Năm 2006, Việt Nam cũng lần đầu tiên chạm mốc 3 tỉ USD doanh thu từ CNTT, trong đó xuất khẩu chiếm 1,8 tỉ USD... Đặc biệt, sự hình thành và phát triển của 8 doanh nghiệp viễn thông đã cho phép Việt Nam xóa bỏ thế độc quyền, mở cửa thu hút đầu tư và liên doanh với quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ BCVT, có 7 vấn đề yếu kém tồn tại, cản trở sự phát triển của ngành BCVT gồm: hạ tầng mạng quy mô còn nhỏ, chênh lệch; năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế; việc tách bưu chính khỏi viễn thông còn chậm, chưa tạo động lực phát triển; cơ chế đầu tư còn nhiều vướng mắc; ứng dụng CNTT chưa đạt hiệu quả và chậm; vấn đề an ninh mạng; thiếu trầm trọng nhân lực CNTT, không có "thủ lĩnh" CNTT.
Bộ BCVT cũng xác định những mục tiêu chiến lược tới năm 2010 với chỉ tiêu rất cao so với những mục tiêu từng dự kiến trước đây: mật độ điện thoại đạt 55-60 máy/100 dân, 35-40% dân số dùng internet... Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, việc phát triển BCVT, CNTT cần tránh cơ chế xin cho, bao cấp, ưu đãi. Trong lĩnh vực viễn thông, cần xác định xây dựng 3 doanh nghiệp chủ chốt đủ tiêu chuẩn 3G, 3 doanh nghiệp phát triển công nghệ Wimax. Thủ tướng cũng đề cập đến việc xem xét, đổi tên Bộ BCVT thành Bộ CNTT - Truyền thông. Liên quan đến Đề án 112, Thủ tướng cho biết, Đề án 112 có mục tiêu tốt, nhưng hiệu quả chưa tương xứng với mục tiêu, công sức và kinh phí. Việc dừng đề án này là để rút kinh nghiệm, đánh giá lại. Tuy nhiên, vấn đề ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước vẫn sẽ thực hiện và tuân theo Nghị định 64. Thủ tướng yêu cầu: Bộ BCVT trong tháng 6.2007 phải xây dựng đề án "Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước", có kế thừa Đề án 112 để tránh lãng phí.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự Hội nghị triển khai kế hoạch dạy nghề, việc làm và xuất khẩu lao động giai đoạn 2007 - 2010 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định việc hỗ trợ trực tiếp cho người học nghề là rất quan trọng. Thủ tướng cam kết Chính phủ sẵn sàng cân đối ngân sách và dành khoảng 1 tỉ USD để cho người lao động vay học nghề với lãi suất thấp. Ông đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với ngân hàng đầu tư phát triển, ngân hàng chính sách bàn về cơ chế cho vay. Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiều lần rằng, xuất khẩu lao động không bao giờ là giải pháp lâu dài để tạo việc làm cho người lao động, mà cốt lõi chính là phải đào tạo nghề để người lao động tìm được việc làm bền vững.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đoàn đại biểu tỉnh Quảng Tây do ông Lưu Kỳ Bảo, Bí thư khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) dẫn đầu tại Văn phòng Chính phủ.
T.Thúy - T.Nhung - TTXVN
Bình luận (0)