo Hải Vân câu cá. 9 giờ, cả hai đến bãi số 1 (hay còn gọi là bãi Hãm) buông câu. Khoảng 10 giờ, nghe tiếng kêu cứu thất thanh từ những người đi trên tàu. Anh Trung nhìn ra biển xa thì thấy chiếc tàu từ từ chìm, cách bờ hơn 300 mét. Lúc này sóng biển khá mạnh. Xung quanh khu vực tàu chìm vắng tanh không một bóng thuyền. Hơn nữa, khu vực bãi đá mà các anh đang đứng cũng rất nguy hiểm. Đang loay hoay không biết phải làm gì thì một rồi hai người đi trên tàu bơi vào bờ. Dù biết bơi, nhưng cả hai không thể lên bờ vì sóng đánh mạnh vào mỏm đá, cứ kéo giật lùi hai người xa bờ. Nhìn thấy phía trước có một cái lều của người làm vườn, hai anh em nhanh chân chạy đến tìm dây thừng và ống nước nối lại với nhau.

Anh Trung kể: "Lúc đó trên bờ có 3 người (kể cả ông Mến), dùng hết sức lực ném dây thừng và ống nước ra xa bờ, rồi kêu gào hai người kia nắm lấy dây để chúng tôi kéo vào bờ". Cũng bằng cách trên, thêm hai nạn nhân nữa được đưa vào bờ. "Họ mệt lử, tới bờ là nằm lăn quay nên chúng tôi phải sơ cấp cứu, nhồi bụng cho nước biển ộc ra" - anh Trung nói thêm. "Dường như trên tàu có gì đu bám được là họ bấu víu vào" - anh Hoạch tiếp lời. Một cái thùng đựng nước đá mà có tới 5 người (2 trẻ em và 3 người lớn) đu vào, cách bờ 15 mét thì không vào được nữa dù 3 người lớn đã cố gắng đạp hết sức lực. Dây lại được tung ra, cả 5 người an toàn vào bờ". Trong số này, hai đứa trẻ may mắn thoát nạn là Mai Văn Hà và Mai Văn Hoàng (cùng 6 tuổi) nhà ở tổ 29 phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.  Sau khi đưa 14 người vào bờ, hai anh em anh Trung - Hoạch tiếp tục chuyển 4 xác chết nữa mới chịu rời hiện trường về nhà. Lúc này đồng hồ chỉ 13 giờ chiều. 

Hữu Trà

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.