Khi các “sao” Hollywood “tiếp cận” điện ảnh Việt Nam: Điều gì sẽ xảy ra?

12/05/2007 16:25 GMT+7

Tôi nhận tin nhắn của một người bạn diễn viên Việt kiều từ Mỹ: “Bạn tìm email của họ giúp mình, vì ngay tại nước Mỹ này, cơ hội tiếp cận họ rất khó”. Bởi vì họ là những ngôi sao đứng sau màn ảnh, những người đã tạo nên tên tuổi diễn viên và giúp "sao" diễn viên tỏa sáng trên màn ảnh như Julia Roberts (nhận Oscar với diễn xuất trong Erin Brockovich), Drew Barrymore, Sandra Bullock...

Ngày 8.5

7 giờ sáng ngày 8.5, tôi lò dò bước lên tầng trệt của khách sạn Sofitel Saigon. Cố lấy vẻ tự tin nhất, tôi nói với cô lễ tân là cần đợi một người bạn. Lần vào Sài Gòn, đơn vị tổ chức là Cục Điện ảnh Việt Nam không thông tin cho báo giới. Tất cả những phóng viên chạy theo họ đều nhận thông tin từ các hãng phim tư nhân, những nơi mà đoàn sẽ ghé thăm. Lịch lên từ trước nên nếu đoàn đổi ý ghé thăm nơi khác thay cho nơi đã ghi lịch trình thì những kẻ không mời mà đến sẽ bị "việt vị" ngay. 7 giờ hơn, đạo diễn kiêm quay phim Phạm Hoàng Nam xuất hiện. Cuộc trò chuyện thân mật của Phạm Hoàng Nam và đoàn "sao" diễn ra trong buổi ăn sáng. Họ lắng nghe chăm chú và đưa ra các câu hỏi hết sức cụ thể. Phạm Hoàng Nam nói: "Có sự khác biệt rất rõ ràng giữa điện ảnh hai miền Nam - Bắc" thì ngay lập tức, Phil Robinson hỏi: "Cụ thể của sự khác biệt đó là gì?", Phạm Hoàng Nam vừa đáp: "Miền Nam có nhiều hãng phim tư nhân, họ bỏ tiền ra làm phim và họ phải chịu trách nhiệm với đồng tiền của họ, với sự sống còn của hãng phim họ nên phim phải kéo được khán giả". William Horberg hỏi ngay: "Thế thì doanh thu phim như thế nào mới có thể tiếp tục hoạt động? Phim đạt doanh thu cao là bao nhiêu? Kinh phí sản xuất phim là bao nhiêu?".

9 giờ, Hãng phim Giải Phóng. Khá đông đạo diễn, biên kịch của hãng Giải Phóng đã có mặt để đón khách. Khách bước vào, thấy bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Curtis Hanson liền ngồi làm "người mẫu" cho bà Susannah Grant làm "nhiếp ảnh gia", lần lượt những người còn lại đều chụp ảnh với tượng Bác. Ông Duy Anh, đại diện Cục Điện ảnh Việt Nam, đề nghị chia hai nhóm: nhóm các nhà sản xuất và nhóm đạo diễn, biên kịch, quay phim để tiện trao đổi với nhau. Ông Curtis Hanson tỏ ra quan tâm đến chất lượng kỹ thuật của phim Việt Nam và nói rằng phim chỉ ra được nước ngoài khi có chất lượng kỹ thuật đảm bảo. Đạo diễn NSƯT Đào Bá Sơn như được "gãi đúng chỗ ngứa": "Đúng thế. Chúng tôi thiếu cả máy móc lẫn con người". Curtis Hanson hỏi: "Có hãng nào chuyên thực hiện âm thanh trong phim không?". Khi nhận câu trả lời là "Không" thì ông nói có thể phía bạn sẽ hỗ trợ về vấn đề này. Không hiểu sao ông Duy Anh không "truy tới" rằng cái "có thể" ấy là khi nào. Sau khi nghe về tình hình khó khăn kinh phí kể từ khi nhà nước hết bao cấp, ông Hanson gợi ý: "Tôi nghĩ các ông nên học theo kiểu các nhà làm phim độc lập của Mỹ. Họ vẫn làm phim rất tốt trong điều kiện kinh phí thấp. Ví dụ như Little Miss Sunshine". Ông ngừng lời: "Quý vị ở đây đã xem chưa ạ?". Khi gặp những cái lắc đầu, ông nói tiếp: "Phim này chỉ tốn khoảng 8 triệu USD. Đó là số tiền rất thấp nếu so với những phim như Spider-man 3 với mức kinh phí 258 triệu USD. Tuy nhiên, hiện tại, phim này đã thu lời gấp chục lần". Nhà quay phim sinh ra tại Mexico - Emmanuel Lubezki chia sẻ: "Hoàn cảnh của các bạn bây giờ cũng giống như Mexico của chúng tôi trước đây. Vấn đề là làm thế nào để có phim tốt trong điều kiện hạn hẹp của kinh phí". Nhà biên kịch phim tài liệu Văn Lê có cuộc gặp gỡ hết sức thú vị với ông Chuck Searey. Năm 1968, Văn Lê là một chiến sĩ bộ đội tấn công vào Sài Gòn còn Chuck Searey là một quân nhân Mỹ đóng tại nơi này. Hiện nay, ông Chuck là Trưởng đại diện tại Việt Nam của Quỹ tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ, Phó chủ tịch Tổ hợp Phát triển Doanh thương Việt Nam - đơn vị giúp Cục Điện ảnh Việt Nam tổ chức sự kiện mời các nhà sản xuất, đạo diễn của Mỹ sang Việt Nam.

14 giờ ngày 8.5, cuộc gặp gỡ tại xưởng phim hoạt hình 3D Dolfilm -Vinamation đã gây ấn tượng đặc biệt với các nhà làm phim Mỹ. Một cơ ngơi khiêm tốn về diện tích nhưng trang thiết bị hiện đại, ba ông chủ trẻ  Đỗ Quang Minh, Nguyễn Hữu Tú, Lê Hoàng Nguyên đàm đạo thoải mái với khách bằng tiếng Mỹ. Tất cả khách trầm trồ và không khỏi thán phục khi nghe những người trẻ ở đây trình bày công việc. Ông William Horberg động viên: "Tôi rất có niềm tin là các bạn còn tiến xa hơn nữa".

Ngày 9.5


Và chụp hình tại Hãng Dolfilm
12 giờ trưa. Phim trường của hãng phim Việt thuộc Công ty BHD nhộn nhịp. Quay phim vừa đoạt Cánh diều vàng Nguyễn Tranh đã có mặt từ sớm, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Phan Quang Bình, NSƯT Ngọc Hiệp, quay phim K'Linh đều háo hức đợi chờ. Cơn mưa ập xuống bất ngờ đã khiến các vị khách quá đỗi ngạc nhiên khi con đường đến phim trường thành "dòng sông uốn quanh". Quay phim Nguyễn Tranh yên lặng quan sát, lắng nghe các đồng nghiệp. K'Linh thì liên tục "bị" ông Curtis Hanson hỏi. Khách hết sức quan tâm đến đội ngũ các nhà làm phim trẻ ở Việt Nam. Gần như đi đến đâu họ cũng hỏi về việc này. Không dưới một lần, Curtis bày tỏ sự tin tưởng vào những người trẻ và cho rằng giới trẻ sẽ thay đổi diện mạo điện ảnh Việt Nam. Bà Susannah tỏ ra ngạc nhiên khi được biết tại Việt Nam đa số các đạo diễn kiêm thêm chức danh biên kịch nhưng lúc được hỏi làm nghề gì thì họ chỉ nói "Tôi là đạo diễn",  bà nói: "Cũng phải tự hào vì bạn là biên kịch chứ. Bởi vì kịch bản chính là yếu tố đầu tiên và căn bản để tạo nên một bộ phim hay, không phải vì tôi là biên kịch nên tôi mới nói thế".  Ông Curtis thêm: "Nhất là khi các bạn không có nhiều tiền để làm những thứ khác như kỹ xảo hoặc đại cảnh công phu...". Các vị khách đã thưởng thức món khoai mì, gỏi cuốn và nhiệt tình khen ngon.

14 giờ,  tại Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM, các vị khách gợi nhớ đến tỉ phú Bill Gates khi đặt vấn đề về nạn băng đĩa lậu. Đạo diễn Tường Phương "cứu nguy đội nhà" bằng cách lật ngược: "Tôi sang Mỹ cũng thấy phim Việt bị in lậu. Tôi hiểu là chỉ một bộ phận làm việc đó. Vả lại còn một vấn đề khác nữa là khi chúng tôi cũng muốn bỏ tiền đàng hoàng để xem những phim như Babel, Letters from Iwo Jima thì rạp không chiếu". Ông Willam Horberg khẳng định: "Chúng tôi sẽ nhanh chóng xúc tiến việc làm thế nào để các bạn có thể xem phim Mỹ hợp pháp". Ông Horberg nhấn mạnh: "Tôi nghĩ là nền điện ảnh của các bạn sẽ phát triển nếu như các bạn tôn trọng tự do sáng tạo của các nghệ sĩ, họ cần đưa ra những câu chuyện phản ánh nhận thức về thế giới một cách chân thực và cảm động". Bà Thế Thanh đại diện Sở Văn hóa tán thành nồng nhiệt: "Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông".

16 giờ, buổi trao đổi tại khách sạn Sofitel diễn ra khá loãng và phân tán. Vì thay thế hình thức hỏi đáp để mọi người cùng nghe thì ban tổ chức đã xé lẻ khách và mọi người cứ ngồi theo từng bàn để trò chuyện. Người viết bài chẳng biết bám theo ai nên "phân thân" bằng cách đặt hai máy ghi âm ở hai bàn còn mình thì ngồi bàn thứ ba. Anh Đỗ Quang Minh của Công ty Dolfilm nói: "Bỏ ai cũng tiếc mà mình thì không thể theo hết".

Khách quan sát thật kỹ, hỏi han tỉ mỉ. Chỉ sau 2 ngày làm việc tại Sài Gòn, họ đã nắm khá rõ về thị trường điện ảnh Việt Nam. Sắp tới, việc họ có đầu tư vào Việt Nam hay không còn để ngỏ và họ chẳng khẳng định điều gì. Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ G.Bush, tỉ phú Bill Gates đến Việt Nam, "ông bà Smith" nhận con nuôi người Việt và sự có mặt mang tính "tiền trạm" của đoàn "sao" trong giới sản xuất phim Mỹ lần này, có thể nói Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà kinh doanh người Mỹ. Rất có khả năng, phim Việt sẽ tiến bộ hơn về mặt kỹ thuật để có thể tự tin hơn khi tham gia các liên hoan phim quốc tế. Và, nền điện ảnh Việt sẽ thêm sôi động nếu Hollywood đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức sản xuất phim Việt cho người Việt xem. Nền công nghiệp giải trí sơ khai của chúng ta sẽ có thêm cơ hội phát triển, mặc dù phát triển khi nào và như thế nào vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Các vị khách đến Việt Nam:

Biên kịch Susannah Grant: Giải Nicholl Felloship của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ, đề cử Oscar, biên kịch các phim: Charlotte's Web, Catch and Release, In Her Shoes, Erin Brockovich...

Đạo diễn kiêm biên kịch Curtis Hanson: Giải Oscar với phim L.A. Confidential (1997), 42 giải thưởng điện ảnh của các liên hoan phim và hiệp hội, đạo diễn 14 phim, sản xuất 8 phim, biên kịch 8 phim.

Willam Horberg: Chủ tịch hãng Sidney Kimmel, đề cử Oscar các phim nổi tiếng: United 93, Talk to me, Cold Mountain, The Quiet American...

Nhà quay phim Emmanuel Lubezki: 4 đề cử Oscar, các phim: Like water for Chocolate, The cat in the hat, Children of Men...

Đạo diễn, biên kịch Phil Robinson: 3 đề cử Oscar, các phim nổi tiếng: Field Of Dreams, Band Of Brothers...

Đạo diễn phim tài liệu Freida Lee Mock: 1 giải Oscar phim tài liệu xuất sắc nhất cho Maya Lin: A Strong Clear Vision và nhiều giải thưởng khác.

Nhà sản xuất Tom Pollock - nguyên Chủ tịch hãng Universal, hiện là Phó chủ tịch Viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ, sản xuất 7 phim với tư cách cá nhân.

H.A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.