Doanh nghiệp tự quyết giá xăng: Tất cả cùng tăng 800 đồng/lít, vì sao?

08/05/2007 00:12 GMT+7

Quyền tự quyết định giá bán xăng đã được Nhà nước trao cho các doanh nghiệp (DN). Có bao nhiêu DN kinh doanh xăng là có bấy nhiêu sự khác biệt về quy mô, phương thức hoạt động, cách tính toán giá thành, lợi nhuận… Thế nhưng từ 0 giờ ngày 7.5, giá xăng đồng loạt tăng 800 đồng/lít !

Cơ chế đăng ký giá có cần thiết?

Vì sao tất cả đều tăng giá 800 đồng/lít? Một cán bộ kinh doanh của Công ty Saigon Petro cho rằng: "Petrolimex chiếm thị phần đến 65% nên có thế nào đi nữa chúng tôi cũng phải nhìn vào ông này để quyết định giá. Mặc dù vẫn còn lỗ đó, nhưng ông ấy bán 800đ, chúng tôi không thể bán 1.000đ được". Còn một lãnh đạo của PETEC thì cho rằng DN cẩn trọng vì đây là lần đầu tiên được quyết định giá nên không dám gây sốc cho thị trường và dù sao Nhà nước vẫn quản lý.

Nhiều DN đầu mối nhập khẩu xăng cho rằng sẽ khó có sự chênh lệch nhiều về giá giữa các công ty kinh doanh xăng. Ông Bùi Ngọc Bảo - Phó tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, giống như gạo hay dầu thô, mặt hàng xăng có đặc thù riêng. Dù nhiều công ty kinh doanh nhưng đối với những mặt hàng mà hàm lượng dịch vụ cộng thêm vào rất thấp này khó mà có sự chênh lệch lớn về giá giữa các DN với nhau. "Nếu xét về uy tín thương hiệu có thể Petrolimex sẽ bán cao hơn đơn vị khác 20 đồng/lít xăng vẫn có người mua, nhưng nếu bán chênh lệch hơn từ 50-100 đồng/lít thì chưa chắc khách hàng chịu mua ở cửa hàng của Petrolimex", ông Bảo nhận định.
Theo thỏa thuận giữa liên Bộ Thương mại - Tài chính với các DN, mỗi lần tăng giá, DN không được tăng quá 1.000 đồng/lít. Nhằm giảm tác động tâm lý đến người tiêu dùng, DN có thể chia nhỏ các lần tăng. Liên bộ và DN cũng thỏa thuận, với mức tăng tối đa 1.000 đồng/lít thì trong 3 tháng DN không được tăng quá 2 lần.

Một lãnh đạo DN khác thì cho rằng: Nếu thực hiện như trước đây, nghĩa là Nhà nước đưa ra giá định hướng, giá này phải bám sát thực tế thị trường và cho DN tăng hoặc giảm giá theo biên độ 10%, thì sự chênh lệch về giá giữa các DN mới có cơ may xảy ra. DN có điều kiện kinh doanh khác nhau, chi phí khác nhau thì phải có mức giá khác nhau. Đó là cạnh tranh. Bởi, DN nào cũng hoạt động hướng đến mục tiêu có lợi nhuận và gia tăng thị phần. Việc chưa có một mức giá khác nhau giữa các DN kinh doanh xăng cơ bản là do cách thức điều chỉnh giá hiện nay.

Hiện nay để có thể điều chỉnh giá xăng, các DN phải đăng ký với liên bộ rồi chờ trong 2 ngày, thời gian 2 ngày này quá đủ để rò rỉ thông tin tăng giá xăng ra ngoài. Một DN nói thẳng: "Chúng tôi kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, chỉ cần đóng cửa một cây xăng chứa 20.000 lít qua một đêm, chúng tôi có thể kiếm được 16 triệu đồng. Bình thường, để bán hết 20.000 lít xăng kia chắc gì chúng tôi kiếm lãi được ngần ấy thì cớ gì chúng tôi không nghĩ ra lý do gì đó để đóng cửa cây xăng vài tiếng đồng hồ".

Taxi âm thầm tăng giá


Giá xăng tăng, giá cước taxi sẽ âm thầm tăng. Ảnh: D.Đ.M
Chịu tác động trực tiếp của đợt tăng giá xăng là các DN taxi, những người hành nghề xe ôm. Chị Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Cokpi - doanh nghiệp kinh doanh xe máy ôm, cho biết: "Nếu các chủ xe có ý kiến tăng giá cước, chúng tôi sẽ tăng". Lãnh đạo hãng Airport Taxi cho biết, với mức tăng 800 đồng/lít xăng, một tháng DN tăng thêm gần 100 triệu đồng chi phí nhiên liệu. Để bù đắp vào mức tăng này, xí nghiệp phải cắt giảm mọi chi phí và cũng đã tính đến phương án điều chỉnh giá cước. Giám đốc một hãng taxi khác cho biết không phải cứ xăng tăng bao nhiêu, giá cước vận tải tăng bấy nhiêu mà giá cước thường tăng ít hơn. Do cạnh tranh nhau, nên hiếm có DN nào thông báo công khai là tăng giá cước nhưng thực tế việc này vẫn diễn ra. Các DN thường vẫn giữ giá cước 1-2 km đầu và tăng giá ở những km sau. (Xuân Toàn)

Lãnh đạo của PETEC và Petrolimex đều cho rằng "cơ chế đăng ký giá" hiện nay là không cần thiết. "Điều hành vĩ mô, lẽ ra Nhà nước chỉ nên quy định một cái khung, ai vượt qua ranh giới đó sẽ bị huýt còi, chứ không nên đi vào cụ thể", lãnh đạo một DN nhận xét.

Liên bộ đã có tính toán chống liên minh độc quyền
 

Trao đổi với báo chí sáng 7.5, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, đợt tăng giá đầu tiên do DN tự quyết định đã không gây biến động lớn. Về sự trùng hợp của 11 DN đầu mối tăng cùng lúc 800 đồng/lít, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết, trước khi tăng giá để đảm bảo thị trường không biến động, Bộ đã đề nghị các DN nên trao đổi cùng nhau, tăng cùng một mức giá vào cùng một thời điểm. Ông giải thích thêm: Về nguyên tắc các DN có thể định giá khác nhau, nhưng như thế các DN sẽ khó kinh doanh vì người tiêu dùng sẽ đổ xô vào những cửa hàng có giá bán thấp.

Trước dư luận lo ngại, các DN sẽ bắt tay nhau tăng giá, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết, liên Bộ Tài chính - Thương mại đã có những tính toán cụ thể để chống liên minh độc quyền. Trước khi Nghị định 55/ NĐ-CP (trao quyền quyết định giá xăng cho các DN - PV) có hiệu lực, Bộ Thương mại đã họp với các DN và đưa ra quan điểm là tăng giá theo thị trường nhưng không gây biến động lớn. Bộ cũng đưa ra nguyên tắc cho các DN là không tăng giá lập tức theo biến động của giá thế giới, vì giá xăng dầu lên sẽ kéo giá các mặt hàng khác tăng theo.

Doanh nghiệp tự quyết định giá xăng dầu chỉ là hình thức...

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng: "Việc để thị trường quyết định giá là chủ trương phù hợp. Tuy nhiên, đối với xăng dầu, Nhà nước hiện nay chưa có một lộ trình cho các DN tham gia kinh doanh cạnh tranh nhau mà đùng một cái thực hiện nên xét cho cùng chỉ là hình thức, thực chất Nhà nước vẫn quản lý giá.

Theo tôi, lộ trình này, Nhà nước có thể tiến hành từng bước, từ ấn định biên độ tăng giảm giá đến việc cho các thành phần kinh tế, kể cả DN nước ngoài có thực lực tham gia. Hằng năm, Nhà nước đưa ra một công thức tính giá chung để các DN nghiên cứu nếu thấy chấp nhận được thì tham gia. Sau 3-4 năm mọi việc hoàn chỉnh, lúc bấy giờ việc cạnh tranh giữa các DN mới thực sự đúng nghĩa, người tiêu dùng mới có lợi.

Hiện nay, 11 DN đầu mối xăng dầu trên danh nghĩa là cạnh tranh nhưng thực chất vẫn là độc quyền. Khi đã là kinh doanh độc quyền thì xu hướng điều chỉnh giá bao giờ cũng tăng chứ không giảm. Khi đầu vào là giá xăng dầu thế giới tăng, theo thông lệ các DN sẽ kiến nghị tăng giá mà không có một kế hoạch tiết giảm chi phí DN để chia sẻ với người tiêu dùng. Giá thành xăng dầu hiện nay là giá thành DN, tức cộng luôn chi phí của DN vốn không được kiểm soát chứ không phải giá thành xã hội (giá thấp nhất để DN cạnh tranh). Vì vậy xét cho cùng người tiêu dùng vẫn phải gánh luôn chi phí "không muốn cải tiến" này. Đó là chưa kể hạ tầng giao thông hiện tại phát triển ì ạch làm cho chi phí vận chuyển tăng lên, cũng được cộng vào giá thành.

- Ông Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính): "Với mức tăng giá xăng 800 đồng/lít, chắc chắn sẽ không làm các mặt hàng khác tăng đột biến. Tuy nhiên, nó sẽ tác động ít nhiều đến yếu tố tâm lý và phản ứng dây chuyền ở một số ngành, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như vận tải. Điều lo ngại nhất hiện nay, nếu Nhà nước điều chỉnh không tốt, vùng sâu, vùng xa sẽ không có xăng đưa lên bán. Người tiêu dùng chỉ được hưởng lợi trong điều kiện cạnh tranh thực sự. Nghĩa là, thị phần của các DN chiếm gần như nhau và có sự cạnh tranh hết sức mãnh liệt. Còn hiện nay xăng dầu là mặt hàng nhập khẩu 100%, Petrolimex còn độc quyền rất lớn, thì khi DN này tăng, các DN khác chẳng dại gì mà không tăng theo. 

- Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban hội nhập, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư:  "Chủ trương tự do hóa xăng dầu đã được bàn và tính đến từ năm 2004 khi lạm phát tăng cao một phần vì giá xăng dầu. Tôi không quan tâm đến việc giá tăng thêm 800 đồng/lít, điều quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào minh bạch hóa và thay đổi cấu trúc thị trường cho cạnh tranh hơn. Một khi thị trường chưa cạnh tranh, chi phí của doanh nghiệp có hợp lý hay không vẫn còn là câu hỏi? Cũng như viễn thông trước đây, vì chi phí này nọ nên giá cao, nhưng khi có nhiều DN cạnh tranh giá đã giảm xuống".

Thu Hằng - Hùng Sơn

Trung Bình - Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.