Ngày 11/5 vừa qua, một quan chức của Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin cho biết: Tiếp theo cuộc thanh tra phần mềm được thực hiện vào cuối năm 2006, Bộ mới vừa kiểm tra công ty TNHH NIKKISO Việt Nam nằm trong khu Công nghiệp Tân Thuận và công ty TNHH Thương mại Hoàng Hà có địa chỉ tại khu Công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) về việc sử dụng các phần mềm máy tính lậu.
Cuộc thanh tra này là một hành động tiếp theo nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm xuống bằng mức trung bình trong khu vực vào năm 2010 theo Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg ngày 12/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010. Trong thời gian tới, các cuộc thanh tra này sẽ tiếp tục được tiến hành liên tục và trên diện rộng, chứ không còn chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM như trước kia.
Hai cuộc thanh tra trên được Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Phòng Chống tội phạm công nghệ cao, Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15), Bộ Công an thực hiện. Trong cuộc kiểm tra đột xuất này, tại công ty NIKKISO (công ty của Nhật Bản) đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện gần 30 máy tính cài đặt các phần mềm vi phạm bản quyền để sử dụng phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty. Trước những chứng cứ trên, lãnh đạo công ty NIKKISO đã thừa nhận hành vi sao chép phần mềm máy tính mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu và ký vào biên bản vi phạm hành chính. Theo kết quả thanh tra, tổng giá trị các phần mềm bất hợp pháp tại công ty NIKKISO ước tính lên tới gần 600 triệu đồng Việt Nam.
Trong cuộc thanh tra thực hiện tại công ty TNHH Thương mại Hoàng Hà, đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện hơn 50 máy tính chứa các phần mềm vi phạm bản quyền, ước tính giá trị thiệt hại do sử dụng các phần mềm lậu lên tới gần 1tỷ đồng. Các phần mềm vi phạm bao gồm: bộ gõ Vietkey, ACDSee, WinRar, Adobe, Symantec Antivirus,M 2003, Microsoft Frontpage, Microsoft Windows 2003 Server và 1 số chương trình phần mềm dành cho máy chủ của Microsoft; bộ từ điển Lạc Việt mtd 2002-EVA. Đoàn thanh tra liên ngành cho biết lãnh đạo cả hai công ty trên đều cam kết sẽ sớm làm việc với bên chủ sở hữu để mua bản quyền phần mềm.
Ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) cho biết: "Ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong những năm gần đây và đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực gia công phần mềm. Với những tiềm năng to lớn về đội ngũ nhân lực, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đứng trong danh sách các nhà cung cấp dịch vụ CNTT toàn cầu.
Sự kiện Việt Nam gia nhập WTO cũng là cơ hội tốt để ngành Công nghiệp CNTT Việt Nam thâm nhập quốc tế và tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, làm ăn với các doanh nghiệp quốc tế thì sự minh bạch, rõ ràng và một cơ chế luật pháp nghiêm túc được đặt lên rất cao. Hiện nay, hệ thống luật pháp về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã tương đối tương đồng với hệ thống luật pháp quốc tế và đáp ứng được những yêu cầu của quốc tế. Bên cạnh đó, vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm vẫn làm các nhà đầu tư e ngại khi muốn đầu tư vào Việt Nam. Nếu Việt Nam giảm tỷ lệ vi phạm xuống ở mức trung bình trong khu vực chắc chắn các nhà đầu tư sẽ yên tâm chọn Việt Nam là điểm đầu tư lý tưởng, đồng thời uy tín và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam tiến ra thị trường quốc tế cũng tăng cao".
Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay đang là vấn đề nhức nhối, gây nên tâm lý bức xúc trong giới sáng tạo, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, vấn nạn này còn tác động không nhỏ tới môi trường sáng tạo và đầu tư, khiến cho các đối tác nước ngoài e ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, phần mềm máy tính là lĩnh vực bị xâm hại nhiều nhất. Để thích nghi với môi trường kinh doanh có sự ràng buộc của cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng không phải là chuyện dễ làm đối với các doanh nghiệp nhưng lại là yêu cầu cần thiết khi Việt Nam đã là thành viên của WTO. Gia nhập sân chơi này đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi thói quen, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ của người khác để tránh các khiếu kiện sẽ xảy ra, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu và uy tín của chính mình.
Để từng bước thích nghi với một nền kinh tế có sự bảo hộ chặt chẽ của cơ chế sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp phải đầu tư thời gian cho việc tìm hiểu hệ thống luật pháp và chi phí để sử dụng cơ chế này. Chi phí mua phần mềm có bản quyền sẽ không còn là vấn đề quá nặng nề nếu các doanh nghiệp nhìn nhận rằng: mua phần mềm máy tính cũng là một khoản đầu tư của công ty và vốn đầu tư này sẽ giúp cho doanh nghiệp sinh lời. Cụ thể là phải tính toán đến ngân sách hàng năm chi cho việc mua bản quyền phần mềm cũng tương tự các khoản chi khác như xe cộ, bàn ghế, các phần mềm kế toán, tài chính, văn phòng... từ đó, các doanh nghiệp sẽ lên dự toán ngân sách hàng năm để mua các phần mềm có bản quyền sử dụng phục vụ mục đích kinh doanh của mình. Thực tế, đây là một khoản đầu tư hoàn toàn hợp lý nằm trong ngân sách dành cho cơ sở vật chất của mỗi doanh nghiệp hàng năm.
Bảo hộ việc thực thi bản quyền phần mềm cũng sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin non trẻ nhưng đầy tiềm năng của Việt Nam. Việt Nam đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển ngành công nghiệp phần mềm trở thành ngành kinh tế trọng điểm của cả nước. Ngày 12/4/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010. Theo đó, mục tiêu đến năm 2010, Việt Nam đạt trên 800 triệu USD/năm tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ phần mềm. Mục tiêu đến năm 2010, Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm và lọt vào danh sách 15 quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm hấp dẫn nhất trên thế giới. Thủ tướng cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2010, Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm xuống bằng mức trung bình trong khu vực.
Phạm Thanh Hoa
Bình luận (0)