Bên cạnh những việc hợp lòng dân nói trên, hai việc sau đây rất cần được quan tâm chấn chỉnh.
Thứ nhất, trong việc tổ chức thi học kỳ II cho tất cả các trường THPT của thành phố, khâu chuẩn bị chuyên môn tốt, các đề thi không có sai sót mà có tác dụng rèn luyện cho học sinh năng lực phân tích, tư duy. Thế nhưng việc tổ chức cho các trường nhận đề thi không khoa học và có sự phân biệt đối xử.
Vì sao đại diện các trường công lập được đến nhận đề ở cụm và được nhận sớm? Cụ thể, hai bài thi sáng thứ hai được nhận từ chiều thứ bảy; hai bài thi sáng thứ ba được nhận từ chiều thứ hai và hai bài cuối cùng được nhận từ chiều thứ ba. Cách làm này giúp các trường công lập đỡ phải đi xa, không bị cập rập. Trong khi đó đại diện các trường dân lập, tư thục phải đến Sở nhận đề. Ngày nào nhận đề thi ngày ấy vào lúc 5 giờ 30 sáng, bất kể trường ở quận 1 hay quận 3 (gần Sở GD - ĐT) hay ở Hóc Môn, Gò Vấp (cách Sở mươi, mười lăm cây số). Chỉ vài ba trường thuộc loại "đại gia" có ô tô còn đỡ khổ, còn các trường khác, để tiết kiệm chi phí đã cử người đến nhận bằng xe gắn máy. Mỗi trường hai người hai xe. Có trường hai cơ sở thì bốn người bốn xe. Trường Nguyễn Khuyến chiếm giải quán quân, cử đến sáu người sáu xe vì có ba cơ sở đặt lớp học. Tâm lý người đi nhận bị ức chế, vì phải vội vội vàng vàng đưa đề thi về trường, sao cho kịp giờ họp giám thị (lúc gần 7 giờ sáng) để kịp cho các em làm bài lúc 7 giờ 30. Giả định có trục trặc dọc đường (hỏng xe, va quệt, tắc nghẽn giao thông), việc thi cử sẽ giải quyết ra sao? Không chỉ mấy người đi nhận đề bị ức chế mà đông đảo Ban giám hiệu, giáo viên các trường ngoài công lập thấy tủi thân, vì bị phân biệt đối xử kiểu "con nuôi, con đẻ". Giá mà họ cũng nhận được đề ở cụm như các trường công lập...
Chuyện nhỏ thứ hai. Mới đây các trường ngoài công lập nhận được một công văn của Sở, yêu cầu mỗi trường phải nộp 100 phong bì in sẵn tên "Nơi gửi: Sở GD - ĐT TP.HCM". Lý do: chia sẻ với Sở gánh nặng chi phí! 100 phong bì đáng bao nhiêu tiền? Và tại sao lại chỉ các trường ngoài công lập mới phải chịu khoản đóng góp này? Chủ trương này càng tô đậm thêm ấn tượng "con đẻ, con nuôi" nói trên, trong khi các cấp lãnh đạo nói rất hay về chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Theo tôi biết, nhiều trường ngoài công lập sẵn sàng góp công góp của với Sở nói riêng, với Nhà nước nói rộng ra. Nhưng với điều kiện họ được đối xử bình đẳng như các trường công lập, công bằng trong mọi hoạt động.
V.B
Bình luận (0)