Đài tưởng niệm chiến tranh thế giới thứ II tại Washington DC

11/05/2007 00:13 GMT+7

Thế chiến 2 không có những trận đánh xảy ra trên đất Mỹ nhưng là một quốc gia thuộc phe “Đồng minh” chống phát xít, đã có 16 triệu nam nữ quân nhân Mỹ trực tiếp tham chiến và 400.000 người trong số đó đã không trở về trong ngày chiến thắng. Những đóng góp của các chiến binh và nhân dân Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 không nhỏ, nhưng phải tới 59 năm sau ngày kết thúc chiến tranh, nước Mỹ mới có đài tưởng niệm về cuộc chiến đó.

Ý tưởng xây dựng một đài tưởng niệm về thế chiến 2  được Hạ nghị sỹ Marey Kaptur của bang Ohio đưa ra bàn thảo trước Quốc hội  vào năm 1987 theo khuyến nghị của một số cựu binh Mỹ, đứng đầu là cựu chiến binh Roger Dubin. Cho tới năm 1993, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Bill Cliton mới ký sắc luật xây dựng đài tưởng niệm chiến tranh thế giới lần thứ 2.  Lễ động thổ được tiến hành trong khuôn viên khu vực các đài tưởng niệm quốc gia của thủ đô Washington vào ngày 11/11/2000. Đến tháng 9/2001 việc xây dựng  được bắt đầu. Tới ngày 29/4/2004, khu tượng đài cơ bản hoàn thành và đón những vị khách đầu tiên. Lễ khánh thành được tiến hành đúng 1 tháng sau đó. Kể từ ấy tới nay, khu tưởng niệm mở cửa đón khách liên tục tất cả các ngày trong tuần và dòng du khách tới đây hầu như không ngưng nghỉ, nhiều người trong số đó là những thành viên của 4 triệu cựu binh Mỹ tham gia thế chiến 2 còn sống tới bây giờ.

Khu vực đài tưởng niệm chiến tranh thế giới thứ 2 nằm giữa hai đài tưởng niệm Tổng thống George Washington và Tổng thống Abraham  Lincoln có diện tích chừng 76.000 m2. Quần thể kiến gồm đài chiến thắng có tên gọi “Pacific” (Thái Bình Dương) và đài chiến thắng có tên gọi “ Atlantic” (Đại Tây Dương), mỗi đài cao 13m đứng đối diện nhau qua một mặt hồ rộng 3.300 m2 với tên gọi “hồ cầu vồng”. Nối thành vòng tròn giữa hai đài chiến thắng là 56 trụ đá cẩm thạch, mỗi trụ đá cao 5m, tượng trưng cho 48 bang và các vùng lãnh thổ của Mỹ thời bấy giờ. Trên tất cả 56 trụ đá đều khắc tên của từng bang hay vùng lãnh thổ và gắn biểu tượng chiến thắng- Vòng nguyệt quế. Để tưởng nhớ và ghi công những người đã bỏ mình trong cuộc chiến, một bức tường gắn 4.000 ngôi sao vàng (mỗi ngôi sao tượng trưng cho 100 tử sỹ) được dựng lên gần bên phía đài “Atlantic”. Khi gây quĩ xây dựng đài tưởng niệm, các cựu binh và người dân Mỹ đã đóng góp trên 180 triệu USD  trong khi chính phủ liên bang chỉ rót khoản tiền 16 triệu USD cho dự án xây đài tưởng niệm. Tác giả thiết kế công trình kiến trúc này là kiến trúc sư  Friedrich St. Florian.

Những ngày đầu tháng 5, thời tiết Washington thật đẹp. Trời trong xanh, nắng rực rỡ và hơi ấm đầu hè đã trả lại cho tất cả cây cối một màu xanh mướt mát. Với thiên nhiên như vậy, dòng du khách đến Washington đông thật đông. Họ không chỉ là những người đến từ 50 bang của nước Mỹ, họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau và hầu hết các du khách đều tới thăm đài tưởng niệm chiến tranh thế giới lần thứ 2, tới thăm đài tưởng niệm cuộc chiến tranh Việt Nam… và một số đài tượng niệm các cuộc chiến tranh khác khi họ thăm khu vực các đài tưởng niệm của thủ đô Washington.

Cuối tuần kết thúc vào ngày 5 và 6 tháng 5, tuần kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2, tuần kỷ niệm chiến thắng chủ nghĩa phát xít, khu vực đài tưởng niệm thế chiến 2 rất đông các cựu binh Mỹ, tất cả họ đã là những cụ ông, cụ bà, nhiều người yếu đến mức phải ngồi xe đẩy, nhưng họ vẫn rất vui khi được tới đây để trong thấy nhau, để được nhớ về thời oanh liệt. Một cựu chiến binh cho tôi biết, ông đến từ đảo Hawaii. Như nhiều người đồng đội của ông, các cựu binh Mỹ phải tranh thủ tới đây vì quĩ thời gian sống của họ đang cạn dần. Ông cho biết, trong số 4 triệu cựu binh thế chiến 2 còn lại trên đất Mỹ, tới bây giờ, mỗi ngày có tới cả ngàn cụ ra đi bởi lớp các cựu binh này, những người trẻ nhất cũng đã ngoài 70. Do vậy các nhóm cựu binh thường liên lạc với nhau và cố gắng thực hiện sớm các tour du lịch tới những chiến trường xưa hay tới các đài tượng niệm về  chiến tranh thế giới lần thứ 2…

Nhìn những cựu binh tóc bạc, da mồi đã lăn lộn một thời khói lửa trong thế chiến 2, tôi không thể không nhớ tới hình ảnh những con người “ Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” để “Chín năm làm một Điện Biên; nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” hay những  lớp người thuộc thế hệ “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; mà lòng phơi phới dậy tương lai” để mang lại khúc khải hoàn cho đất nước, để “đất nước trọn niềm vui” vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1975. Với những con người đó, đài chiến thắng đẹp nhất, nguy nga nhất là đất nước liền một dải, các dân tộc anh em trong đất mẹ Việt Nam được sống trong hoà bình.

Tô n Xô (Viết từ Washington DC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.