Sông Nhuệ, sông Đáy kêu cứu!

02/05/2007 01:04 GMT+7

Giải pháp nào ngăn cản 156.500 cơ sở công nghiệp của sáu tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đang ngày đêm xả trực tiếp chất thải công nghiệp xuống sông Nhuệ và sông Đáy? Hai dòng sông đang kêu cứu.

"Mức độ ô nhiễm của sông Nhuệ chỉ có hai từ: kinh khủng! Cách xa vài trăm mét đã ngửi thấy mùi tanh, nồng. Rau trồng quanh sông Nhuệ khi nấu lên nước vẫn đen kịt. Nước từ lòng sông bơm lên tạo thành cột bọt bẩn cao đến hàng mét, có khi phủ kín trạm bơm. Nhiều lần mạ bị chết héo do tưới nước sông" - ông Nguyễn Hữu Nghiêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây bức xúc khi trao đổi với PV Thanh Niên bên lề hội nghị "Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy" diễn ra hôm 24.4 tại Hà Nội. Phát biểu trước hội nghị, ông Nghiêm "khẩn thiết đề nghị các nhà khoa học từ Trung ương ra tay nghiên cứu giúp nhân dân các địa phương".

Sông Nhuệ là con sông mẹ, tiếp nhận 500.000m3 nước thải mỗi ngày từ bốn con sông thoát nước của Hà Nội: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét. Kết quả giám định của Viện Quy hoạch thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tại cầu Tó, nơi nhận nước thải lớn nhất tại sông Tô Lịch, hàm lượng các chất hóa học đều vượt giới hạn B (giới hạn độc hại của tiêu chuẩn 5942 - tiêu chuẩn dùng để đánh giá mức độ ô nhiễm của một nguồn nước mặt) nhiều lần. Lượng NO2 có lúc đạt 0,508 mg/lít (vượt giới hạn B 10 lần); lượng NH4+ là 2,005 mg/l (gấp đôi giới hạn B); lượng Coliform, loại vi khuẩn có trong phân từ 110.000 - đến 330.000 mpn/100 ml (vượt quá giới hạn B 33 lần).


Một ống cống đổ ra sông Nhuệ

Hậu quả của tình trạng ô nhiễm trên rất rõ ràng. Theo kết quả điều tra của ĐH Y Hà Nội về tình trạng bệnh tật do nguồn nước sông Nhuệ ở 2 xã Hoàng Tây và Nhật Tây (Kim Bảng, Hà Nam): 21% trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực này mắc bệnh tiêu chảy, 86% trẻ em mắc bệnh giun đũa, 76% mắc bệnh giun tóc và 9% mắc giun móc. 60% dân số Kim Bảng nhiễm bệnh về mắt, 20% nhiễm bệnh ngoài da, 53% nhiễm bệnh phụ khoa.

Theo dự kiến, đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy phải trình lên Thủ tướng Chính phủ trước 30.6.2007. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa xác định được cơ quan nào sẽ giữ vị trí "đầu tàu" để dự án được khởi hành: Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) hay UBND TP Hà Nội làm trưởng ban, là cầu nối giữa các bộ, ngành và tỉnh, thành.  

Mục tiêu của đề án là đến năm 2012, sáu tỉnh, thành phố phải xử lý tất cả các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; 70% khu công nghiệp, khu chế xuất trong lưu vực phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 40% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý. Ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực là nhiệm vụ quan trọng hơn cả. Mấu chốt để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên sông Nhuệ - Đáy vẫn là ý thức của người dân và doanh nghiệp.

Theo bà Đào Anh Điệp - Phó phòng Môi trường (Sở TN-MT) Hà Tây, vấn đề nan giải làm thế nào quản lý được các làng nghề đang thoải mái xả nước thải độc hại vào sông Nhuệ. Chỉ riêng ở Hà Tây, hiện quanh lưu vực sông Nhuệ đã có khoảng trên 200 làng nghề đang hoạt động, lượng xả nước thải rất lớn. Chưa có quy định nào buộc những làng nghề này phải xây dựng các khu xử lý nước thải. Chỉ tính riêng làng nghề nhuộm, dệt tơ tằm Vạn Phúc, với 40 hộ làm nghề nhuộm mỗi ngày đêm đã đổ ra sông từ 300 - 350m3 nước thải, bằng cả một nhà máy dệt lớn. Để cứu dòng sông, song song với việc buộc các cơ sở công nghiệp phải thực hiện nghiêm xử lý nước thải thì các làng nghề cũng phải xây dựng khu xử lý nước thải.

Phương Liên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.