Phẫu thuật "làm lại cuộc đời"

01/05/2007 17:37 GMT+7

Phong trào "vá cái ngàn vàng" đang rộ lên trong cộng đồng gốc Phi tại Pháp. Mặc cho kẻ chê trách, người ủng hộ, những cô gái da màu trẻ đã nhờ cậy phương pháp trên với hy vọng sẽ tìm được bến bờ hạnh phúc.

Một cô gái ngồi hờ hững bên tách cà phê trong quán cà phê gần đại lộ đẹp nhất thế giới Champs Elysees. Vốn được sinh ra trên đất Pháp, cô gái gốc người Algeria này hoàn toàn là dân Paris chính cống. Tuy nhiên, cách đây 2 tháng, cô đã làm một điều mà chẳng ai trong nhóm bạn của cô từng nghĩ tới: giải phẫu vá màng trinh. "Tôi vui vì đã làm xong chuyện này. Tôi muốn xây dựng lại một phần cuộc đời của mình, muốn tu bổ lại chính mình để cảm thấy đời đáng sống hơn", cô cho biết. Ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ gốc Bắc Phi sống tại Pháp tìm kiếm lối thoát qua các cuộc phẫu thuật như trên. Họ chỉ cần bỏ ra từ 2.000 - 4.000 USD và mất 30 phút là xong. Hiện người ta vẫn chưa thống kê chính xác số cuộc giải phẫu, nhưng theo một bác sĩ phẫu thuật, ông đã thực hiện từ 1 - 3 ca tiểu phẫu mỗi tuần. Nhu cầu ngày càng tăng cao trong 3 năm gần đây.

Theo bác sĩ Marc Abecassis, số tín đồ đạo Hồi gia tăng tại Pháp là nguyên nhân đằng sau khuynh hướng này. Từ thiếu nữ 18 tuổi cho đến phụ nữ 45 tuổi đều muốn trải qua cuộc phẫu thuật làm mới mình. Nhiều bệnh nhân của ông bị kẹp giữa hai thế giới. Họ đã trải qua tình dục với bạn trai cũ, nhưng đến khi lập gia đình thì chịu sức ép từ bố mẹ và chồng sắp cưới. Trong trường hợp của người phụ nữ trẻ trên, cô đã dâng hiến tất cả cho người bạn trai đầu tiên để chứng tỏ tình yêu.

Sau cuộc tình đổ vỡ, không thể đối diện trước viễn cảnh sẽ làm gia đình nhục nhã, cô nghĩ rằng chỉ còn cách “vá cái ngàn vàng" mới giúp cô có lại cuộc sống. Một bệnh nhân khác của Abecassis là Karima tiết lộ hầu hết các phụ nữ trẻ trải qua cuộc phẫu thuật đặc biệt này để nhằm tỏ lòng tôn trọng văn hóa hoặc truyền thống của gia đình chứ chẳng phải vì lý do tôn giáo. Dù ăn mặc, nói chuyện và hành động như các thanh niên Paris khác, một phần con người của họ vẫn đấu tranh giữa giá trị truyền thống của gia đình và giá trị của người Pháp hiện đại.

Karima cũng đã quan hệ tình dục với bạn trai cũ. Cô đã nhận lời cầu hôn của chàng trai sau này và vị hôn phu luôn nghĩ rằng vợ mình hoàn toàn trong trắng. Thế là Karima quyết định đi phẫu thuật. "Tôi không muốn chồng sắp cưới thất vọng. Tôi đã không phải thực hiện điều này nếu không gặp anh ấy", Karima vừa nói vừa chỉnh lại cặp mắt kiếng thời trang và vén mái tóc nâu nhuộm hi-light đang lòa xòa trên mặt. Lhaj Thami Breze, người đứng đầu Hiệp hội các tổ chức người Hồi giáo Pháp, cho biết đạo Hồi quy định cả cô dâu lẫn chú rể đều là trai tân, gái tân trước khi thành hôn. Tuy nhiên, điều luật của đạo không hề đề cập đến việc ủng hộ hoặc chống đối chuyện "khâu vá". Theo Breze, nếu một người phạm phải lỗi lầm nào đó, điều quan trọng nhất là phải ăn năn một cách thành khẩn.

Còn về phía những người "tiếp tay" cho hành động trên thì sao? Nhiều bác sĩ lên tiếng phản đối phẫu thuật vá màng trinh vì cho rằng đây là hành động chống lý tưởng về tự do tình dục và tự do cá nhân. "Cuộc phẫu thuật là đòn tấn công đầy đau đớn vào phẩm giá của chị em phụ nữ", giáo sư Jacques Lansac chỉ trích. Ông nhấn mạnh giới thầy thuốc sẽ không tham gia vào một thị trường đặt giá trị lên phẩm giá của một người phụ nữ. Ông cũng cho rằng bất cứ bác sĩ nào thực hiện những cuộc giải phẫu này tại các bệnh viện nhà nước là đã vi phạm sự tách biệt về mặt luật pháp giữa nhà thờ và nhà nước.

Vấn đề tranh cãi về nhà thờ - nhà nước diễn ra ầm ĩ vào năm 2004, khi Pháp thông qua luật cấm mặc các quần áo theo tôn giáo, khăn choàng mặt tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. Kể từ lúc đó, Abecassis cho biết một số người theo đạo Hồi tại Pháp đã dùng cách ăn mặc để thể hiện nhân dạng của mình. "Mốt thời thượng bây giờ là 2 chữ V - veil (mạng che mặt) và Virginity (trinh tiết)", Abecassis nói. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là cơ quan an sinh xã hội Pháp đã hoàn lại tiền phẫu thuật trinh tiết cho một số đối tượng trong các trường hợp bị xâm phạm tình dục. Abecassis là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc thực hiện phẫu thuật trên và sẵn lòng giúp đỡ bệnh nhân nào không đủ tiền trả chi phí ca mổ. "Cuộc phẫu thuật này mang lại cho họ một cơ hội mới. Đối với nhiều người, đó là lối thoát duy nhất", Abecassis giải thích.

Ngồi cùng một quán cà phê với cô gái được đề cập ở trên là Amel, sinh viên 19 tuổi gốc Morocco, đang chờ đợi đến lượt được Abecassis tư vấn. Cô kể rằng đã hò hẹn với một gã trai khi mới 15 tuổi và chuyện đó đã xảy ra nhanh đến nỗi cô chẳng nhận thức được đã xảy ra chuyện gì. Và đó cũng là lần duy nhất Amel quan hệ tình dục. Hồi đầu năm, cha mẹ giới thiệu cho cô một chàng thanh niên trẻ và họ đã lên kế hoạch cưới nhau vào tháng 6. Tuy nhiên vị hôn phu không chấp nhận lấy một cô gái không còn trinh tiết, và thế là Amel khăn gói lên đường gặp bác sĩ. "Tôi không muốn phẫu thuật nhưng không còn con đường khác để lựa chọn", Amel nói.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.